Nhóm công tác của VBF "hiến kế" nâng hạng TTCK Việt Nam thành thị trường mới nổi
Ông Dominic Scriven- Trưởng nhóm Công tác Thị trường Vốn của diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu bốn nhóm khuyến nghị nhằm tăng cường thị trường vốn và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 sáng ngày 4/12, ông Dominic Scriven- Trưởng nhóm Công tác Thị trường Vốn của diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam vô cùng phấn khởi và đã tăng gần 3% trong phiên đầu tuần, lấy lại mốc 950 điểm.
Chồng chéo Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán
Đặc biệt, theo ông Dominic Scriven, nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại trước rủi ro các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy. Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỉ USD khỏi thị trường Thái Lan, 3,7 tỉ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỉ USD khỏi Philipin, nhưng lại đổ 1,5 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam.
“Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lòng tin vào Việt Nam. Xét về giá trị doanh nghiệp của Việt Nam thì theo chúng tôi chỉ số PE của năm nay sẽ vào khoảng 10, 11 hay 12 lần, và khả năng gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp (EPS) là trên 25%. Mặt bằng giá chung của các công ty niêm yết tại Việt Nam vẫn khá hấp dẫn”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Cùng với đó, thị trường vốn Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong mấy năm qua, cả về tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu, từ 70 tỉ USD lên 200 tỉ USD. Thứ hai, tổng giá trị giao dịch hàng ngày của hai thị trường này tính đến cuối năm hay đầu năm sau sẽ có thể vượt 1 tỉ USD/ngày. Tổng số vốn huy động được cho các đơn vị phát hành/doanh nghiệp trong nước đạt 5-10 tỉ USD/năm, trong đó tính từ đầu năm đến nay, số vốn mới đã huy động được đạt 4 tỉ USD.
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, trưởng nhóm công tác thị trường vốn sửa đổi Luật Chứng khoán với 4 vấn đề. Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh, thứ hai sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán, thứ ba giao dịch chứng khoán và thứ tư mô hình quản lý thị trường giao dịch chứng khoán.
Trước hết về phạm vi điều chỉnh, theo ông Dominic Scriven- Trưởng nhóm Công tác Thị trường Vốn của diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), hiện có sự chồng chéo, không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán về địa vị pháp lý của các công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51%.
Điểm mấu chốt là tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty này có thể thay đổi hàng ngày, hôm trước trên 51%, ngày hôm sau dưới 49%.
“Như vậy, quy định yêu cầu mọi hoạt động “mua cổ phần, phần vốn góp” dẫn đến sở hữu nước ngoài từ 51% trở lên đều phải đăng ký là vô cùng bất hợp lý và không thể thực hiện được”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Vấn đề sở hữu nước ngoài, Trưởng nhóm công tác Thị trường Vốn cũng cho biết, quy định hiện hành về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong công ty đại chúng là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% trở lên. 49% đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài. 100%, trừ khi Điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành hoặc Điều lệ công ty có hạn chế.
Bất cập được chỉ ra là Luật Chứng khoán điều chỉnh về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty đại chúng, nhưng Luật Đầu tư lại điều chỉnh địa vị pháp lý của các công ty này khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên. Hệ quả của việc Luật Đầu tư điều chỉnh địa vị pháp lý là địa vị pháp lý của các công ty đại chúng có thể thay đổi hàng ngày khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống thấp, hoặc vượt quá 51%.
“Điều này đồng nghĩa với việc một công ty đại chúng hôm trước được coi là nhà đầu tư trong nước (khi sở hữu nước ngoài dưới 51%) thì ngay ngày hôm sau đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài (khi sở hữu nước ngoài tăng trên 51%), và ngược lạI”, ông Dominic Scriven phân tích.
Bốn khuyến nghị nâng hạng thị trường
Do đó, nhóm công tác có bốn khuyến nghị, thứ nhất, về Luật chứng khoán mớI cần công bố bản dự thảo để các thành viên thị trường cho ý kiến, đóng góp.
“Luật Chứng khoán mới cần khẳng định đây là luật chính điều tiết các công ty niêm yết, và cần sửa luật để giải quyết một số quy định mâu thuẫn giữa Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư, như cơ chế room cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như xác định rõ quyền hạn điều tra vi phạm của UBCKNN”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Thứ hai, xây dựng hệ sinh thái cho các nhà đầu tư, tổ chức trong nước. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại quy định đối với ngân hàng liên quan đến các hoạt động giám sát và lưu ký theo hướng linh hoạt hơn, mở rộng đối tượng những sản phẩm tài chính để có thể phân phối đến lượng nhà đầu tư nhiều hơn, cho phép ngân hàng thương mại đăng ký thực hiện một dịch vụ mới là phân phối sản phẩm tài chính cho nhà đầu tư.
Thứ ba, thời gian quan tâm đến IPO của doanh nghiệ nhà nước. Chẳng hạn, trong kế hoạch IPO của Công ty Kiểm định Dầu khí, đã thực hiện định giá năm 2015, đấu giá vào đầu năm 2018, nhà đầu tư đã thanh toán tiền mua cổ phần vào tháng 2/2018, nhưng mãi đến tháng 7/2018 mới tổ chức đại hội cổ đông lần đầu. Có nghĩa là nhà đầu tư đã trả tiền mua cổ phần từ tháng 2 nhưng đến tháng 7 mới được công nhận là cổ đông.
Thứ tư, thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Để phát triển thị trường này cần sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc chào bán ra công chúng cũng như chào bán riêng lẻ khi phát hành trái phiếu.
Phản hồi những đề xuất của Nhóm công tác thị trường Vốn, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết ghi nhận những đóng góp của nhóm Công tác. Về vấn đề Luật Chứng khoán sửa đổi hiện đang được lấy ý kiến với nhiều buổi làm việc và giải trình.
“Hiện chúng ta đang ở mức thị trường cận biên để nâng hạng thị trường mới nổi. Theo đó, mức định lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam liên quan tới quy mô thị trường, quy mô doanh nghiệp và tính minh bạch đã được đảm bảo thực hiện tốt. Hiện chỉ còn một số vấn đề liên quan định tính của các nhà đầu tư. Chúng tôi đã làm việc với các tổ chức, cơ quan quốc tế để tìm hướng”, ông Sơn nhấn mạnh.