“Sức bật” từ Nghị quyết 09-NQ/TW
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị sau 8 năm đi vào cuộc sống đã thực sự trở thành "kim chỉ nam" cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
Ngay từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 09-NQ/TW) được ban hành, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai Nghị quyết 09 bắt đầu bằng việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết. Các Bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy, các hiệp hội DN đã chủ động xây dựng chương trình hành động nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống...
Từ sự đồng hành của cả hệ thống chính trị
Còn nhớ gần 8 năm trước, sáng ngày 17/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm, làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) và gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Khi đó, VCCI đang trong quá trình xây dựng Nghị quyết, nói chuyện với cán bộ, nhân viên VCCI và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Tổng bí thư đã nhấn mạnh: Lần đầu tiên có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các ý kiến của các đại biểu đưa ra đều thấy nội dung của Nghị quyết đã phản ánh đúng tâm tư và nguyện vọng của chính các doanh nhân. Nhưng điều quan trọng sắp tới là chúng ta phải thực hiện tốt Nghị quyết này.
“Đội ngũ doanh nhân của chúng ta mang bản sắc riêng, bản sắc Việt Nam. Doanh nhân Việt Nam là những người mang tinh thần người lính làm kinh tế, có quyết tâm, ý chí của người lính để thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội giao phó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khi đó đã nói rằng, sự ra đời của Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và chuyến đi thăm, làm việc của đồng chí Tổng Bí thư là sự động viên khích lệ lớn lao, tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục trụ vững, vượt qua khó khăn, trở ngại đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Nghị quyết 09 đã phản ánh đúng những nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân và yêu cầu của nền kinh tế. Kể từ đây đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có một Nghị quyết của Đảng xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển cho mình, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Và ngay sau đó, Nghị quyết đã chính thức được ban hành và đi vào cuộc sống. Có lẽ sự ra đời Nghị quyết vào thời điểm đó cũng như sự quan tâm của người đứng đầu Đảng ta đã cho thấy một điều Đảng rất quan tâm và đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đó cũng là động lực rất lớn để VCCI phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp… triển khai đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
VCCI với vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân VN đã đẩy mạnh công tác truyền, phổ biến Nghị quyết và chính sách mới trên các phương tiện thông tin do VCCI quản lý. Đồng thời, tiến hành xây dựng Chương trình hành động với các nôi dung chính: Tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, phát triển hiệp hội doanh nghiệp, thúc đẩy vai trò VCCI đại diện người sử dụng lao động và nâng cao chất lượng của các hoạt động tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp... Đặc biệt, công tác tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 09 /NQ - TW thông qua VCCI còn được thể chế hóa tại Nghị quyết số 19/NQ-CP; Chỉ thị 11/ CT-TTg…
Ngoài ra, VCCI phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Trung ương cùng nhau xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai, giám sát thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW, tổ chức một số hoạt động, nghiên cứu chuyên đề, Hội thảo... Báo cáo của Ban dân vận TW và Đảng đoàn VCCI cho thấy, đa số cấp uỷ đảng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, các tỉnh uỷ, thành ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương báo cáo về ban hành văn bản chỉ đạo. Thường trực các tỉnh, thành ủy đã chỉ đạo và giao ban cán sự Đảng ủy Ủy ban nhân dân phối hợp với ban dân vận, hiệp hội doanh nghiệp địa phương tham mưu cho ban thường vụ tổ chức thực hiện chương trình hành động. Các hiệp hội doanh nghiệp các địa phương cũng tổ chức tuyên truyền rộng rãi về Nghị quyết số 09.
Sau đó, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động cũng được triển khai mạnh mẽ; Thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp, hỗ trợ XTTM cho các doanh nghiệp; Tăng cường hỗ trợ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển khu vực nông thôn và hội nhập quốc tế; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh doanh nhân; Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc và xây dựng quan hệ lao động hài hòa …
Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống
Có thể khẳng định, sau gần 8 năm triển khai, Nghị quyết 09 đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành “kim chỉ nam” cho các tỉnh, thành triển khai các định hướng phát triển kinh tế, doanh nghiệp… Đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nôi, TP. Hồ Chí Minh…việc thực hiện đã mang lại những kết quả rất rõ rệt, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố xác định toàn hệ thống chính trị đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện 7 chương trình đột phá, thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh, triển khai mô hình xây dựng đô thị sáng tạo - tương tác. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố cùng các Sở ngành thường xuyên gần gũi, gắn bó với các doanh nghiệp thông qua các hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố và các hội ngành nghề để lắng nghe nắm bắt, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những buổi giao lưu tọa đàm giữa Bí thư thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố với doanh nghiệp trong các chương trình cà phê doanh nhân, hay những chuyến đi thực tế đến từng hội ngành nghề của Chủ tịch UBND Thành phố để ghi nhận, giải quyết từng khó khăn vướng mắc cụ thể cho doanh nghiệp đã tạo được niềm tin và sự hứng khởi lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp thành phố để vượt qua mọi khó khăn thách thức cạnh tranh trên thương trường.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với việc tiếp tục thực hiện nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ chính trị, Chính phủ tập trung chỉ đạo không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, cắt giảm các giấy phép con, giấy phép kinh doanh có điều kiện nhằm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tập trung vào đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập thị trường quốc tế; Hàng loạt các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được chính phủ và chính quyền các cấp quan tâm triển khai đã mang lại niềm tin và sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Đất nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nhân tỷ phú, doanh nghiệp lớn nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, khẳng định doanh nhân, doanh nghiệp Việt nam đang từng bước vươn lên sánh vai với các doanh nghiệp khắp 5 châu” - ông Châu nói.
Trên thực tế, mặc dù VCCI, Ban dân vận TW cùng các cơ quan liên quan đã rất tích cực triển khai, quán triệt Nghị quyết nhưng trên thực tế ở nhiều nơi, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân…nhận thức về triển khai Nghị quyết còn hạn chế, từ đó dẫn tới việc phát triển doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện. Từ nhận thức về tinh thần của Nghị quyết còn hạn chế đã dẫn tới nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống. Một số chủ trương, chính sách về hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện, chưa được quan tâm giải quyết. Đơn cử như việc vay vốn, lãi suất vay vẫn còn cao, tiền thuê đất, giải quyết các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp có lúc, có nơi còn gây phiền hà.
Đáng nói là ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân còn chưa thực sự tuân thủ pháp luật, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,nợ lương… thậm chí là không thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, dẫn đến ngừng việc tập thể. Một số doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và thiếu trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi.
Công tâm mà nói, nguyên nhân của hiện tượng trên có cả chủ quan và khách quan. Rõ ràng vẫn còn một số cấp uỷ, tổ chức Đảng thực hiện Nghị quyết còn chưa sâu sát, thiếu liên tục. Công tác tuyên truyền Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên. Thậm chí một số nơi chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, các giải pháp còn chung chung, chưa đôn đốc, kiểm tra sâu sát việc thực hiện Nghị quyết.
Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, thậm chí còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, thiếu kinh nghiệm kinh doanh, hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý...
Dù Nghị quyết 09 đã đi sâu vào đời sống doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế, song những khó khăn vẫn còn hiển hiện trước mắt. Nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường, trong khi ở trong nước vẫn còn những hạn chế, yếu kém về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều việc phải làm trong khi chưa thể khắc phục ngày một ngày hai. Trong bối cảnh đó, VCCI sẽ tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 09-NQ/TW, cùng với đó là các chương trình hành động cụ thể của Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP... nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp, tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, đưa nền kinh tế Việt Nam ngày một hội nhập và phát triển bền vững.