[VBF GIỮA KỲ 2018] Liên kết doanh nghiệp Việt và FDI: Bổ sung động năng cho tăng trưởng kinh tế

TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF 04/07/2018 08:56

Với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - Hợp tác cùng hướng tới lợi ích chung”, VBF kỳ vọng sự hợp tác của hai khu vực kinh tế này sẽ bổ sung động năng cho tăng trưởng kinh tế.

TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF.

TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF.

Thương mại thế giới nửa đầu năm 2018 tiếp tục các diễn biến phức tạp vốn đã xuất hiện từ 2017, nhưng càng lúc càng căng thẳng hơn. Đáng chú ý nhất là các biện pháp thuế đối với nhôm, thép và những căng thẳng trong thương mại và đầu tư Mỹ - Trung. Gần như mỗi tuần đều có tin tức về những tuyên bố, đe dọa bảo hộ, trừng phạt và sau đó là trả đũa từ các nền kinh tế lớn. Không ít trong số đó đang dần trở thành hiện thực.

Trong bối cảnh này, tin mừng là thương mại và đầu tư Việt Nam cho đến nay vẫn tương đối ổn định. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu không bị biến động lớn, thậm chí tăng nhẹ so với 2017. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vẫn là động lực chính, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng diễn ra ổn định, bình thường.

Điều này có được là nhờ một phần từ yếu tố khách quan (do Việt Nam chưa phải đối mặt trực diện với các biện pháp bảo hộ ở các thị trường với các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn). Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng phần lớn lý do nằm ở các hành động chủ động của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Ở trong nước một loạt các động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…) đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực, góp phần giúp doanh nghiệp giữ vững và gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh quốc tế phức tạp.

Với thế giới, Việt Nam đã có thêm những những bước đi quan trọng hướng tới tự do hóa thương mại, mở cửa nền kinh tế thông qua việc Chính phủ ký CPTPP, hoàn tất rà soát pháp lý EVFTA, triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO. Cùng với 10 FTA khác mà Việt Nam đã ký đang được triển khai ổn định, đây sẽ là các cánh cửa quan trọng cho phép Việt Nam tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt các thị trường quan trọng với Việt Nam cũng như tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, bền vững và hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Tác động cộng hưởng của những nỗ lực cải cách và mở cửa mang lại niềm tin mới cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề quan ngại. Cụ thể, trên bình diện chung, những căng thẳng thương mại có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt khi các tuyên bố bảo hộ hay trả đũa của các nền kinh tế lớn được hiện thực hóa sẽ gây ra những chuyển động bất thường, khó nắm bắt cho kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đó có thể là những thị trường đột nhiên bị bỏ trống, tạo cơ hội cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam. Nhưng đó cũng có thể là luồng thương mại dịch chuyển sang các thị trường thay thế, khiến cạnh tranh phức tạp hơn, ở các thị trường khác và trên thị trường Việt Nam.

Cũng như vậy, sự chuyển dịch của dòng đầu tư có thể ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Nguồn cung, cầu trên thế giới có thể diễn biến phức tạp. Thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán cũng có thể có nguy cơ bất ổn.

Từ góc độ xuất khẩu, mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần qua các tháng. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Hoa Kỳ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu. EU áp dụng thẻ vàng, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng, đối với hải sản Việt Nam.

Ở trong nước, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế không phải tất cả các Bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

Đơn cử, sau 4 năm đưa vào thực hiện, Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các Bộ ngành đã có hành động cụ thể. Tuy nhiên, kết quả sau 03 năm thực hiện lại chưa được như kỳ vọng. Số mặt hàng được loại khỏi diện KTCN chỉ chiếm chưa đầy 6%. Trong số 164 Danh mục hàng hóa phải KTCN thì có tới 63 Danh mục chưa được các Bộ ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS nhưng chưa phù hợp (chiếm tới 36% số Danh mục). Thời gian cho KTCN trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn đến ba lần so với các nước ASEAN-4.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu tất cả các Bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh. Nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. 04 Bộ khác là Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp. Còn lại các Bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến.

Trước thực tế này, Cộng đồng doanh nghiệp trong và nước ngoài đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh là biện pháp mà chúng ta luôn có thể chủ động thực hiện, luôn khả thi và ít tốn kém trong khi hiệu quả lại rất đáng kể, đặc biệt trong thúc đẩy xuất nhập khẩu; tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư. Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ:

Một là, tiếp tục các chỉ đạo cương quyết thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là về thủ tục xuất nhập khẩu, Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;

Hai là, tăng cường các hành động thực thi các nghĩa vụ về tạo thuận lợi thương mại trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Ba là, tận dụng tối đa cơ hội từ việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn và thực thi CPTPP để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới;

Để bảo đảm tính hiệu quả và thực chất của các hoạt động này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan thường xuyên thông tin, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu các báo cáo hay các đánh giá về hiệu quả thực hiện trước khi trình Chính phủ cần có ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng cường các nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các FTAs.

Tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTAs là một trong những giải pháp để xuất khẩu Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ: Một là, tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP (tốt nhất là vào kỳ họp Quốc Hội cuối năm nay) để Hiệp định này sớm có hiệu lực với Việt Nam và triển khai ngay công tác chuẩn bị thực hiện các cam kết trong Hiệp định, cả từ phía chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là cam kết về thể chế và hàng hóa (thuế quan, quy tắc xuất xứ) để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội của CPTPP ngay khi Hiệp định này có hiệu lực.

Hai là, tiếp tục thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU càng sớm càng tốt, đồng thời cố gắng cùng với các đối tác hoàn tất rà soát pháp lý đối với Hiệp định bảo hộ đầu tư để tiến tới ký kết, phê chuẩn. Ở khía cạnh này, chúng tôi cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của Phái đoàn EU tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI EU tại Việt Nam và tất cả các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ các Hiệp định này cùng lên tiếng, phối hợp vận động để tiến trình ký kết và phê chuẩn các Hiệp định được đẩy nhanh càng sớm càng tốt. Chú ý: Hai hiệp định này được phê chuẩn theo các quy trình khác nhau, do đó không nhất thiết phải được thực hiện đồng thời.

Ba là, thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTAs khác. Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng xu hướng nhập siêu đang ngày càng gia tăng với các thị trường chúng ta đang có FTAs cho thấy Việt Nam đã chưa tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ các FTAs như các đối tác thương mại của mình. Điều này đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn để hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết, phải rà soát và loại bỏ ngay các bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTAs, đặc biệt là phải cải cách nhanh hơn các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu như đã đề cập ở phần trên. Đó là yêu cầu rất cấp bách!

(Sáng ngày 4/7, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, DĐDN trích đăng bài phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VBF tại Diễn đàn. Tiêu đề do tòa soạn đặt).

TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF