Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014
VCCI cho rằng, yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp “tài liệu chứng minh doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ gây khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp".
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Công văn số 6115/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bãi bỏ một số thủ tục hành chính như: thay đổi tên, địa chỉ của địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng; bổ sung địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng; chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng tại địa điểm đã được cấp phép.
"Đây là một chuyển biến tích cực trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
VCCI: Bổ sung quy định về hình thức, thời gian công khai phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng
01:18, 23/09/2019
VCCI: Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành chưa hợp lý
05:00, 18/09/2019
VCCI: Không đưa biện pháp điều hành xuất nhập khẩu vào diện bí mật nhà nước
09:01, 07/09/2019
VCCI: Bỏ quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp ô tô phải đảm bảo an toàn
18:02, 22/08/2019
VCCI: Quy định công ty thông tin tín dụng phải có phương án kinh doanh khả thi là không cần thiết
13:23, 20/08/2019
Tuy nhiên để thúc đẩy hơn nữa về đơn giản hóa thủ tục hành chính, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số quy định sau:
Thứ nhất, về việc sửa đổi thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Dự thảo quy định doanh nghiệp phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong hồ sơ nhưng lại không quy định hình thức của loại tài liệu này: là bản sao, bản sao có chứng thực hay là bản sao từ sổ gốc. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
Theo quy định tại Dự thảo thì doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi nội dung về thông tin doanh nghiệp. Thời gian để giải quyết thủ tục hành chính là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đây là khoảng thời gian quá dài để xem xét, giải quyết thủ tục điều chỉnh giấy phép trong khi hồ sơ rất đơn giản (Đơn đề nghị và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).
Mặt khác, Dự thảo cũng không quy định về khoảng thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, điều này có thể gây ra tình trạng kéo dài thời gian giải quyết thủ tục khi các cán bộ thực thi cho rằng hồ sơ không hợp lệ.
Để thể hiện tinh thần cải cách về thủ tục hành chính, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục (3 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ) và quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ (1 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ).
Thứ hai, về bổ sung trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh vàng.
Dự thảo bổ sung nghĩa vụ báo cáo định kỳ hàng quý hoặc khi cần thiết của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi thay đổi tên, địa chỉ của địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng; bổ sung địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng; chấm dứt hoạt động tại địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng đã được cấp phép hoặc đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.
So với các Thông tư hiện hành thì Dự thảo đã điều chỉnh thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh thành thủ tục báo cáo định kỳ. Xét bản chất thì sự điều chỉnh này sẽ góp phần giảm tải thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 108/2018/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp) thì khi lập, thay đổi, chấm dứt hoạt động của các địa điểm kinh doanh doanh nghiệp đều có nghĩa vụ thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Như vậy, các thông tin về địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đều được lưu giữ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có thể chia sẻ thông tin để thực hiện chức năng quản lý của mình.
Như vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo các vấn đề liên quan đến địa điểm kinh doanh (lập, đóng, thay đổi) sẽ khiến doanh nghiệp phải thực hiện hai thủ tục tương tự tại hai cơ quan quản lý khác nhau.
Vì vậy, để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo quản lý nhà nước, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 4 Điều 1 và giữa cơ quan quản lý nhà nước sẽ chia sẻ và sử dụng các thông tin về địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng.
Thứ ba, về hồ sơ đề nghị Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thông tư 03 quy định trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải có “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tài liệu chứng minh doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định này là chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014 về việc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý chuyên ngành không xem xét về ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Mặt khác, như đã phân tích ở trên, các ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đều đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có thể dựa vào hệ thống dữ liệu này để nhận biết thông tin.
VCCI cho rằng, yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp “tài liệu chứng minh doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ” là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014 và gây khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định sửa đổi khoản 3 Điều 1 Thông tư 03 theo hướng doanh nghiệp chỉ phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong hồ sơ xin cấp phép.