PCI 2018: 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn
Báo cáo PCI 2018 cho biết, 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
Kết quả điều tra PCI 2018 ghi nhận những cảm nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về nỗ lực gần đây của chính quyền trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức. Tuy nhiên, những chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao và cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước.
58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Giám đốc dự án PCI cho biết, toàn bộ các chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong PCI 2018 đã có sự cải thiện so với năm trước đó, hiện tượng được ghi nhận lần đầu tiên từ năm 2006.
Trước tiên, theo ông Tuấn đó là hiện tượng “tham nhũng vặt” – chi phí bôi trơn nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép - trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước.
Cụ thể, mức độ phổ biến của hiện tượng này đã giảm, với tỷ lệ 54,8% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2015 là 66,3%).
“Nhưng đây vẫn là một con số rất cao”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời, PCI 2018 cũng ghi nhân quy mô chi trả chi phí không chính thức cũng đã nhỏ đi, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1%). Có 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp (giảm so với mức cao nhất ghi nhận trong năm 2014 là 65,6%).
30% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai
Điều tra PCI 2018 cũng ghi nhận “tham nhũng lớn” có dấu hiệu giảm bớt.
Theo đó, chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% vào năm ngoái). Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%).
Năm 2018 có 48,4% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” (năm 2017 là 54,9%). Cuối cùng, tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 28,8% (năm 2017 là 31,6%).
Báo cáo PCI 2019 khẳng định những chuyển biến nói trên trong cảm nhận của doanh nghiệp có thể là kết quả từ nhiều hành động mạnh mẽ và kiên quyết của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng kể từ năm 2016 trở lại đây.
Tuy nhiên, những chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao và cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước.
“Điều đó có nghĩa là Chính phủ đặt mục tiêu giảm chỉ còn khoảng 30% doanh nghiệp phải chi phí không chính thức vào năm 2020. Tất nhiên, việc phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức cũng cần có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ quản trị, nắm bắt và tuân thủ pháp luật tốt hơn, đồng thời tăng cường liêm chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình”, ông Tuấn khuyến nghị.