Kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu tại chỗ

Huyền Trang 11/11/2018 06:05

VCCI vừa có kiến nghị, hàng hoá nhập khẩu tại chỗ sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, bất kể nhập khẩu từ khu chế xuất hay từ nội địa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu của VCCI gửi Bộ Tài chính.

p/Doanh nghiệp làm thủ tục tại Hải quan KCX Linh Trung. Ảnh: T.H

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Hải quan KCX Linh Trung. Ảnh: T.H

Đảm bảo quy tắc xuất xứ các FTA

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Tổng cục Hải quan đã đề xuất, hàng hóa nhập khẩu tại chỗ được hưởng thuế suất ưu đãi (MFN) nếu được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, hoặc được thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam.

Còn hàng hoá mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu có giấy chứng nhận xuất xứ.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, "Quy định như vậy là đã có sự phân biệt đối xử giữa hàng hoá nhập khẩu tại chỗ từ khu phi thuế quan và từ nội địa. Theo quy tắc xuất xứ trong các FTA, thì hàng hoá được sản xuất toàn bộ hoặc thực hiện công đoạn chế biến cuối cùng trong nội khối (trong các nước cùng tham gia FTA đó) thì sẽ được hưởng thuế xuất ưu đãi đặc biệt.

  VCCI cho rằng, hàng hóa lưu thông trong khối và nhập khẩu tại chỗ vào Việt Nam cũng là lưu thông trong khối FTA thì phải được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. 

Theo cách hiểu này, nếu hàng hoá được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam hoặc được thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam thì chắc chắn đã có xuất xứ nội khối FTA, không phân biệt trong hay ngoài khu chế xuất. Do đó, nếu hàng hoá này lưu thông trong khối và nhập khẩu tại chỗ vào Việt Nam cũng là lưu thông trong khối thì phải được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Bởi vì, mục tiêu, thuế ưu đãi đặc biệt thấp hơn thuế suất MFN là nhằm ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại các quốc gia trong FTA".

Cưỡng chế sai đối tượng

Ngoài ra VCCI cũng chỉ ra một số bất cập khác: Tại dự thảo Nghị định quy định, trong trường hợp tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh không thực hiện đúng cam kết thì cơ quan hải quan sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế, chứ không phải đối với tổ chức tín dụng.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên mạng xã hội

    03:00, 03/11/2018

  • VCCI Cần Thơ phối hợp cùng Vietnam Airlines phát triển hình thức thuê chuyến

    18:25, 01/11/2018

  • VCCI Thanh Hóa bồi dưỡng doanh nghiệp - doanh nhân nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý

    16:35, 26/10/2018

Theo VCCI, điều này chưa phù hợp với quy định về bảo lãnh tại Điều 355 của Bộ luật Dân sự cũng như Điều 4.2.c của Nghị định 134. Trong trường hợp này, bên phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế cho ngân sách nhà nước phải là bên bảo lãnh (tổ chức tín dụng). Do đó, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi theo hướng, nếu tổ chức tín dụng không thực hiện đúng cam kết thì cơ quan hải quan tiến hành các biện pháp cưỡng chế đối với tổ chức tín dụng để thu hồi phần nghĩa vụ còn thiếu đối với ngân sách.

Dự thảo Nghị định còn quy định bổ sung Điều 4.2.g xử lý trường hợp dừng bảo lãnh chung. Đây là quy định rất cần thiết nhưng nếu chỉ dừng lại như quy định tại dự thảo thì chưa giải quyết hết các trường hợp phát sinh trên thực tế. Ví dụ, khi tổ chức tín dụng có văn bản đề nghị dừng bảo lãnh chung, nhưng chưa thanh toán hết các nghĩa vụ ngân sách thì cơ quan hải quan sẽ không chấp thuận dừng bảo lãnh chung.

Khi đó, nếu phát sinh một nghĩa vụ mới (như lô hàng mới nhập khẩu về) thì nghĩa vụ mới đó có được bảo lãnh hay không? Trường hợp này VCCI đề nghị quy định theo hướng, khi tổ chức tín dụng có văn bản đề nghị dừng bảo lãnh thì cơ quan hải quan chỉ truy thu tổ chức tín dụng những nghĩa vụ ngân sách phát sinh trước thời điểm có văn bản đề nghị dừng bảo lãnh chung, còn những nghĩa vụ phát sinh sau thời điểm đó không thuộc phạm vi bảo lãnh.

Huyền Trang