Chi phí tuân thủ pháp luật có thể giết chết một doanh nghiệp
"Một quy định pháp luật có khả năng tạo ra 5 loại chi phí và những chi phí này không chỉ đơn thuần tạo thêm gánh nặng mà còn có thể giết chết một doanh nghiệp".
Đó là khẳng định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tại một hội thảo về nâng cao chất lượng quy định pháp luật do VCCI tổ chức mới đây.
Theo đó, ông Hiếu cho biết: "5 loại chi phí này chính là chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư, phí lệ phí, chi phí cơ hôi, chi phí phi chính thức”.
Dẫn chứng cụ thể, ông Hiếu lấy ví dụ quy định xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách trong mô hình Grab, Uber, nếu phải gắn thêm mào lên nóc xe thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn.
“Ví vụ, tôi là một doanh nghiệp vận tải sở hữu khoảng 100 chiếc xe. Nếu áp dụng quy định này này thì mỗi chiếc xe taxi của tôi đều sẽ phải gắn mào. Bình quân mỗi chiếc mào có giá vài trăm ngàn thì doanh nghiệp của tôi phải mất đến vài chục triệu chỉ để đáp ứng chi phí tuân thủ pháp luật. Đó mới chỉ là một hãng taxi, nếu nhân với tất cả các hãng thì con số này vô cùng lớn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Lấy thêm ví dụ, ông Hiếu dẫn chứng về quy quy định mà doanh nghiệp phải đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định 19/2019/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khí.
Theo đó, Nghị định này yêu cầu thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 gas, có số lượng chai gas với với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 3,93 triệu lít; thương nhân phân phối khí có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3, có số lượng chai với tổng dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít…
Để đáp ứng các yêu cầu này, thương nhân xuất nhập khẩu phải sở hữu ít nhất 150.000 vỏ bình gas 12 lít, thương nhân phân phối phải có ít nhất 100.000 vỏ bình…
“Nhiều doanh nghiệp đã tính rằng nếu vay vốn ngân hàng để mua bình gas để đáp ứng quy định thì họ sẽ phá sản. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường cũng không cần nhiều đến thế. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu đầu tư thì cũng chết mà không đầu tư cũng chết nên nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận chết chứ không đầu tư hơn”, ông Hiếu dẫn khẳng định.
Về chi phí cơ hội, Viện phó CIEM nhấn mạnh, chi phí cơ hội có khả năng giết chết doanh nghiệp. Một ví dụ đơn giản là hai doanh nghiệp cùng nhập khẩu một mặt hàng tại hai cửa khẩu khác nhau, doanh nghiệp này được thông quan trong vòng 1 giờ còn doanh nghiệp kia phải mất 3 ngày. Như vậy, doanh nghiệp thông quan trong vòng 1 giờ có lợi thế lớn, trong vòng 3 ngày đã triển khai bán sản phẩm ra toàn thị trường.
"Đối với các mặt hàng có thời gian sử dụng ngắn nhưng đắt đỏ và tốn kém như vacxin thì doanh nghiệp còn lại nhập sản phẩm về chỉ có nước tiêu hủy. Khi ấy, ai sẽ chịu thiệt hại cho doanh nghiệp?", ông Hiếu đặt vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
Bắt đầu cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật
16:20, 17/04/2019
Thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp
06:37, 03/10/2019
Nhiều thủ tục hành chính vẫn "đánh đố" doanh nghiệp
12:42, 21/08/2019
Dù vậy, nhưng khi bình luận về việc cải cách các quy định pháp luật, ông Hiếu thừa nhận chất lượng quy định pháp luật đã tăng lên, nhưng với gánh nặng chi phí thì tình hình vẫn còn nghiêm trọng.
“Dù ta có cải thiện nhưng cần nhìn nhận cải thiện là đương nhiên chứ không phải thành tích, thậm chí ta phải đòi cải thiện hơn nữa thì chúng ta mới có thể đáp ứng được yêu cầu của hội nhập”, ông Hiếu nhấn mạnh.