Đà Nẵng: Doanh nghiệp đánh giá thủ tục kiểm tra sau thông quan khó khăn nhất trong các thủ tục hải quan

Tuấn Vỹ 29/07/2019 08:15

Đó là thông tin đáng chú ý được VCCI Đà Nẵng đưa ra trong báo cáo tổng hợp ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp phục vụ cho Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp với Hải quan Đà Nẵng năm 2019.

Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, để thực hiện báo cáo nói trên, VCCI Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát 340 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics, đại lý hải quan, đang làm thủ tục hải quan tại Hải quan Đà Nẵng (đại diện tất cả các loại hình xuất, nhập) nhằm thu thập các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như những đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng và hiệu quả thi hành công vụ của cán bộ công chức hải quan các Chi cục trực thuộc Cục Hải quan Đà Nẵng.

Theo khảo sát nói trên, liên quan đến việc tiếp cận thông tin thủ tục hải quan (mức độ hài lòng đối với các phương thức tìm hiểu thông tin về TTHC tại Hải quan Đà Nẵng), số liệu cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp hài lòng với phương thức gặp trực tiếp hoặc gửi văn bản đề nghị cung cấp thông tin là cao nhất trong các phương thức tiếp cận, đạt mức 61%. Doanh nghiệp chưa đánh giá cao với việc tìm hiểu thông tin qua tờ rơi, ấn phẩm của Cục Hải quan thành phố, với tỷ lệ hài lòng chỉ chiếm 27,85 %.

Đặc biệt, phương thức tiếp cận có mức độ không hài lòng cao nhất là gọi điện đến Hải quan đề nghị cung cấp thông tin, chiếm 7,14%. “Theo đó, một số doanh nghiệp phản ánh khi gặp vướng trong việc thực hiện thủ tục thì để cho nhanh các doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức gọi điện đến cơ quan hải quan để được tư vấn thì đa phần hướng dẫn nhận được là về đọc các nghị định, thông tư, qui định, chứ không trả lời cụ thể về vấn đề mà doanh nghiệp đang cần giải đáp, trong khi thực tế việc đọc để hiểu và áp dụng đúng các qui định hiện hành liên quan đến thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp là cả một vấn đề”, báo cáo trên nêu rõ.

Trong khi đó, về mức độ đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin thì đánh giá của các doanh nghiệp về chất lượng thông tin thủ tục hải quan mà họ đã tiếp cận là khá tích cực. Xấp xỉ và trên 90% doanh nghiệp đồng ý với nhận định thông tin thủ tục hành chính hải quan là sẵn có, dễ tìm, biểu mẫu dễ điền, thông tin thống nhất và được cung cấp kịp thời.

Đối với nhận định các thông tin về thủ tục hành chính hải quan đơn giản, dễ hiểu, mặc dù có 70% doanh nghiệp đồng ý nhưng vẫn còn 30% không đồng ý với nhận định này, nghĩa là trung bình 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tìm hiểu các thông tin về TTHC hải quan. Một số doanh nghiệp cho rằng các qui định liên quan đến việc thực hiện thủ tục hải quan còn nhiều, hay thay đổi, từ ngữ diễn đạt một số quy định lại chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc hiểu và áp dụng.

Đáng chú ý, mặc dù việc tiếp cận thông tin về TTHC hải quan là tương đối thuận lợi nhưng vẫn có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin. Cụ thể, có 60% doanh nghiệp trả lời đã từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin. Trong số những doanh nghiệp đã từng gặp vướng mắc và có nhờ sự trợ giúp của cơ quan Hải quan thì có 66% hài lòng với kết quả hỗ trợ giải quyết vướng mắc và 31% đánh giá ở mức bình thường.

Liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan (mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hải quan) thì trên 60% doanh nghiệp trả lời khảo sát đánh giá là thuận lợi và dễ thực hiện, trên 50% doanh nghiệp đánh giá là dễ thực hiện thủ tục quản lý thuế. Đặc biệt, thủ tục kiểm tra sau thông quan có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ thực hiện thấp thứ hai trong việc thực hiện các TTHC hải quan (35%) và tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khi thực hiện là cao nhất (10%).

Liên quan đến thủ tục thông quan, theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp gặp khó khăn nhất trong khâu chuẩn bị hồ sơ và kiểm tra hồ sơ với lý do là các quy định hay thay đổi, với tỷ lệ lần lượt là 48% và 22%. Lý do là có nhiều qui định mới được ban hành để sửa đổi hoặc thay thế những quy định cũ. Trong khi doanh nghiệp ít khi quan tâm cập nhật những qui định mới, chỉ đến khi nào gặp vướng mới bắt đầu tìm hiểu. Doanh nghiệp cũng cho biết nhiều trường hợp vẫn phải in và nộp các giấy tờ khác thuộc hồ sơ hải quan trong khi các giấy tờ này đã được đính kèm trên hệ thống. Trong đó, kiểm tra hồ sơ là khâu gặp khó khăn do vấn đề trên nhiều nhất chiếm tỷ lệ gần 18% trong tổng số doanh nghiệp trả lời. 16% DN vẫn còn gặp khó trong khâu kiểm tra hồ sơ do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan, chủ yếu tập trung ở sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Ngoài ra thì việc không công khai thông tin và qui trình xử lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó trong khâu kiểm tra hồ sơ (15% doanh nghiệp). Cụ thể là cơ quan Hải quan Đà Nẵng chưa thực hiện việc thông tin tên cán bộ công chức xử lý hồ sơ cho từng lô hàng xuất/nhập để doanh nghiệp tiện theo dõi và liên hệ khi cần như Hải quan một số địa phương khác đã áp dụng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nêu ra một số khó khăn khác khi thực hiện thủ tục thông quan, ví dụ như là có sự khác nhau trong hướng dẫn khai báo, nhập liệu các tiêu chí trên tờ khai giữa các cán bộ trong cùng một Chi cục và giữa các Chi cục với nhau hay lỗi hệ thống khai báo dữ liệu điện tử, nghẽn mạng, nhất là tình trạng lỗi khi cập nhật phiên bản mới; Khó khăn khi thực hiện một số quy định hiện hành liên quan đến thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa như là quy định không cho phép kiểm hóa hộ đối với hàng hóa gia công và sản xuất xuất khẩu...

Tuấn Vỹ