Thắt chặt quan hệ hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc

Cẩm Anh 25/05/2019 04:06

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và Liên đoàn các phòng Thương mại Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc đi vào chiều sâu.

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương tiếp đón

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương tiếp đón ông Từ Lạc Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công Thương Trung Quốc (ACFIC)

Trong buổi đón tiếp ông Từ Lạc Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường vụ Hội liên hiệp Công Thương toàn quốc Trung Quốc, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho biết, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và hiện thực hoá mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước.

Theo đó, VCCI luôn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các Phòng Thương mại thuộc các tỉnh, thành phố của Trung Quốc để tổ chức những chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp; các diễn đàn, hội chợ, hội thảo chất lượng và quy mô. Điều này đã góp phần tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp hai nước, mang lại nhiều dự án chất lượng và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Chủ tịch VCCI đề xuất 7 khuyến nghị để cải thiện môi trường đầu tư tại tỉnh Lai Châu

    06:02, 24/05/2019

  • VCCI ký kết thoả thuận hợp tác với Nhật báo Hàn Quốc (HANKOOK ILBO)

    23:02, 17/05/2019

  • VCCI-HCM và IEG Việt Nam hợp tác toàn diện về phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

    09:47, 16/04/2019

  • VCCI và thành phố Changwon, Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư

    16:18, 11/03/2019

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên còn chưa cân đối. Việt Nam vẫn còn nhập siêu từ Trung Quốc với số lượng ngày càng tăng. Trong khi đó, vẫn còn nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang kêu gọi đầu tư chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Đoàn Duy Khương cho rằng, có ba điểm chính cần được chú ý để nâng cao hơn nữa việc hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Thứ nhất, cần tập trung hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, cần đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc bên cạnh các tỉnh, thành phía Đông và khu vực biên giới.

Thứ ba, cần xây dựng các kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa VCCI và Liên đoàn các Phòng Thương mại Trung Quốc. Cụ thể, việc ký kết thỏa thuận của VCCI và Liên đoàn các phòng Thương mại Trung Quốc sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp hai bên và đưa việc hợp tác đi vào chiều sâu.

VCCI luôn cam kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng đến hợp tác, đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI cũng mong muốn ông Từ Lạc Giang trên cương vị của mình sẽ làm cầu nối thông tin, giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu, kết nối đầu tư tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch VCCI và Phó Chủ tịch ACFIC ký kết bản ghi nhớ hợp tác

Phó Chủ tịch VCCI và Phó Chủ tịch ACFIC ký kết bản ghi nhớ hợp tác tại cuộc gặp

Đồng tình với quan điểm với Phó Chủ tịch VCCI, ông Từ Lạc Giang cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành công của Trung Quốc tới Việt Nam với mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong tương lai.

Việt Nam đang thúc đẩy thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghệ, khởi nghiệp... Đây cũng là những lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và có nhiều kinh nghiệm, hoàn toàn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia trong khu vực và thế giới.

"Chính quyền Trung Quốc cũng như chính quyền các địa phương luôn tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại ra các thị trường bên ngoài Trung Quốc; cũng như có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới. Đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu thị trường nội địa của Trung Quốc", ông Giang nhận định.

Mặc dù hiện nay các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vẫn là các loại hoa quả, tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch; thủy, hải sản; thực phẩm chế biến... có thể mở rộng thêm cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây cũng là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn.

Đặc biệt, ông Giang đề nghị VCCI tiếp tục kết nối và hợp tác chặt chẽ với Liên đoàn các Phòng Thương mại Trung Quốc để thiết lập các cơ chế hợp tác mới; xây dựng nhiều chương trình xúc tiến gặp gỡ doanh nghiệp hai bên để góp phần tích cực thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc phát triển cân bằng và bền vững. 

Cẩm Anh