Tiềm năng đầu tư tại Botswana, Nam Phi

Cẩm Anh 08/08/2018 17:27

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang thúc đẩy nhiều chương trình tìm hiểu, xúc tiến đầu tư với thị trường các nước Nam Phi, trong đó có Botswana.

Phó Chủ tịch VCCi Đoàn Duy Khương tiếp đón Đại sứ Botswana

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương tiếp đón Đại sứ Botswana Mothusi Palai

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương nhận định, mặc dù mới ở những bước phát triển đầu tiên, nhưng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Botswana có những bước phát triển tích cực. Thị trường Botswana đang là thị trường tương đối mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, trong tương lai, Botswana có thể là điểm đến đầy tiềm năng.

"Hiện nay không chỉ Botswana mà các nước khu vực Nam Phi đang là một trong những thị trường được nhiều nhà đầu tư nhắm tới do nhu cầu từ các thị trường này rất lớn, yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe. Chính phủ các nước cũng đang có nhiều chính sách mở cửa thị trường chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Botswana có thể phát triển hơn nữa nếu tận dụng tốt cơ hội", Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • 4 lĩnh vực ưu tiên hút đầu tư nước ngoài của châu Phi

    02:07, 22/07/2018

  • Châu Phi sẽ có trung tâm nghiên cứu ứng dụng AI đầu tiên

    05:00, 20/06/2018

  • Cơ hội cho Việt Nam từ châu Phi

    07:08, 26/05/2018

  • Viên kim cương lớn hàng đầu thế giới mới được phát hiện tại châu Phi

    16:02, 16/01/2018

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, thị trường Botswana còn rất mới mẻ với các nhà đầu tư Việt Nam do hạn chế xa cách về địa lý, thông tin về mặt hàng tiềm năng, nhu cầu, chính sách, thanh khoản... còn thiếu. "Chính vì vây, việc nhanh chóng xây dựng liên kết, đầu mối thông tin giữa hai nước là việc làm vô cùng cần thiết", ông Khương nhận định.

Xuất phát từ thực tiễn, tại buổi làm việc với Đại sứ Botswana, Phó Chủ tịch VCCI đã đề nghị,  hai bên xem xét đề xuất tạo dựng kênh thông tin liên lạc để các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm; phối hợp tổ chức các buổi xúc tiến hợp tác thương mại, đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam và Botswana đều có lợi thế như nông nghiệp, du lịch...

Đồng thời, ông Khương cho biết, VCCI luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Botswana trong quá trình tìm kiếm đối tác, thủ tục kinh doanh tại Việt Nam. 

Đại sứ Botswana Mothusi Palai thông tin thêm, Tổng thống và chính phủ Botswana rất quan tâm và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp Botswana cũng đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để có thể từng bước tiếp cận với thị trường ASEAN rộng lớn.

"Việt Nam luôn là quốc gia được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao về độ ổn định chính trị, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn cùng môi trường cạnh tranh ngày càng minh bạch, công khai. Do đó, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại với Việt Nam là một trong những vấn đề trọng tâm được chính phủ Botswana chú trọng trong thời gian tới", Đại sứ khẳng định.

Đồng thời, ông Palai cũng cho biết, Chính phủ Botswana sẽ nhanh chóng cử đại diện cộng đồng doanh nghiệp sang Việt Nam để tiến hành trao đổi, bàn bạc hợp tác, ký kết các dự án cụ thể với VCCI để giúp việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên phát triển hơn nữa. 

Botswana là quốc gia nằm sâu trong lục địa ở phía Nam châu Phi, có diện tích hơn 600.000 km2 và dân số hơn 2 triệu người. Năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua đạt 36,6 tỷ USD, trong khi GDP tính theo đầu người đạt hơn 18.000 USD.

Về cơ cấu kinh tế, du lịch và dịch vụ chiếm 53% GDP, công nghiệp chiếm 45% tập trung ở ngành khai thác khoáng sản, đặc biệt là kim cương đóng góp trên 70% giá trị xuất khẩu, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 2% GDP.

Cẩm Anh