Chuyển giao thế hệ: Giai đoạn mong manh nhất với doanh nghiệp gia đình
Nhiều chuyên gia khẳng định giai đoạn mong manh nhất đối với một doanh nghiệp gia đình là giai đoạn doanh nghiệp được truyền từ thế hệ sáng lập sang thế hệ tiếp theo.
Theo các chuyên gia, chuyển dịch lãnh đạo là một trong số các vấn đề áp lực nhất đối với doanh nghiệp gia đình. Một trong những trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển giao này chính là tình trạng “tham quyền cố vị” của thế hệ sáng lập.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển giao doanh nghiệp gia đình: Đừng để các kỳ vọng thành gánh nặng cho thế hệ kế cận
13:15, 02/04/2019
2/4: Hội thảo Quốc tế “Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới”
14:49, 27/03/2019
“Sóng ngầm” trong doanh nghiệp gia đình
11:30, 26/03/2019
Thách thức của quá trình chuyển giao quyền lực
Theo nghiên cứu mới đây của Deloitte toàn cầu, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 2 và 12% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 3, chỉ 3% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 4 và các thế hệ tiếp theo.
Ngoài ra, có đến 61% cho rằng thế hệ trước sẽ khó từ bỏ hoàn toàn kiểm soát khi họ tiếp quản doanh nghiệp. Thế hệ sau thường cảm thấy nản chí khi phải cố gắng thuyết phục thế hệ đương nhiệm chấp nhận ý tưởng mới của mình, theo khảo sát thế hệ kế nhiệm của PwC.
“Thực tế này cũng đúng với các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam hiện nay”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân Gia đình Việt Nam khẳng định Tại hội thảo “Xây dựng thế hệ Lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trên thế giới” diễn ra sáng nay (2/4).
Ông Đoàn cũng cho biết, thế hệ con em sinh ra trong gia đình doanh nhân có nhiều lợi thế bởi từ khi nằm trong bụng mẹ đã được tiếp cận với kinh doanh.
“Song dù định hướng cho con cái từ rất sớm thông qua nghề nghiệp và đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Thách thức này sẽ lớn hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và cạnh tranh khốc liệt. Quá trình chuyển giao giữa các thế hệ có thể gây ra mâu thuẫn khiến cho mối quan hệ gia đình lẫn hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, ông Đoàn nhìn nhận.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, bà Annie Kok, Giáo sư Đại học quản lý Singapore cho hay, thách thức lớn nhất của quá trình chuyển giao quyền lực trong các doanh nghiệp gia đình là: hội chứng “tham quyền cố vị” của thế hệ hiện tại.
“Kế nhiệm phải là một quá trình, không phải một sự kiện. Thế hệ tiếp theo cần thế hệ hiện tại dẫn dắt. Hơn nữa, thế hệ hiện tại nên suy nghĩ về vấn đề “nhường quyền kịp thời” để thế hệ tiếp theo có thể đảm nhận được thách thức dần dần và vào đúng thời điểm. Việc chuyển đổi doanh nghiệp nên gắn với chu kỳ phát triển kinh doanh tương ứng, để đội ngũ quản lý thuộc và không thuộc gia đình có điều kiện phát triển phù hợp”, bà Annie Kok cho hay.
Làm thế nào để chuyển giao thế hệ thành công?
Ông Richard Loi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Deloitte Private của Deloitte Đông Nam Á cho hay, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giai đoạn mong manh nhất đối với một doanh nghiệp gia đình là khi doanh nghiệp được truyền từ thế hệ sáng lập sang thế hệ tiếp theo.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, sự chuyển đổi thành công nhất diễn ra khi những người sáng lập sớm đưa con cái của họ vào công việc kinh doanh thực tế. Bởi điều này sẽ giúp họ chuẩn bị và cố vấn cho các thế hệ tiếp theo, đồng thời cho các thế hệ này cơ hội đổi mới và tự học cách giải quyết những bất đồng giữa anh chị em trong một gia đình”, ông Richard Loi chia sẻ.
Hơn nữa, các nhà sáng lập nên hợp tác với chính thế hệ kế cận để xây dựng một bộ quy tắc quản trị gia đình nhằm quản lý những kỳ vọng về doanh nghiệp liên quan tới kế hoạch kế nhiệm và cách đưa ra các quyết định khác nhau.
Với kinh nghiệm là thế hệ kế nhiệm thành công, ông Nguyễn Duy, Tổng Giám đốc KOVA Trading, Tập đoàn Sơn KOVA đã chia sẻ 5 yếu tố đảm bảo thành công cho quá trình kế nghiệp. “Thứ nhất, người kế nghiệp phải là người có đam mê với nghề nghiệp gia đình; Thứ hai là phải có chương trình đào tạo thế hệ kế nghiệp từ sớm, Thứ ba là phải đào tạo thế hệ kế nghiệp đi lên từ vị trí nhỏ nhất của công ty gia đinh; Thứ tư là phải đào tạo kỹ năng cho thế hệ kế nghiệp thật tốt; Thứ năm và phải được đào tạo và uốn nắn về vấn đề nhân cách”, ông Duy nói.
Về phần mình, ông Phạm Đình Đoàn khẳng định, để chuyển giao thành công, thế hệ trước phải cập nhật kiến thức, công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Họ cũng phải là người có tư duy quản trị hiện đại và những đột phá trong phát triển nguồn nhân lực.
“Trong khi đó, thế hệ sau dám ước mơ, hoài bão lớn và sẵn sàng vượt khó để vươn lên. Mặt khác, thế hệ con cháu cần tích cực tham gia các hoạt động thực tế của doanh nghiệp để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ đó trưởng thành, vững vàng hơn. Các doanh nghiệp gia đình cần có lộ trình chi tiết trong chuyển giao khi chủ doanh nghiệp nhận thấy thế hệ tiếp theo đã đủ sức lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp”, ông Đoàn chia sẻ.