PCI bật tung “rào cản” cải cách
Ngày 28/3/2019, VCCI sẽ công bố PCI 2018, đánh giá nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại 63 tỉnh thành.
Trong suốt 14 năm qua, PCI đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố tạo dựng một môi trường kinh doanh thân thiện, an toàn.
Cuối tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc ở Cao Bằng đã phát biểu: “Chỉ số PCI của Cao Bằng ít nhất phải ở nhóm trung bình khá để có thể “hội nhập” và hòa mình hiệu quả vào dòng chảy năng động và phát triển của cả vùng động lực tăng trưởng kinh tế phía Bắc”. Không chỉ ở Cao Bằng - một trong những tỉnh nghèo nhất nước, Thủ tướng đã nhiều lần lấy PCI để khuyến khích cải cách ngay từ cơ sở.
Không thể cải cách nếu thiếu phản biện từ thực tiễn
14 năm qua, từ sự “bỡ ngỡ” ban đầu, PCI đã dần trở thành một trong những “sự kiện” được trông chờ hàng năm. Bởi ở đó có cả những “hỉ, nộ, ái, ố” cho đến những con số đáng tin cậy về cải cách ở từng địa phương. Trước những áp lực của cải cách để phát triển, PCI lại càng trở nên cần thiết hơn để không chỉ các địa phương, mà Trung ương cũng nhìn thấy những điểm nghẽn và tháo gỡ.
Bởi với PCI, những cải cách trong sự vận hành của bộ máy chính quyền được đo bằng sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, những người tiên phong trong sự nghiệp thịnh vượng hóa quốc gia. Sự hài lòng ấy chính là hệ quả của việc doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng của cải cách, thực hiện quyền và trách nhiệm của mình thông qua đánh giá dịch vụ công. Không thể có cải cách nếu thiếu những tiếng nói từ dưới lên để thẩm định lại những mệnh lệnh cải cách từ trên xuống.
Chừng nào văn bản quy phạm pháp luật còn tù mù, còn có những cách diễn giải khác nhau… thì vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng để tư lợi và doanh nghiệp vẫn phải chi trả chi phí bất hợp lý.
Đương nhiên, điều đó là một sự nỗ lực lớn của bộ máy hành chính khi quyền lực không phải là điều dễ từ bỏ. Nhưng khi cộng đồng doanh nghiệp được dịp cất lên tiếng nói của mình, thì cũng chính là lúc việc trao quyền được thực thi và tiến triển theo thời gian. Nếu lúc đầu, người ta còn đặt câu hỏi “anh là ai mà đánh giá tôi”, thì bây giờ sự đánh giá chất lượng vận hành của bộ máy là điều đương nhiên không cần bàn cãi.
Khi những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về những vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh được chuyển tải cách độc lập, thì cũng chính là lúc họ vượt qua được sự tự ti trong quan hệ với chính quyền. Cũng là lúc mà chính quyền nhận ra rằng: mình cần lắng nghe những phản ánh khách quan, trung thực hơn, dù có lúc những phản ánh đó có khi là sức ép hay con mắt soi mói khó chịu.
Có thể bạn quan tâm
PCI góp phần thay đổi tư duy quản lý
18:31, 27/03/2019
Quảng Ninh: Rào cản nào đến ngôi vương PCI 2018?
06:00, 18/12/2018
Yên Bái hướng tới top đầu PCI miền núi phía Bắc
11:16, 12/10/2018
Quảng Trị quyết tâm “lấy lại phong độ” chỉ số PCI
11:00, 01/10/2018
Tạo cảm hứng cải cách
Những người làm PCI hiện nay luôn tự hào rằng, từ PCI, những kinh nghiệm về cải cách đã được lan tỏa, những mô hình hay đã được áp dụng dù hiệu quả không phải ở đâu cũng đồng đều. Từ “một cửa” ở Bình Dương, Đà Nẵng đến “bác sĩ doanh nghiệp” ở Bắc Ninh hay café doanh nhân ở Đồng Tháp… đều xuất phát từ những khuyến cáo của PCI. Thậm chí còn phải nhắc đến cả DDCI của Quảng Ninh, Tuyên Quang... như những “sản phẩm phái sinh” mà PCI đã khơi nguồn cảm hứng.
Nhưng quan trọng hơn, chính từ PCI mà ngay cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có thêm một công cụ chính xác để điều hành, chỉ đạo chiến lược phát triển và đặt ra những yêu cầu cải cách cụ thể cho các địa phương. Có thể nói, PCI lại trở thành “niềm cảm hứng bất tận” cho công cuộc cải cách. Những nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… hay các chương trình cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thì PCI đều là một trong những cơ sở. Kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp vì vậy trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy cải cách thực chất hơn, có trọng tâm hơn bên cạnh những tuyên bố chính trị vĩ mô.
14 năm, PCI như vậy đã đi được một chặng đường dài. Khi cải cách vẫn là điều phải làm thường xuyên để Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững, thì PCI sẽ phải là một biểu tượng cho sự nhịp nhàng trong cải cách từ trên xuống và từ dưới lên. Trên hết, PCI phải là biểu tượng của việc “nhìn thẳng vào sự thật” để làm bật tung những rào cản của cải cách, của tư duy cán bộ, công chức.
Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Cải thiện những chỉ số còn hạn chế Những năm qua, Hà Nội đã cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần còn thấp, trọng tâm là trong các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Ngoài ra, Hà Nội còn thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối cung - cầu, hỗ trợ giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. TP tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết TƯ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2020; khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao... Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: Nâng cao chất lượng đầu tư Năm 2019, Quang Ngãi đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng từ 6,5-7% ; Tốc độ tăng GRDP không tính sản phẩm lọc hóa dầu tăng: 12-12,5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: khoảng 30.000- 32.000 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là 19.820 tỷ đồng.; Kim ngạch xuất khẩu là 560 tỷ đồng… Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2019, Quảng Ngãi công tác thu hút đầu tư cần quan tâm đến chất lượng dự án, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng đô thị, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp. Thực thi cam kết, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu, phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp... Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang: Hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân”. Qua các chương trình “Cà phê doanh nhân” chúng tôi đã phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần của PCI tỉnh Tuyên Quang; trao đổi, thảo luận giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan về các giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI của tỉnh... Hiện nay, chúng tôi tiếp tục chủ trì, phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hội Doanh nhân trẻ và các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện Đề án xây dựng bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh và kế hoạch khảo sát đánh giá cảm nhận của Doanh nghiệp về môi trường đầu tư và kinh doanh của cấp huyện/thành phố và các sở, ngành tỉnh Tuyên Quang, trong đó chú trọng nội dung khảo sát về văn hoá giao tiếp ứng xử của cán bộ, công chức; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và chi phí không chính thức. Hiệp hội cũng là đầu mối tập hợp các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp hội viên, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp. Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội dn tỉnh Vĩnh Phúc:Cần xử nghiêm nhũng nhiễu Trong những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành. Nhiều nghị quyết của Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, gánh nặng về chi phí vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc đóng cửa hàng năm thường xuyên ở mức cao. Muốn cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì phải thay đổi thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ công chức. Đơn vị nào phát hiện cán bộ công chức có dấu hiệu nhũng nhiễu, “hành” doanh nghiệp… thì lãnh đạo phải xử lý thật nghiêm khắc. Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Đồng bộ giải pháp Những năm gần đây, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, đối thoại và lắng nghe ý kiến để tháo gỡ khó khăn và giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư trên nhiều phương diện, qua đó thu hút được 62 dự án của 43 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 113.508 tỷ đồng. Để tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo. Đặng Xuân Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai:Tạo niềm tin từ chỉ số cụ thể Bằng những nỗ lực lớn trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Lào Cai đã thực sự tạo được niềm tin, sự hài lòng và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Lào Cai đang vươn lên, khẳng định là tỉnh phát triển của khu vực. Kết thúc năm 2018, Lào Cai có một năm thành công toàn diện, 25/25 chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 10,23%, cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV; Số thu NSNN tăng đột biến đạt 8.368 tỷ đồng… Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/2019, Lào Cai đề ra một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để cải thiện chỉ số PCI, trong đó phấn đấu sớm hoàn thành một số mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 thời gian đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1,5 ngày; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu dưới 35 giờ, thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu dưới 40 giờ; thời gian tiếp cận điện năng xuống dưới 25 ngày… Lý Thái Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp Trong năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành bộ chỉ số và kế hoạch khảo sát chỉ số ở cấp sở, ngành, huyện, thành phố DDCI. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tích cực thực hiện việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (tỉnh đã có tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư), định kỳ báo cáo kết quả về Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Năm 2019, tỉnh xác định mục tiêu cải thiện điểm số 10 chỉ số thành phần, khắc phục cad cải thiện mạnh mẽ hạn chế của các chỉ số thấp điểm và phấn đấu PCI trên 64 điểm, nâng dần vị trí xếp hạng tăng từ 5-10 bậc. Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Giảm tối đa chi phí hành chính Xác định doanh nghiệp là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, chúng tôi luôn quan tâm và khuyến khích doanh nghiệp phát triển với quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước. Vì vậy, những năm qua, Điện Biên đã tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, phấn đấu giảm tối đa chi phí về tài chính và thời gian cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, Điện Biên tăng cường tham vấn, trao đổi, đối thoại giữa chính quyền tỉnh, chính quyền cấp huyện với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận, làm cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp là cầu nối giữa chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: Sớm thành lập Trung tâm hành chính công Lai Châu thuộc địa bàn khuyến khích ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước. Theo đó, tỉnh có chủ trương dành những ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất, đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tỉnh xác định người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp thông qua các hội thảo, tọa đàm, đồng hành cùng doanh nghiệp, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh sẽ sớm thành lập Trung tâm hành chính công nhằm tạo sự thống nhất và quyết tâm cao của hệ thống chính trị trong việc cải cách thủ tục hành chính. Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp Tiền Giang sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, phát triển hộ kinh doanh hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Triển khai thực hiện Kế hoạch chuẩn hóa dữ liệu hộ kinh doanh giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Thực hiện các cơ chế hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên và cộng đồng dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương. Triển khai nhiệm vụ của Hội đồng hỗ trợ khởi nghiệp; thúc đẩy hoạt của các câu lạc bộ khởi nghiệp và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương... Thứ ba, tăng cường hoạt động công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. CAO VĂN TRỌNG - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Hiệu quả doanh nghiệp là thước đo về môi trường đầu tư Tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là nghiên cứu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đăng ký đầu tư đạt hiệu quả. Thường xuyên quan tâm chăm sóc các dự án sau cấp phép, tập trung rà soát các thủ tục hành chính, cung cấp, hỗ trợ kịp thời thông tin cũng như các thủ tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết các hồ sơ, thủ tục nhanh đúng quy định. Đồng thời, kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án chậm triển khai hoặc vi phạm các quy định để lành mạnh hóa môi trường đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thu hồi, bồi thường, giao đất để xây dựng các công trình, dự án, tạo niềm tin với các nhà đầu tư. |