Khu vực duyên hải phía Bắc: Đầu tầu phát triển kinh tế cả nước

Trung Thành - Lan Vũ 02/04/2019 12:15

Sáng nay (2/4), tại TP Uông Bí (Quảng Ninh), Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019 chính thức khai mạc với sự tham dự của hơn 600 đại diện doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Khu vực Duyên hải phía Bắc. Theo đó, 5 tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên là không gian phát triển quan trọng, giàu tiềm năng con người, cận kề biển, gắn kết hạ tầng có những bước tiến mạnh mẽ.

"Với nhiều lợi thế, Khu vực duyên hải phía Bắc là vị trí quan trọng về địa chính trị cả nước, 5 địa phương là 5 cánh của ngôi sao" - TS Vũ Tiến Lộc nhìn nhận và nhấn mạnh: Những năm trước đầu tư tập trung vào phía Nam, nhưng những năm gần đây, đầu tư đang dịch chuyển ra phía Bắc. Minh chứng là lần đầu tiên Hà Nội vượt TP HCM về thu hút đầu tư.

Đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gia tăng lợi nhuận không còn đúng nữa mà doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội của mình: bảo vệ môi trường, trách nhiệm với người lao động… Nếu doanh nghiệp nào không quan tâm đến trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững được.

“Diễn đàn không đơn thuần là nơi chia sẻ những chiến lược phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh và định hướng đầu tư, phát triển doanh nghiệp, mà là cơ hội để các tỉnh, thành phố xúc tiến đầu tư”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019

Hiện nay, Khu vực duyên hải phía Bắc có lượng thu hút FDI nhiều, chất lượng càng tăng theo thời gian. Đây cũng là khu vực có chỉ số năng lực cạnh tranh khá cao, trong đó nổi bật là Quảng Ninh, Hải Phòng.

Chia sẻ những cơ hội, thách thức, dựa trên những tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng – PCT UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng) gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhằm tạo bước đột phá trong quá trình phát triển, nhanh chóng khắc phục những điểm còn bất lợi để chuyển biến thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Để đạt mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế đề ra, Quảng Ninh đã xây dựng đồng bộ hệ thống quy hoạch trọng điểm của tỉnh với sự tư vấn, tham gia lập quy hoạch của các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG của Mỹ; Nikken Sekkei, Nippon Koei của Nhật Bản... Đây là tiền đề quan trọng và cơ sở để Quảng Ninh triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là trong thu hút, huy động đa dạng nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội. 

Cùng với đó, Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là tập trung giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng đơn giản, minh bạch, giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân, đảm bảo 4 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) tại chỗ.

Quang cảnh diễn đàn

Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019 có sự tham dự của gần 600 đại diện, lãnh đạo doanh nghiệp

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương kiến nghị vướng mắc về thuế TNCN đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thời vụ đã làm khó cho doanh nghiệp trong việc thu hút và tuyển dụng lao động hợp đồng thời vụ để làm xuất khẩu nông sản. Ví dụ như Công ty XNK Nam Quang có doanh thu mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng cần sử dụng khoảng vài nghìn lao động nông nhàn ở các tỉnh xung quanh Hải Dương làm hợp đồng thời vụ bóc hành tỏi cho doanh nghiệp. Thu nhập mỗi lao động này chỉ khoảng từ 3 đến 4 triệu động/người/tháng. Theo quy định của nhà nước thì lao động hợp đồng có mức thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên đã phải nộp 10% thuế thu nhập cá nhân và yêu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động hợp đồng khi trả lương người lao động phải giữ lại để nộp thay cho người lao động về cơ quan thuế. Như vậy, mỗi năm doanh nghiệp tính ra cũng phải nộp thay cho người lao động hàng tỷ đồng.

Để khuyến khích các hộ kinh doanh làm thủ tục chuyển đổi sang thực hiện theo Luật DNNVV, ông Đoan cho rằng, theo luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực từ 01/01/2018, tất cả các hộ kinh doanh đều phải chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hiện nay ở Hải Dương có tới trên 5 vạn hộ kinh doanh, nhưng thực tế các hộ kinh doanh đều chưa sẵn sàng vì họ chỉ thấy phát sinh thêm thủ tục quản lý và chi phí bắt buộc nhiều hơn. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa đồng bộ, tạo ra tâm lý trông chờ, né tránh của các hộ kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc 2019: Hiện thực hóa lợi thế khu vực

    Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc 2019: Hiện thực hóa lợi thế khu vực

    06:01, 01/04/2019

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững

    Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững

    08:54, 18/01/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 

    14:47, 11/01/2019

Ông Đặng Ngọc Quỳnh – PCT UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, Hưng Yên tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư kế hoạch trung hạn công và kế hoạch hàng năm; Tập trung bố trí vốn đầu tư công vào những ngành, lĩnh vực đem lại lợi ích cho xã hội mà khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI không tham gia hoặc tham gia với hiệu quả thấp; Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thi công và nghiệm thu dự án đảm bảo chất lượng và đúng thiết kế được duyệt; chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Cũng theo ông Quỳnh, chiến lược của Hưng Yên là phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao; Đẩy mạnh xây dựng đường nối hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, mở rộng các tuyến đường liên tỉnh, xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam, để từ đó xây dựng thành phố công nghiệp khoảng 3.000ha. Trong đó có 500 ha đô thị để phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân và nhân dân trong và ngoài khu vực, 2.500ha khu công nghiệp mới để tiếp nhận các dự án lớn trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy nhanh, bền vững kinh tế của tỉnh, sớm đưa tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp.

Chủ tịch VCCI trao bằng khen cho các doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc trao bằng khen cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc năm 2018 của Khu vực duyên hải phía Bắc

Tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI trao bằng khen cho các tổ chức, các hiệp hội, các doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc năm 2018.

"Sau diễn đàn này, các địa phương nên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, giữa các sở, ban ngành với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hãy tập hợp những kiến nghị gửi VCCI, sau đó VCCI sẽ là cầu nối đưa những kiến nghị đó tới Chính phủ, Quốc hội. Cả chính quyền và doanh nghiệp đều phải nói thật và làm thật" - ông Lộc nhấn mạnh.

Trung Thành - Lan Vũ