ILO và VCCI thắt chặt hợp tác trong xây dựng quan hệ lao động

Cẩm Anh 04/07/2019 00:01

Mới đây, Giám đốc ILO Việt Nam Changhee-Lee đã gửi thư cảm ơn đến Chủ tịch VCCI về những nỗ lực trong việc thúc đẩy phê chuẩn Công ước Công ước số 98.

Công ước 98

Công ước 98 được phê chuẩn sẽ góp phần dẫn đến năng suất lao động cao hơn

Theo đó, ông Changhee-Lee đã đánh giá cao việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 98. Điều này đặt ra một cột mốc quan trọng trong việc hướng tới thực hiện đầy đủ các nguyên tắc theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động.

Đồng thời, việc phê chuẩn Công ước 98 sẽ đẩy mạnh hơn nữa thương lượng tập thể thực chất để có được những giải pháp đem lại lợi ích cho tất cả các bên tại nơi làm việc ở Việt Nam. Dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Công ước 98 đáp ứng thực tiễn kinh tế Việt Nam

    16:05, 07/06/2019

  • Gia nhập Công ước 98 có 60% doanh nghiệp ký kết thỏa ước

    14:46, 07/06/2019

  • Việt Nam gia nhập Công ước 98: Hài hòa hệ sinh thái quan hệ lao động

    10:04, 01/06/2019

  • Tham gia Công ước 98, người lao động được thương lượng tiền lương, thời gian làm việc

    16:18, 29/05/2019

Người đứng đầu ILO Việt Nam cũng bày tỏ sự vui mừng khi tiến trình sửa đổi Bộ Luật Lao động đang diễn ra theo hướng phù hợp hơn với các công ước cơ bản của ILO. 

Đây là kết quả của những nỗ lực nghiêm túc và chân thành của VCCI trong việc thúc đẩy việc thực thi các cam kết quốc tế, xây dựng mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động một cách hiệu quả dựa theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động”, ông Changhee-Lee viết trong thư cảm ơn.

Giám đốc ILO Việt Nam cũng khẳng định, ILO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, VCCI và các đối tác khác trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam theo Công ước 98.

Trước đó, vào ngày 14/6, tất cả 452 đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên họp Chính phủ đã bỏ phiếu thuận thông qua hồ sơ của Chính phủ trình phê chuẩn Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Bày tỏ quan điểm đồng ý với tờ trình của Chủ tịch nước về việc tham gia công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc tham gia Công ước này là phù hợp với đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI, việc tham gia Công ước số 98 của ILO đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian qua, mặc dù tổ chức công đoàn hay tổ chức người sử dụng lao động đã có nhiều nỗ lực cố gắng, tuy nhiên công tác thương lượng tập thể vẫn đang là vấn đề chưa bảo đảm hiệu quả, chưa bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của giới chủ, chưa góp phần xây dựng được quan hệ lao động hài hòa.

“Thực tiễn nước ta đang đòi hỏi nâng cấp hệ thống pháp luật liên quan đến thương lượng tập thể. Ngoài ra, Việt Nam tham gia ILO thì đương nhiên phải chấp nhận các điều ước mà họ đã thông qua”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đồng thời, đây cũng là yếu tố đảm bảo cạnh tranh công bằng, và cũng là điều kiện thúc đẩy hội nhập. Do đó, Chủ tịch VCCI khẳng định, quá trình tham gia công ước này trước hết phù hợp với đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Công ước 98 là công ước cơ bản thứ 6 của ILO mà Việt Nam phê chuẩn. Được thông qua năm 1949, Công ước 98 bao gồm ba cấu phần chính nhằm đảm bảo thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể diễn ra một cách hiệu quả.

Cụ thể, bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, đảm bảo cho các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động không bị can thiệp hoặc chi phối từ bên còn lại; và yêu cầu Nhà nước cần có các biện pháp về pháp luật và thiết chế nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể. 

Các công ước cốt lõi đã được Việt Nam phê chuẩn khác bao gồm Công ước 29 về lao động cưỡng bức, Công ước 100 và 111 về chống phân biệt đối xử, và Công ước 138 và 182 về lao động trẻ em.

Cẩm Anh