Minh bạch là cách tốt nhất để bảo vệ doanh nghiệp yếu thế
Sáng nay (18/7), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Khóa VI, Hội nghị lần thứ 10.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm tốc và dự báo đà giảm tốc này còn tiếp tục trong những năm tới.
Khẳng định vị thế pháp lý: Hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp
Về tình hình phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho biết, số doanh nghiệp đăng ký tăng hơn năm ngoái nhưng tốc độ tăng thấp hơn, sự giảm tốc chưa có dấu hiệu chững lại.
Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa của nền kinh tế cao nhưng năng lực hội nhập mà thực chất là năng lực cạnh tranh lại còn thấp. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 (The Global Competitiveness Report 2018), trong đó xếp hạng Việt Nam đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng.
Trong số các tiêu chí trên, tiêu chí về “sức khoẻ” của Việt Nam được đánh giá cao nhất với 81 điểm, đứng thứ 68/140; quy mô thị trường đạt 71 điểm, đứng thứ 29/140; ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75 điểm, đứng thứ 64/140. Tiêu chí “thị trường cho sản phẩm” đứng thứ 102/140.
Đáng buồn, tiêu chí thể chế của Việt Nam chỉ đạt 50 điểm, đứng thứ 94/140 - "ở mức dưới trung bình". Thậm chí, sự năng động kinh doanh đứng thứ 101/140.
Tuy nhiên, độ mở cửa của nền kinh tế thì ở nhóm cao nhất. “Trong ASEAN độ mở của nền kinh tế Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Singapore nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì chỉ xếp thứ 7, chỉ đứng trước Lào, Cam, và Myanma”, Chủ tịch VCCI so sánh.
Với những số liệu trên, có thể thấy, có khoảng cách giữa độ mở cửa của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh. Khép lại khoảng cách này là hành trình cải cách thể chế “hội nhập từ bên trong”, là hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ cải cách còn chưa đạt được yêu cầu.
Theo số liệu thống kê, hiện tại Việt Nam có 700.000 doanh nghiệp. Nhưng, thật ra, theo TS Vũ Tiến Lộc, ngoài số đó, chúng ta đã có hàng triệu doanh nghiệp khác, đóng góp tới 30% GDP chỉ có điều vì lý do lịch sử ta không gọi chúng là doanh nghiệp mà gọi là hộ kinh doanh.
“Luật Doanh nghiệp phiên bản 1.0 là Luật Doanh nghiệp của 700.000 doanh nghiệp. Tôi mong muốn rằng Luật Doanh nghiệp phiên bản 4.0 sẽ là luật của 5 triệu hộ kinh doanh hoặc ít nhất cũng là minh bạch hóa khu vực này. Xác lập vị trí pháp lý hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp và có cơ chế quản lý thích hợp, từng bước chính thức hoá, minh bạch hoá khu vực này. Nhưng không “trói tay, trói chân” họ, không đẻ thêm thủ tục và chi phí tuân thủ của họ. Chương về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp mới phải được thiết kế với tinh thần như vậy”, TS Lộc nhấn mạnh thêm.
Theo quan niệm đó, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu xét về số lượng doanh nghiệp thì Việt Nam không thua thế giới. Nỗ lực chính sách tăng tốc phải là nâng cao chất lượng doanh nghiệp là “nâng cấp doanh nghiệp” chứ tuyệt đối không chạy theo số lượng.
