Doanh nghiệp chuẩn bị gì để thích ứng với cách mạng 4.0
“Thách thức là vô cùng lớn nhưng sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 hứa hẹn sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp những cơ hội làm ăn mới”.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng tại Hội thảo: “Phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghệ 4.0” vừa diễn ra tại Quảng Nam. Hội thảo do VCCI Đà Nẵng phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty CP Tập Đoàn VN Đà Thành tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Quang cho biết: Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nền kinh tế nước ta ghi nhận những tín hiệu tích cực: Theo xếp hạng của WB môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc; Việt Nam cũng tăng 5 bâc về năng lực cạnh tranh quốc gia theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta có những bước tăng trưởng ấn tượng. GDP quý 1/2018 cao nhất trong 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục trong 7 năm. Sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng, đã tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng kinh tế của nước ta ở quý 1/2018.
Riêng về Quảng Nam - một trong năm tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, theo ông Quang, với những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của tỉnh Quảng Nam có nhiều khởi sắc. Bằng chứng là ăm 2017, PCI của Quảng Nam được xếp hạng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh thành đạt điểm số cao nhất trong 13 năm xếp hạng PCI - nằm trong TOP 12/63 tỉnh thành có mức độ cải thiện về PCI so với PCI gốc. Nhờ đó, hiện nay, Quảng Nam có hơn 6.000 DN đang hoạt động; có hơn 167 dự án FDI với tổng vốn thu hút 5,8 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn FDI thu hút, đứng thứ 2 về tổng số dự án. Bình quân vốn/ 1 dự án của Quảng Nam đạt 34,7 triệu USD gấp 3,89 lần bình quân của TP Đà Nẵng.
“Đây thực sự là những con số ấn tượng đặt trong bối cảnh quy mô doanh nghiệp nước ta có xu hướng nhỏ hóa. Tình trạng doanh nghiệp mãi không lớn và không muốn lớn. Nền kinh tế Việt Nam thiếu vắng những doanh nghiệp cỡ vừa để “vừa đủ lớn để hiệu quả, vừa đủ nhỏ để linh hoạt” đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia. Có thể nói rằng, Quảng Nam đang có cộng đồng doanh nghiệp có quy mô, năng lực cạnh tranh tương đối cao so với các địa phương khác. Cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam đã, đang và sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Quảng Nam trong thời gian tới. Đặc biệt là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh”, Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quang, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu với thế giới và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không còn là dự báo trong tương lai mà là hiện hữu hôm nay. Cuộc cách mạng mà có người cho rằng “nếu không tận dụng được cơ hội thì thách thức sẽ đến”. Bối cảnh đó đã đặt sự phát triển doanh nghiệp nói chung, công tác quản trị doanh nghiệp nói riêng của các doanh nghiệp nước ta trước những thách thức vô cùng lớn và cơ hội chưa từng có.
Cụ thể, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 hứa hẹn sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội làm ăn mới nhưng vấn đề là phải tìm ra hướng đi và kinh doanh hiệu quả. “Để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp cần tự thân vận động, tăng cường tự học hỏi, nâng cao trình độ, liên tục cập nhật xu hướng và tiến bộ công nghệ, tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ nhân viên của mình bởi chính kiến thức, tri thức sẽ giúp doanh nghiệp mở ra cánh cửa để hòa vào thế giới”, ông Quang nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ có tốc độ thay đổi nhanh chóng, tác động rộng và sâu đến mọi mặt của cuộc sống; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trọng hơn trước; tác động tích cực về lâu dài nhưng trong ngắn hạn sẽ có không ít tác động tiêu cực; kết hợp nhiều công nghệ hoạt động khác nhau, kết nối giữa thực và ảo; thay đổi dòng thông tin, dữ liệu, tri thức và vai trò của cá nhân, doanh nghiệp.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 buộc doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị và văn hóa kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin và tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp cần có kỹ năng quản lý nguồn nhân lực đa thế hệ, năng suất lao động cần phải tăng cao hơn. Nguồn nhân lực cần phải am hiểu công nghệ, có khả năng đa nhiệm, tự tin, độc lập, có nhu cầu học hỏi lớn” - TS. Cấn Văn Lực nói
Nói về Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ví von: Hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 như con tàu mà ai lên sớm sẽ có lợi thế cạnh tranh và vị thế mới. Từ đó, ông Toàn đưa ra lời khuyên: doanh nghiệp Quảng Nam cần định vị lại thương hiệu, uy tín của mình trên thương trường để nâng cao năng lực quản trị. Các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ cần chủ động hợp tác, kết nối để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Điều quan trọng là thay đổi văn hóa và mô hình quản lý kinh doanh; cam kết nhất quán với đối tác; quản lý rủi ro kinh doanh số.
Dưới góc nhìn của mình, ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT VN Đà Thành Group chia sẻ: cách mạng công nghiệp 4.0 đang giúp kết nối, chia sẻ giữa các nền kinh tế trên toàn cầu và để tồn tại, phát triển, doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình này. Cũng theo ông Bảo, với doanh nghiệp Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại những cơ hội chưa từng thấy cho các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược phát triển bền vững và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng.
“Lấy ví dụ với lĩnh vực bất động sản – lĩnh vực mà VN Đà Thành Group đang hoạt động thì cách mạng công nghiệp 4.0 đang buộc các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi nhiều theo hướng cập nhật liên tục tiến bộ của khoa học công nghệ để phát triển. Và lợi ích cuộc cách mạng này mang lại cho doanh nghiệp bất động sản là không thể phủ nhận. Ví dụ, đối với khách hàng, công nghệ sẽ giúp họ giám sát tiến độ của dự án, cập nhật thông tin, trao đổi với chủ đầu tư. Trong khi đó, về phía chủ đầu tư, công nghệ sẽ giúp họ quản lý, vận hành và phát triển một cách thông minh, minh bạch hơn. Và doanh nghiệp nào làm được điều đó sẽ giành được nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, do chi phí đầu tư còn khá lớn, nên chỉ một số doanh nghiệp lớn mới đủ tiềm lực đầu tư và hiện nay, VN Đà Thành Group đang phát triển theo hướng này”, ông Bảo nhấn mạnh.