[VBF giữa kỳ 2019]: Nền kinh tế phải vỗ bằng hai bàn tay Chính phủ và doanh nghiệp
Chính phủ chuyển hướng kiến tạo, dẫn dắt và yểm trợ, trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp chuyển sang hiến kế, chủ động đổi mới sáng tạo, hai bàn tay cùng vỗ lên thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế .
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra sáng ngày 26/6 với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 300 doanh nghiệp và 16 Hiệp hội doanh nghiệp tập trung bàn thảo về “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững”, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin được trích đăng toàn văn bài phát biểu của TS.Vũ Tiến Lộc, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn.
Những nỗ lực từ Chính phủ
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể ở những tiêu chí quan trọng: Kinh tế tăng trưởng tốt nhưng vẫn bảo đảm được cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô; Chất lượng tăng trưởng kinh tế có chiều hướng được cải thiện; Cải cách hành chính có bước tiến. Tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi, chi phí không chính thức giảm; Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới; Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có sức thu hút hàng đầu trong khu vực và trên toàn thế giới.
Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những sáng kiến, nỗ thúc đẩy đổi mới, mở rộng thị trường thời gian gần đây, như thúc đẩy hội nhập với nỗ lực vận động và kết quả là Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tới đây, mở ra một con đường cao tốc hàng đầu, đưa nền kinh tế Việt Nam đến với một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghệ thế giới, hệ thống vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả bậc thầy… sự khơi thông dòng chảy thương mại và đầu tư chất lượng cao này sẽ là cơ hội giúp Châu Âu có thêm việc làm và Việt Nam cất cánh.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng thì EVFTA – hòn đá tảng trong chính sách thương mại đầu tư của Việt Nam với EU do vậy, có ý nghĩa càng quan trọng. Xin được chúc mừng Chính phủ. Xin được cảm ơn Eurocham đã sát cánh với chúng tôi vận động và thúc đẩy cho Hiệp định này. Và đây cũng là cơ hội của tất cả các cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế có mặt tại đây. Tôi đề nghị, sau hội nghị này Eurocham cùng VCCI và tất cả các bạn sẽ ngồi lại, xắn tay lên chuẩn bị ngay khung hành động thực hiện Hiệp định. Không chờ đến khi phê chuẩn phải thực hiện ngay từ bây giờ.
Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
[VBF giữa kỳ 2019]: Phát triển bền vững là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp
15:19, 25/06/2019
VBF 2018: “Việt Nam cần phân dữ liệu thành 3 cấp độ”
12:42, 04/12/2018
VBF 2018: Việt Nam có lợi trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
11:42, 04/12/2018
Kiến nghị cho phát triển
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần thực hiện các giải pháp. Cụ thể, thứ nhất, cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp: Kết quả đầu ra PCI năm 2018 cho thấy có 16% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.
Nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin cấp các loại giấy phép khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động: 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.
Thứ hai, muốn phát triển nhanh phải cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm. Phản ánh của doanh nghiệp trong nước qua điều tra của VCCI cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%). Với các doanh nghiệp FDI, đó thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy (22%). Đây là những lĩnh vực cần có sự quan tâm hơn của các ngành, các cấp trong thời gian tới. Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường …
Tuy nhiên, trong khi chưa sửa được Luật cần có ngay các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu, ban hành luật sớm về đối tác công tư để khai thông nguồn vốn này, có những quy định phù hợp để bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước có cơ hội tham gia các dự án đối tác công tư quan trọng như đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành …
Thứ ba, cần tăng cường minh bạch thông tin cho doanh nghiệp: Việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có cải thiện đáng kể theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó tiếp cận một số loại thông tin tại cấp địa phương là khá cao, ví dụ: kế hoạch mua sắm công (60%), bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (58%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (54%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (54%). Chỉ 55% doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận thông tin về các gói thầu mua sắm công ở cấp tỉnh. Do vậy, vẫn có tới 69% doanh nghiệp cho biết “cần có ‘mối quan hệ’ để có được các tài liệu của tỉnh.
