Khuyến khích tư nhân tham gia vào các dịch vụ công
Khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào các dịch vụ công góp phần phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh và mang đến nhiều lợi ích cho người dân.
Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Uỷ ban Đối tác công tư trong Hội đồng quốc gia về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững tại Hội thảo "Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 15/5.
Tạo động lực cạnh tranh
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định rằng: "Việc khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào các dịch vụ công góp phần phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh và người dân sẽ được hưởng lợi".
Theo đó, "đặc biệt, lợi ich quan trọng nhất là “thoái sức” nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bởi, thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia. Đây là việc cơ quan nhà nước cần tập trung ưu tiên hàng đầu hiện nay", TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Minh chứng cho điều này, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) đã dẫn chứng rằng, trong lĩnh vực hàng không, nhờ có sự tham gia của những “người chơi mới” như BamBoo, đã khiến cho các doanh nghiệp nhà nước buộc phải chuyển mình.
“Tôi ít khi đi Vietjet Air, cũng chưa đi Bam Boo, tuy nhiên, với khoảng 70 chuyến bay/năm, tôi đã thấy sự thay đổi rõ rệt về chất lượng của Vietnam Airlines trong nhữngthời gian gần đây”.
Một ví dụ khác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nếu trước đây nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đường bộ chủ yếu là Nhà nước, tuy nhiên, trong bối cảnh trần nợ công tăng cao và các nguồn vốn vay ưu đãi đã hết, thì việc huy động tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT, đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng các công trình giao thông và có nhiều hơn các tuyến đường cao tốc.
Như vậy, việc khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công, không chỉ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản trị mà còn tạo động lực cạnh tranh khiến tất cả các đơn vị khi muốn tham gia cung cấp dịch vụ đều phải nỗ lực để đưa ra được chất lượng tốt với giá thành phải chăng.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng yêu cầu xây dựng, nâng cấp Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh
18:21, 13/03/2019
Doanh nghiệp tư nhân được đối xử bình đẳng sẽ kích thích tinh thần khởi nghiệp
04:03, 12/05/2019
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: "Những gì mà doanh nghiệp tư nhân làm tốt nên để họ được tham gia"
05:19, 11/05/2019
[Giải bài toán năng suất lao động] Bài 3: Kinh tế tư nhân
06:30, 06/05/2019
Thể chế đóng vai trò then chốt cho kinh tế tư nhân phát triển
00:00, 08/05/2019
Vì sao doanh nghiệp tư nhân ngại dự án PPP?
10:10, 08/05/2019
Còn nhiều rào cản
Mặc dù, những lợi ích từ sự tham gia của tư nhân vào dịch vụ công đã được chứng minh trong thực tiễn, tuy nhiên, sự tham gia của khu vực tư nhân hiện nay vào các dịch vụ công vẫn gặp phải nhiều khó khăn.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng thư ký Hội của các Phòng thử nghiệm Việt Nam - VinaLAB, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert: "Nếu suy xét kỹ thì xã hội hoá dịch vụ khoa học - công nghệ của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số điểm hạn chế, nếu không muốn nói là "nửa vời", gây cản trở rất lớn để thúc đẩy tư nhân đầu tư trong lĩnh vực này".
Cụ thể, liên quan đến việc các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ phải đăng ký từng phép thử với cơ quan quản lý nhà nước. Khi đăng ký phải nộp rất nhiều hồ sơ phê duyệt phương pháp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Dũng thì "việc này không giải quyết được vấn đề gì".
Lý giải cho nhận định của mình, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ họ phải có chức năng và năng lực được công nhận bởi tổ chức công nhận độc lập. Theo đó, hoạt động công nhận này phải chịu giám sát bởi các tổ chức thừa nhận quốc tế, thế nhưng các cơ quan quản lý không thừa nhận mà lại yêu cầu nộp hồ sơ phê duyệt phương pháp dẫn đến mất tính chủ động của các phòng thử nghiệm, mất tính tự chủ và nhiều khi quay lại làm cản trở các cơ quan quản lý nhà nước khi muốn triển khai phép thử mới để thử nghiệm các vấn đề phát sinh mới.
"Việc mở rộng và phê duyệt phương pháp thử là trách nhiệm bắt buộc của các phòng thử nghiệm, sao cơ quan Nhà nước lại phải lo hộ"?, ông Nguyễn Hữu Dũng đặt câu hỏi.
Ngoài ra, chia sẻ về những khó khăn khi doanh nghiệp tư nhân bắt đầu tham gia vào cung cấp dịch vụ y tế, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhìn lại những khó khăn khi bắt đầu đi xin giấy phép thành lập bệnh viện tư nhân từ những năm 2003.
Ông Nguyễn Văn Đệ dãi bày, khi đó, việc thành lập doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng bệnh viện rất khó khăn do tâm lý "giữ" cho bệnh viện công. Để có được giấy phép cho bệnh viện của mình, doanh nghiệp đã phải đề xuất, kiến nghị rất nhiều lên tất cả các cấp chính quyền và cuối cùng cũng đã có được giấy phép hoạt động. Bây giờ, việc doanh nghiệp tư nhân tham gia vào y tế đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Được biết, kinh nghiệm tại các quốc gia trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào dịch vụ công cho thấy, các Phòng Thương mại và Hiệp hội Doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, chủ thể chính trong việc cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, ở các quốc gia khác, Phòng Thương mại cũng là nơi cấp giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thay vì cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, các dịch vụ xúc tiến thương mại đầu tư, vận hành trung tâm triển lãm, trung tâm thương mại quốc tế cấp C/O cho các sản phẩm xuất khẩu… cũng do Hiệp hội doanh nghiệp hoặc các Phòng Thương mại thực hiện.