“Chủ nhân của hội nhập, chủ nhân của sân chơi toàn cầu hóa trong thời gian tới sẽ là là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Và muốn chúng đảm nhận được vai trò này thì phải nâng cấp. Đây là hành trình của nền kinh tế và doanh nghiệp.” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ở góc độ thể chế, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện tại, tình trạng xung đột trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn khá lớn. Khảo sát PCI 2018 cho thấy ngôi sao cải cách đang chậm lại. “Chúng ta đang đang đụng trần thể chế, cần phải nâng trần” - TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
VCCI nỗ lực gỡ vướng trần thể chế cho doanh nghiệp
13:05, 18/07/2019
VCCI Thanh Hóa tích cực đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp doanh nhân
22:45, 11/07/2019
VCCI: Nên bỏ quy định tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ ra khỏi dự thảo Thông tư đảm bảo an toàn tổ chức tín dụng
11:30, 10/07/2019
ILO và VCCI thắt chặt hợp tác trong xây dựng quan hệ lao động
00:01, 04/07/2019
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp
14:43, 01/07/2019
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Việt Nam đã mở ra một “tuyến đường cao tốc hướng Tây”
11:00, 28/06/2019
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI cho hay, thời gian qua, VCCI đã không những nỗ lực thúc đẩy quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
“VCCI nhận thấy rằng, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh nếu chỉ dựa vào sự đề xuất của bộ ngành thì sẽ khó thành công. Do đó, VCCI và CIEM đã thực hiện báo cáo và đề xuất cắt giảm ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh. Đề xuất của VCCI đã được Chính phủ chấp nhận và yêu cầu các Bộ ngành thực hiện. Đến nay đã thực hiện cắt giảm trên giấy 50-60%. Nhưng thực chất thế nào thì vẫn cần phải bàn thêm”, Chủ tịch VCCI cho biết.
Báo cáo của VCCI cho thấy, ngay trong 6 tháng đầu năm 2019, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, VCCI đã tổ chức công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018.
Đồng thời, xây dựng và triển khai Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm tiếp tục cải cách chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực đổi mới và thực hiện liêm chính trong doanh nghiệp.
Thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động của VCCI triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”. VCCI đã triển khai thực hiện đầy đủ 5/5 nhiệm vụ được giao, đã trực tiếp tập hợp từ các kênh thông tin được 404 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội trên cả nước. Các cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết, trả lời 250 kiến nghị (chiếm 61,9%).
VCCI cũng tiến hành điều tra, khảo sát ý kiến của daonh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về chất lượng trả lời kiến nghị của các bộ ngành, địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy, đối với việc trả lời kiến nghị của các bộ, ngành có: 48,57% doanh nghiệp trả lời không hài lòng, hơn 14% doanh nghiệp trả lời cho biết rất hài lòng, 31,4% doanh nghiệp chưa hài lòng và hơn 5% doanh nghiệp không đánh giá. Đồng thời, VCCI tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện các cam kết và chương trình hành động thực hiện cam kết đã ký giữa VCCI và UBND các tỉnh thành phố về việc tạo lập môi trường kih doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đến năm 2020; Đẩy mạnh cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
VCCI cũng đã phối hợp với Uỷ ban TƯ mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội DNNVV Việt Nam... tổ chức “Hội nghị Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan trong xuất khẩu hàng hoá”.
Đồng thời, VCCI cũng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Chính phủ, tham gia Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 5 Bộ về các quy định đang gây khó khăn với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng và công bố báo cáo chuyên sâu, chuyên đề nghiên cứu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Báo cáo thực trạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2018, định hướng và giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Báo cáo cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế... Ngoài ra, VCCI cũng tham gia vào công tác vận động chính trị, tăng cường liên kết doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác và hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư; đào tạo bà phát triển doanh nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu trên, 6 tháng cuối năm 2019, VCCI sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục công tác đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tham mưu cho Đảng và Nhà nước, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 09/NQ-BCT về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; Tiếp tục thực hiện góp ý chính sách pháp luật, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh.
Song song đó, Hoàn thiện và bảo vệ thành công đề tài cấp Nhà nước “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” do TS Vũ Tiến Lộc là chủ nhiệm đề tài. Từ kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ đưa ra những kiến nghị với Trung ương trong quá trình chuẩn bị cho các văn kiện Đại hội XIII”.
Thứ hai, xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và phát triển doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế với các dự án, Diễn đàn, Hội nghị và sự kiện hợp tác tổ chức cùng các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.
Thứ ba, công tác đại diện giới sử dụng lao động. VCCI tiếp tục triển khai các hoạt động thu thập các ý kiến đóng góp cho hoạt động thực thi pháp luật lao động của doanh nghiệp, Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội… với tư cách là Tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động.
Thứ tư, công tác phát triển tổ chức, đảm bảo cho hoạt động của cơ quan. Tái cấu trúc, sắp xếp lại bộ máy và đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ chế trả lương mới theo hiệu quả công việc.