VBS 2019: Doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong chuyển đổi số
Nhiều doanh nghiệp khẳng định, trong quá trình chuyển đổ số họ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Chuyển đổi số được xem là một trong những yêí tố sống còn của doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên, tại hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - VBS 2019, ông Hồ Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, đa phần các doanh nghiệp khi thực hiện việc chuyển đổi số thường gặp không ít khó khăn, thách thức.
Nhiều thách thức
Theo đó, ông Tùng cho rằng, thách thức đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số là con người. Tiếp theo là cơ sở hạ tầng phù hợp và hiệu quả làm nền tảng cho mục đích chuyển đổi số đúng nghĩa.
Về yếu tố con người ông Tùng nhấn mạnh việc đào tạo, tuyển dụng và quản lý nhân sự về công nghệ trong doanh nghiệp trong bối cảnh hiện này là điều vô cùng khó khăn.
“Nguồn nhân lực công nghệ cao cũng còn thiếu. Giáo dục và đào tạo chưa theo kịp với các chuẩn quốc tế, chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước với chuyển đổi số. Cũng phải kể đến thực tế về thói quen bảo thủ, lạc hậu, ngại thay đổi về công nghệ, cách làm. Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng công nghệ cao còn thấp. Cuối cùng là việc triển khai các chủ trương, chính sách mới chưa thực sự quyết liệt và đồng bộ”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Tùng cũng nhấn mạnh đến hạ tầng công nghệ cũng chưa đồng bộ, chưa có nền tảng cho công nghiệp công nghệ cao cũng là thách thức cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
Theo ông Tùng, trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp còn vướng phải một trở lại nữa là sự chuyển đổi quá nhanh công nghệ, có những hệ thống sau khi đầu tư rất lớn nhưng có thể sẽ lạc hậu ngay sau một thời gian ngắn, dẫn đến việc doanh nghiệp dù đã quan tâm đầu tư công nghệ từ rất sớm, nhưng lại bị “lỡ đà” trong dòng chảy chung.
3 giai đoạn để chuyển đổi số thành công
Thực tế đã chứng minh, trong các bước chuyển đổi, công nghệ số đang giúp doanh nghiệp thay đổi vượt bậc. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…
Từ góc nhìn cá nhân ông Tùng cho rằng, trước tiên, doanh nghiệp phải căn cứ vào quy mô, lĩnh vực, mục tiêu và tham vọng của doanh nghiệp mình, cả trong tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong đó, doanh nghiệp tầm trung đến doanh nghiệp lớn cần thực hiện các mô hình đầu tư bài bản với 3 giai đoạn.
Bước 1 là xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và mục tiêu chương trình chuyển đổi số, đồng thời đưa chuyển đổi số vào mọi mục tiêu quản trị, yêu cầu cam kết của các tầng lớp lãnh đạo quyết tâm thực thi chuyển đổi số.
Bước 2 là tăng tốc chuyển đổi số bằng các dự án thí điểm, đồng thời lập chiến lược quản trị tinh gọn, thành lập đội ngũ quản trị có văn hóa số, làm chủ được các công nghệ số, tìm và xây dựng được một đối tác tin cậy để thực thi các dự án chuyển đổi số, nhất là các dự án xây dựng hệ thống lõi để quản trị kinh doanh và vận hành.
Bước 3 là nhân rộng ra toàn bộ hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực đồng bộ để toàn bộ doanh nghiệp trở thành “doanh nghiệp số”.
Có thể bạn quan tâm
VBS 2019: Nhiều thách thức trong chuyển đổi số
17:59, 16/10/2019
MB và chặng đường chuyển đổi số
14:29, 16/10/2019
Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp công nghệ
04:35, 13/10/2019
Hiện tại, Việt Nam đã tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới, nên doanh nghiệp Việt sẽ vấp phải sự cạnh tranh mãnh mẽ của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh ấy, ông Tùng khuyến nghị, các doanh nghiệp phải sẵn sàng 100% cho việc quản trị và vận hành nền tảng số. Thậm chí, còn phải đi trước một bước, nếu không có thể sẽ mất toàn bộ thị trường vào tay đối thủ. Vì thế, tất cả các ngành đều phải có sự chuyển dịch.
Trong đó, một số ngành cần ưu tiên chuyển dịch càng sớm càng tốt là dịch vụ tài chính ngân hàng, logistics và vận tải, sản xuất và phân phối. Các startup nên dùng công nghệ thông tin, công cụ số để đưa ra các giải pháp giải quyết các nhu cầu hàng ngày của mọi người một cách thông minh hơn, đưa hạ tầng số vào các lĩnh vực trọng điểm mang tính thúc đẩy nền kinh tế, tạo sức ảnh hưởng lớn hơn cho xã hội.