[VBF GIỮA KỲ 2018] Thể chế và nhân lực là chìa khóa để VN đón làn sóng đầu tư công nghệ cao

Ngọc Hà - Thy Hằng 03/07/2018 18:12

Sự chuẩn bị về thể chế và chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khoá để doanh nghiệp Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư công nghệ cao từ nước ngoài.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và ông

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBF và ông Tomaso Andreatta, đồng chủ tịch VBF .

Đây là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại Họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ VBF 2018 được tổ chức chiều 3/7. Theo đó, chủ đề của VBF giữa kỳ 2018 đó là "Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – hợp tác hướng tới lợi ích chung".

Phải có nguồn nhân lực chất lượng cao

Trả lời câu hỏi trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, làm thế nào để Việt Nam thu hút được ngày càng nhiều làn sóng đầu tư công nghệ cao, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đã thực hiện ký kết các FTA, trong đó có cả các FTA thế hệ mới.

"Trong khuôn khổ các FTA này phải đặc biệt chú ý tới yêu cầu về sở hữu trí tuệ. Và việc tham gia vào các FTA thế hệ mới nghĩa là Việt Nam đang chơi theo luật chơi của toàn cầu. Tức là chấp nhận luật chơi ở mức độ cao nhất. Chính vị vậy, khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó là Chính phủ hãy thực thi một cách nghiêm túc tất cả những cam kết trong FTA, đặc biệt là các hiệp định FTA thế hệ mới. Điều này sẽ mở đường cho làn sóng công nghệ cao vào Việt Nam" - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo TS Vũ Tiến Lộc, để bắt nhịp được với các công nghệ cao, Việt Nam cũng phải nâng cao chất lượng cải cách hệ thống giáo dục. Cụ thể, không phải là giáo dục phổ thông mà là sau phổ thông, giáo dục đại học, cao đẳng, nghề nghiệp. 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, việc cải cách toàn diện hệ thống giáo dục đào tạo sẽ trở thành yêu cầu bậc nhất để Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá và thu hút công nghệ cao.

TS Vũ Tiến Lộc tin tưởng, sắp tới tổng kết 30 năm thu hút FDI, một trong những khuyến nghị chính là hướng tới thu hút dòng vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao và tạo giá trị gia tăng lớn. Để thực hiện được điều này cần phải có sự chuẩn bị về thể chế và nguồn nhân lực. Đây chính là hai chìa khoá quyết định sự thành công của Việt Nam trong việc thu hút FDI gắn với công nghệ cao.

Sở hữu trí tuệ phải được quan tâm đúng mức

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018

    Sắp diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018

    13:05, 03/07/2018

  • "Á quân" về đầu tư kiến nghị gì tại VBF kỳ cuối 2017?

    10:26, 12/12/2017

  • Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017: Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sáng kiến cải cách môi trường kinh doanh

    Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017: Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sáng kiến cải cách môi trường kinh doanh

    08:05, 12/12/2017

  • VBF 2017: Gỡ rào cản trong thực thi pháp luật nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản

    VBF 2017: Gỡ rào cản trong thực thi pháp luật nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản

    11:00, 16/06/2017

  • “Quán quân” về đầu tư tại Việt Nam kiến nghị gì tại VBF 2017?

    “Quán quân” về đầu tư tại Việt Nam kiến nghị gì tại VBF 2017?

    08:30, 16/06/2017

Ở góc độ doanh nghiệp nước ngoài, đánh giá về những chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay, ông Tomaso Andreatta, đồng chủ tịch VBF cho rằng, hiện nay, những chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chỉ thu hút được các nhà đầu tư châu Á. Đây dường như là một trong những nguyên nhân mà theo ông Tomaso, kết quả thu hút đầu tư còn “nhá nhem”.

Theo phân tích của ông Tomaso, những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam như ưu đãi thuế. Có doanh nghiệp tận dụng được, có doanh nghiệp chưa. Ví dụ các công ty lớn như Samsung, họ có thể tận dụng các chính sách ưu đãi liên quan đến thuế này. Ngược lại, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đôi khi gặp phải khó khăn.

Ngoài ra, theo các nhà đầu tư, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư là có, tuy nhiên, làm thế nào để các chính sách này phát huy một cách hiệu quả ở địa phương, vẫn đang là thách thức.  Ngoài ra, thương mại, sản xuất thị trường, lợi thế địa phương trong thu hút đầu tư cũng là những yếu tố khiến nhà đầu tư cân nhắc.

Đồng tình với quan điểm của TS Vũ Tiến Lộc về việc phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Tomaso cho rằng, đang có những rào cản khiến Việt Nam “khó” tiếp nhận làn sóng công nghệ cao.

Trước tiên Việt Nam đang thiếu nguồn lao động chất lượng cao có thể vận hành được các máy móc sử dụng công nghệ cao. Trong khi đó, việc đào tạo được nguồn nhân lực này không thể một sớm, một chiều. Đôi khi, để vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa được một chiếc máy công nghệ cao phải học mất hàng năm.

Điều này cũng đã lý giải, trong nhiều trường hợp, khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhà đầu tư mang công nghệ cũ.

Dẫn chứng cho điều này, ông Tomaso dẫn chứng việc sử dụng máy móc trong ngành sản xuất thuốc lá ở châu Á. Mặc dù châu Á là nơi có rất nhiều hãng, xưởng của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào để mở nhà máy, tuy nhiên công nghệ họ sử dụng để sản xuất là công nghệ  đã có từ cách đây 20 năm.

Bên cạnh đó, yếu tố sở hữu trí tuệ cũng một lần nữa được đồng chủ tịch VBF chỉ ra, sở hữu trí tuệ là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Nếu nhà đầu tư nước ngoài không cảm thấy thoải mái, đảm bảo về thương hiệu, bí quyết công nghệ khi sử dụng dây chuyền công nghệ cao để đầu tư tại một địa phương mới, chắc chắn họ sẽ không đầu tư.

Vì vậy, theo ông Tomaso: “Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề giải quyết sở hữu trí tuệ”.

Ngọc Hà - Thy Hằng