Thứ tư, phát triển bền vững cần phát triển bao trùm, do đó, cần có giải pháp phù hợp đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ. Điều tra PCI 2018 cho thấy có 8,3% doanh nghiệp dân doanh dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa doanh nghiệp. Đây là con số cao thứ 3 trong 14 năm điều tra PCI của VCCI kể từ năm 2006, chỉ thấp hơn tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, đóng cửa của năm 2012-2014, giai đoạn nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa rơi vào nhóm có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Điều này cho thấy thực tế có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp đang chật vật để duy trì hoạt động, do không thích ứng được với những biến động của thị trường hoặc do cạnh tranh trở nên gay gắt hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Đã đến lúc cần đánh giá về hiệu quả triển khai, thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thực tế.
Đồng thời sửa đổi Luật doanh nghiệp theo hướng quy định hộ kinh doanh có đăng ký là một loại hình doanh nghiệp. Thực hiện công khai hoá, giảm bớt thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ với hộ kinh doanh. Tăng cường các quy định về hệ thống quản trị chuyên nghiệp với doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp.
Thứ năm, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Điều tra PCI cho thấy có 37% doanh nghiệp trong nước hiện đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, phần lớn rơi vào nhóm có quy mô vốn siêu, nhỏ hoặc vừa. Những doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn chủ yếu là doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do doanh nghiệp không có tài sản thế chấp (86%), điều kiện cho vay khó khăn (63%), thủ tục vay phiền hà (44%), hoặc bị ngân hàng áp dụng điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp (40%).
Thứ sáu, sửa đổi Luật lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công luỹ tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các doanh nghiệp.
Điều tra PCI 2018 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn trong tuyển dụng một số loại nhân lực trình độ cao là tương đối lớn. Cụ thể, 83% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng cán bộ là Giám đốc điều hành, 72% gặp khó khăn trong tuyển dụng cán bộ quản lý cấp trung, và 67% gặp khó khăn trong tuyển dụng cán bộ kỹ thuật. Các doanh nghiệp FDI cũng gặp khó khăn tương tự, cụ thể 91% gặp khó khăn trong tuyển dụng giám đốc điều hành, 84% gặp khó khăn trong tuyển dụng quản lý cấp trung và 74% khó khăn trong tuyển dụng cán bộ kỹ thuật. Do đó, cải cách hệ thống giáo dục là đòi hỏi hiện nay.
Thứ bảy, đảm bảo tính ổn định, tin cậy của môi trường kinh doanh: Thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự lo ngại về sự thay đổi nhanh chóng của các quy định pháp luật và mức độ rủi ro trong áp dụng pháp luật của Việt Nam. Chẳng hạn nhiều nhà đầu tư Châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam lo ngại về việc không được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được cấp phép trước ngày 01/01/2015. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý rõ ràng tại các văn bản Luật, Nghị định (như Luật số 71/2014/QH13, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP), nhưng sự áp dụng pháp luật chưa phù hợp, chưa nhất quán đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực với ngành công nghiệp hỗ trợ và tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đề nghị hạn chế tối đa, không hồi tố khi ban hành các quy định mới về kinh doanh. Đồng thời có quy định thời gian chuyển tiếp cho việc áp dụng các quy định mới của pháp luật.
Thứ tám, cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến doanh nghiệp để bảo đảm an toàn, an tâm cho kinh doanh. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần chủ động phối hợp với Toà án Nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp liên quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, bảo đảm thủ tục xét xử các tranh chấp kinh doanh nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả. Khuyến khích, mở rộng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hoà giải thương mại. Kiểm soát và giảm thiểu tối đa các vụ việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Thay đổi phương thức thanh tra kiểm tra doanh nghiệp hiện nay bằng phương pháp quản lý rủi ro, giảm chồng chéo.
Thứ chín, cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ký kết. Việt Nam thời gian qua đã tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại quốc tế, với kỳ vọng có thể mang lại những cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, điều tra PCI 2018 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có mức độ hiểu biết về các hiệp định này là rất hạn chế. Cụ thể, có 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN. Với Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, con số này lần lượt lên tới 71 và 77%. Rõ ràng, là rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng.
Thứ mười, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như Kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; khuyến kích áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị tiêu chuẩn quốc tế; Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để định hướng lựa chọn đầu tư các dự án thế hệ mới có công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát động phong trào năng suất Việt Nam; húc đẩy chương trình hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và thế giới.
Hành trình của Chính phủ đang rất thành công trong việc chuyển đổi từ cởi trói, tháo gỡ khó khăn sang kiến tạo, dẫn dắt, yểm trợ. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển từ kêu ca sang hiến kế và chủ động thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo. Chúng ta đang có 2 bàn tay cùng vỗ lên thúc đẩy cho sự phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.