PCI thúc đẩy sáng tạo trong thu hút đầu tư
Đó là khẳng định của ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID).
- Thưa ông, USAID đã có hành trình hơn 14 năm cùng VCCI thực hiện nghiên cứu PCI, ông đánh giá như thế nào về vai trò của nghiên cứu này với quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam?
USAID đã đồng hành cùng VCCI trong nhiều năm qua vì chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của PCI. Chúng tôi cho rằng PCI có tác động to lớn đến công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo chúng tôi, kết quả PCI đã hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại Việt Nam, từ đó hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Điều này đã thể hiện trong việc cải thiện thứ hạng và điểm số của Việt Nam trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Chúng ta đều biết Việt Nam đã tăng từ vị trí 91 năm 2016 đến vị trí 69 trong năm 2018 trong bảng xếp hạng Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới công bố.
Có thể bạn quan tâm
PCI góp phần thay đổi tư duy quản lý
18:31, 27/03/2019
Tuyên Quang: Phấn đấu chỉ số PCI tăng thêm từ 6 đến 10 bậc
14:50, 19/03/2019
Quảng Ninh: Rào cản nào đến ngôi vương PCI 2018?
06:00, 18/12/2018
Quảng Trị quyết tâm “lấy lại phong độ” chỉ số PCI
11:00, 01/10/2018
Chúng tôi cũng nhận thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng góp phần quan trọng đối với các nhà đầu tư khi họ quyết định đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng PCI đã góp phần đáng kể trong việc gia tăng đầu tư nhờ liên tục thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư và tạo dựng một môi trường kinh doanh thân thiện, an toàn.
Đặc biệt, ở quan điểm cá nhân, tôi cho rằng PCI còn có ý nghĩa thúc đẩy những hành động, sáng tạo của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư.
- Như ông nói, đây là yếu tố quan trọng khi nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Vậy ông đánh giá thế nào về cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài dựa trên kết quả PCI những năm gần đây?
Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xem xét tất cả các yếu tố từ ổn định chính trị đến vị trí địa lý, đội ngũ lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng, địa điểm và cả hệ thống pháp lý. Tất cả những yếu tố này đều được phản ánh trong báo cáo PCI. Đối với tất cả các nhà đầu tư, báo cáo PCI rất quan trọng vì mọi thông tin họ cần đều có, giúp họ có thể đánh giá và đưa ra quyết định phù hợp.
- Theo ông, những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn băn khoăn khi ra quyết định đầu tư ở Việt Nam?
Theo tôi vẫn là môi trường đầu tư. Mọi nỗ lực của Việt Nam đều đáng ghi nhận nhưng không phải chỉ có Việt Nam mới theo đuổi mục tiêu này.
Để trở thành “điểm sáng” hút đầu tư của thế giới, điều quan trọng hơn nữa là các bạn phải biến những nỗ lực cải cách của Chính phủ thành mục tiêu, thành hành động của từng cán bộ, công chức.
- Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với nhiều cải cách mạnh mẽ, Việt Nam cần làm gì để thực hiện mục tiêu này?
Theo tôi, cần thúc đẩy các ý tưởng hay về việc làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam đến từ các tỉnh, thành phố - chính là nơi mà môi trường kinh doanh cần được cải thiện nhất. Và thực tế cho thấy chúng ta nhìn thấy nhiều bài học hay từ các tỉnh, thành phố trong thời gian qua.
Đơn cử như Quảng Ninh – địa phương đã được vinh danh theo kết quả PCI năm 2017. Tại đây chính quyền tỉnh đã tự xây dựng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện thị (DDCI) - một dạng chỉ số khá giống với PCI nhưng được sử dụng xuống tới tận cấp cơ sở.
Ngoài ra, nhiều sáng kiến khác từ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam cũng đã lan rộng và trở thành bài học thực tiễn tốt như mô hình “Café doanh nhân” của Đồng Tháp, mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp” của Bắc Ninh…
- Xin cám ơn ông!