Giải pháp thúc đẩy việc làm bền vững ở Việt Nam
ILO/VCCI đã tiến hành những nghiên cứu xem xét cách thức doanh nghiệp có thể cải thiện số lượng và chất lượng việc làm, đồng thời cải thiện năng lực của người lao động.
Sản phẩm của hầu hết các doanh nghiệp địa phương đòi hỏi công nghệ sản xuất ít tinh tế hơn như thiết bị chiếu sáng hay đồ điện tử gia dụng hướng đến thị trường nội địa.
Một cách tiếp cận độc đáo
99/100 doanh nghiệp điện tử lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam là công ty con của các doanh nghiệp đa quốc gia (DNĐQG) nước ngoài. Những DNĐQG này có đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam và tạo ra nhiều việc làm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại phải đối diện với nhiều thách thức để trở thành một phần của các chuỗi giá trị toàn cầu do thiếu năng lực kỹ thuật và do họ chỉ thường tham gia sản xuất những sản phẩm đầu vào không thiết yếu như các nguyên liệu đóng gói.
Sản phẩm của hầu hết các doanh nghiệp địa phương đòi hỏi công nghệ sản xuất ít tinh tế hơn như thiết bị chiếu sáng hay đồ điện tử gia dụng hướng đến thị trường nội địa.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào dự án của ILO (“Cải thiện Số lượng và Chất lượng Việc làm thông qua các phương thức thực hành lao động có trách nhiệm xã hội ở Việt Nam”, dự án MNED) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm thúc đẩy các phương thức thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội ở Việt Nam.
Dự án phối hợp với các DNĐQG, các nhà cung ứng trực tiếp của họ và các đối tác xã hội để thúc đẩy việc áp dụng các nguyên tắc của Tuyên bố Ba bên của ILO về các Nguyên tắc liên quan đến Doanh nghiệp Đa quốc gia và Chính sách Xã hội (Tuyên bố DNĐQG).
Kể từ giai đoạn khởi động năm 2015, dự án đã theo đuổi cách tiếp cận song song bằng cách thúc đẩy đối thoại với các doanh nghiệp về trách nhiệm của họ, đồng thời tăng cường quản lý lao động công, đặc biệt là thanh tra lao động.
Dự án cũng gắn kết đầu này với đầu kia của chuỗi giá trị, kết nối các chủ thể ở các cấp khác nhau nhằm thúc đẩy đối thoại thường xuyên - ở cấp độ doanh nghiệp, cấp ngành và cấp quốc gia và giữa nước nhà và nước sở tại của DNĐQG – thúc đẩy hành động chung có sự tham gia của tất cả các bên liên quan để cải thiện việc làm bền vững.
Từ phát triển một nền tảng kiến thức đến các hành động chung
Nhìn nhận được sự cần thiết phải có một nền tảng kiến thức vững chắc, cùng với các hoạt động nâng cao nhận thức, ILO/VCCI đã tiến hành những nghiên cứu xem xét cách thức doanh nghiệp có thể cải thiện số lượng và chất lượng việc làm, đồng thời cải thiện năng lực của người lao động và mức độ tuân thủ luật lao động trong lĩnh vực điện tử.
Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn các DNĐQG và các nhà cung ứng của họ cũng như các cán bộ chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động và các bên liên quan chính trong ngành.
Các hội thảo nâng cao nhận thức về Tuyên bố DNĐQG cũng đã được tổ chức ở miền bắc và miền nam Việt Nam, là một phần không thể tách rời của quá trình nghiên cứu định hướng hành động, nhằm tạo thông tin mới thông qua việc hợp tác với các bên liên quan đồng thời đưa ra các khuyến nghị về hướng đi tiếp theo.
Nghiên cứu thứ nhất xác định thực trạng của ngành và tìm cách giải quyết làm cách nào các doanh nghiệp có thể tăng số lượng và cải thiện chất lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành lao động có trách nhiệm xã hội trong ngành điện tử của Việt Nam, xét đến hệ thống sản xuất xuyên quốc gia liên tục thay đổi khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Nghiên cứu thứ hai phân tích điều kiện làm việc trong ngành điện tử của Việt Nam.
Tháng 9 năm 2016, Đối thoại Chính sách Cấp cao về tương lai của một ngành điện tử có khả năng cạnh tranh và có trách nhiệm xã hội ở Việt Nam với sự tham gia của hơn 80 đại diện từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, các hiệp hội ngành và hiệp hội doanh nghiệp song phương, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam và các DNĐQG đang hoạt động trong ngành.
Đối thoại cũng là cơ hội để cùng xây dựng một Kế hoạch Hành động để tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn thông qua các phương thức thực hành lao động có trách nhiệm xã hội trong ngành. Những vấn đề chính bao gồm: việc các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) bị gạt ra ngoài lề của các chuỗi giá trị điện tử toàn cầu; thiếu các kỹ năng phù hợp trong thị trường lao động địa phương; thiếu các cơ sở đào tạo và dạu nghề phù hợp và có chất lượng; điều kiện làm việc, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sự thiếu nhất quán giữa các luật và chính sách ảnh hưởng đến hoạt động của các DNĐQG, doanh nghiệp Việt Nam và người lao động.
Mặc dù có những thách thức nêu trên, cũng phải thừa nhận rằng các DNĐQG đã là một phần không thể tách rời của nền kinh tế và xã hội Việt Nam và đã được đặt ở vị trí đặc thù để có thể đóng góp hơn nữa cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng toàn diện trong dài hạn thông qua các quan hệ đối tác để thúc đẩy các thực hành lao động có trách nhiệm xã hội.
Người sử dụng lao động đóng vai trò tiên phong
Ngày 20 tháng 10 năm 2017, VCCI và Hiệp hội ngành Điện tử Việt Nam (VEIA) đã thành lập Liên minh Doanh nghiệp Điện tử ở Việt Nam thúc đẩy các Phương thức thực hành Lao động có Trách nhiệm Xã hội với sự hỗ trợ của dự án.
Liên minh tạo một nền tảng cho các DNĐQG, doanh nghiệp địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp trao đổi các phương thức thực hành tốt tại nơi làm việc phù hợp với Tuyên bố DNĐQG. Liên minh cũng hướng tới việc thu thập và đại diện cho tiếng nói của ngành trong đối thoại chính sách ở phạm vi lớn hơn với các bên liên quan khác và cùng nhau thực hiện những hành động để giải quyết những thách thức mà ngành gặp phải.
Thông qua việc giới thiệu những sáng kiến mới giúp cải thiện năng suất, khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của ngành điện tử, Liên minh Doanh nghiệp khuyến khích các DNĐQG tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua các phương thức thực hành lao động có trách nhiệm xã hội. Sự tham gia của các DNĐQG cùng với các nhà cung ứng của họ thông qua đối thoại thường xuyên giúp họ tăng cường khả năng cạnh tranh trong cả chuỗi giá trị và chứng minh một trường hợp rõ ràng về việc gắn kết các thực hành lao động có trách nhiệm xã hội với hoạt động của công ty.
Hai hội thảo tham vấn đã được tổ chức để hỗ trợ cho 50 doanh nghiệp điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh (miền Nam Việt Nam) và Hải Phòng (miền Bắc Việt Nam) để củng cố mạng lưới và năng lực của những DNĐQG này và những nhà cung ứng của họ nhằm thúc đẩy các thực hành lao động có trách nhiệm xã hội. Liên minh Doanh nghiệp này do tổ chức của người lao động dẫn dắt có thể khuyến khích thiết lập một nền tảng đối thoại cấp quốc gia về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) nằm ngoài phạm vi các hoạt động của ngành điện tử.