Doanh nghiệp vẫn hối thúc cải cách

THY HẰNG 21/01/2019 12:12

Báo cáo của VCCI qua khảo sát ngẫu nhiên trên gần 3.100 doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 vừa được công bố.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, năm 2018, mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với năm 2015. Tuy nhiên, báo cáo vẫn thể hiện, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có những cải cách thủ tục xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn nữa.

p/Mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính hải quan.

Mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính hải quan.

Trị giá hải quan... không đúng thực tế thanh toán

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Vấn đề xác định trị giá hải quan vẫn là một tồn tại, xác định trị giá có thể khiến doanh nghiệp từ có lãi một chút chuyển sang lỗ, thậm chí phá sản ngay”.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Tài chính tiếp tục cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

    10:19, 19/01/2019

  • Nhiều doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu

    06:30, 09/01/2019

  • Bao nhiêu doanh nghiệp phải trả chi phí "ngoài luồng" cho hải quan?

    11:05, 08/01/2019

  • Chi phí logictics là rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

    04:10, 29/12/2018

  • Chi phí nhân công cao thách thức dòng vốn FDI

    12:00, 27/12/2018

Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 của VCCI cũng cho thấy, có tới 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định trị giá hải quan. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục hành chính hải quan tỉ lệ doanh nghiệp phản hổi gặp khó cao hơn tỉ lệ gặp thuận lợi. Cụ thể, hoàn thuế không thu thuế có tới 23% số phản hồi đánh giá khó khăn, so với chỉ 17% đánh giá là dễ dàng. Tương tự, chỉ số về giải quyết khiếu nại cũng có tới 20% số phản hồi đánh giá khó khăn, so với 11% đánh giá dễ dàng, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi gặp khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính cũng cao hơn 3% so với số doanh nghiệp đánh giá dễ dàng.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dệt may (VITAS), hiện cơ quan Hải quan yêu cầu cộng thêm phí chứng từ (DO), CIC, vệ sinh container vào trị giá hải quan. Trong khi đó, doanh nghiệp ký hợp đồng mua hàng với các điều kiện đã bao gồm cước, phí vận tải như: CFR, CIF… Khi các phí này bị tính thuế hải quan thì vô hình chung phí này đã được cộng vào giá 2 lần, không phản ánh đúng giá thực tế thanh toán.

“Vẫn còn nhiều doanh nghiệp phản ánh họ được yêu cầu nộp thêm giấy tờ ngoài quy định, vẫn phải in, nộp giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, sự hướng dẫn chưa đầy đủ hay sự phối hợp chưa đồng bộ giữa HQ và các cơ quan nhà nước khác”, ông Tuấn nói.

Đặc biệt, khảo sát 2018 cho thấy có tới 53% doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định mã số HS. Trong đó, nhóm doanh nghiệp làm dịch vụ cho biết gặp khó cao hơn nhóm doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, trong đó 66% gặp khó trước thông quan, 30% trong thông quan và đặc biệt còn tới 23% doanh nghiệp cho biết gặp khó.

Không gian cải cách lớn

Khó khăn là không tránh khỏi, song công bằng mà nói, Báo cáo của VCCI cũng đánh giá, đã có sự thay đổi tích cực trong cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi khi thực hiện các TTHC hải quan so với khảo sát năm 2015.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều đánh giá còn nhiều dư địa, không gian cải cách TTHC hải quan đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và như tinh thần của Nghị quyết 02/2019 vừa được Chính phủ ban hành những ngày đầu năm 2019. Nói như TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, công cuộc cải cách hiện nay của Việt Nam, các Nghị quyết của Chính phủ đều thể hiện một tinh thần là cần phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm điểm tựa, lấy những chuẩn mực quốc tế làm mục tiêu, cải cách thể chế cần phải được gia tốc mạnh mẽ hơn.
Chủ tịch VCCI cho rằng, kết quả khảo sát cho thấy năm 2018 mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp với ngành hải quan đã được cải thiện ở hầu hết nội dung khảo sát so với năm 2015.

Tuy nhiên, còn nhiều việc ngành hải quan cần tích cực triển khai thời gian tới. Bởi vì, CPTPP đã có hiệu lực, sắp tới có EVFTA, chúng ta đang vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trong thương mại quốc tế, như vậy thì chất lượng thể chế và các thủ tục hành chính cũng phải vươn tới chuẩn mực hàng đầu. Chính phủ đề ra mục tiêu là ASEAN 4, Thủ tướng nêu yêu cầu là OECD thì chất lượng hành chính trong nhiều lĩnh vực phải hướng đến tiêu chuẩn của OECD.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Định danh 300 hành vi gây phiền hà, tiêu cực

Ngành hải quan đặc biệt quan tâm đến chống phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có quyết định định danh 300 hành vi gây phiền hà, sách nhiễu. Đây là cơ sở để các bên liên quan giám sát.

Tổng cục Hải quan đã giảm việc kiểm tra bằng thủ công bằng cách áp dụng các biện pháp máy móc kỹ thuật. Việc này trong thời gian qua vừa giúp giảm được thời gian thông quan, đồng thời cũng giám sát được cán bộ hải quan. Ngoài ra, một số các địa điểm thực hiện thông quan lớn hiện nay đã được trang bị hệ thống giám sát camera trực tuyến từ Tổng cục xuống đến các Cục và chi cục.

Bà Trần Hoàng Yến- đại diện vasep: Thuế phế liệu, phế phẩm thủy sản “đá nhau”

Tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016 và Công văn 2767/2017 của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) hướng dẫn về “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa” có sự chưa thống nhất.

Về mặt thực tiễn, quy định này không phù hợp với ngành hàng thủy sản, bởi tôm, cá phi lê chế biến xong thì phế liệu, phế phẩm chiếm từ 30-40% tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu (tùy mặt hàng). Doanh nghiệp gia công sẽ phải nộp thuế, truy thu thuế vô lý.

THY HẰNG