TS Vũ Tiến Lộc: “Cùng với những người bạn Hàn Quốc, người Việt Nam sẽ viết nên kỳ tích sông Hồng”
Hàn Quốc và Việt Nam có chung xuất phát điểm là những nước nghèo, bị chiến trành tàn phá và ông hy vọng Việt Nam sẽ viết nên kỳ tích sông Hồng như Hàn Quốc tạo kỳ tích sông Hàn.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng đăng bài phát biểu của Ts. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam Hàn Quốc, diễn ra tại Quảng Nam, sáng 9/11 (*Tiêu đề do toà soạn đặt).
Như Chủ tịch Liên hiệp doanh nghiệp Hàn Quốc – Nam Á và Đông Nam Á đã phát biểu, Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hoá.
Trong gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ giữa hai nước đã phát triển với tốc độ nhanh hiếm thấy trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị và kinh tế.
Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác chiến lược hàng đầu của Hàn Quốc ở Đông Nam Á.
Với sự phát triển ngoạn mục, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã trở thành tấm gương điển hình về quan hệ hợp tác song phương trong khu vực.
Chúng ta hãy cũng điểm qua một số dấu son trong lịch sự phát triển quan hệ hai nước: Năm 2001 từ đối tác thông thường, Chính phủ hai nước đã nâng quan hệ song phương lên thành “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”.
Tám năm sau, năm 2009 mối quan hệ này tiếp tục được nâng lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”. Trên thực tế, với nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ giữa Việt Nam- Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư đã phát triển theo chiều sâu và bước sang giai đoạn mới về chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực
15:07, 04/07/2019
Việt Nam - Hàn Quốc: Nâng kim ngạch lên 100 tỷ USD vào năm 2020
10:29, 22/06/2019
Việt Nam - Hàn Quốc: Văn hoá làm nền tảng hợp tác kinh tế
15:58, 20/06/2019
Việt Nam - Hàn Quốc: Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại
01:47, 16/11/2018
Việt Nam - Hàn Quốc: Đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa
15:06, 29/06/2018
Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hướng dòng đầu tư đi vào thực chất và hiệu quả
17:02, 23/03/2018
Năm 2007, Việt Nam và các nước ASEAN khác đã ký Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác khu vực.
Tiến xa hơn nữa, năm 2015 Việt Nam và Hàn Quốc đã thông qua Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-Hàn Quốc (KVFTA), tạo khung pháp lý cho việc tăng cường và mở rộng mãnh mẽ quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Singpapore và Đài Loan (Trung Quốc) trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 9/2019 đạt 65,7 tỷ USD. Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hong Kong.
Đặc biệt, các dự án đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam rất đa dạng, trải rộng từ công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng đến phát triển hạ tầng giao thông, logistics, bất động sản, bán buôn, bán lẻ, du lịch…Hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như: Samsung, Hyundai, LG, POSCO, SK, Lotte, Kumho-Asiana... đã có mặt tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển và hiện là nhà tài trợ ODA song phương lớn thứ hai của Việt Nam.
Về thương mại, Hàn Quốc cũng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ hai cho Việt Nam sau Trung Quốc. Kim ngạch nhảy vọt từ 0,5 tỷ USD vào năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên hơn 65,8 tỷ USD vào năm 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chủ lực như điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính, máy móc và phụ tùng, dệt may, nông lâm thủy sản…
Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản). Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-Hàn Quốc (KVFTA) đã góp phần nâng cao hiệu quả của khuôn khổ pháp lý và thực thi chính sách thương mại, cải thiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của hai nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc, tạo động lực mới góp phần thực hiện các mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 70 tỷ USD vào năm 2020 và hướng tới sự cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Sự có mặt của hơn 600 đại biểu, trong đó có khoảng 250 đại diện của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ Hàn Quốc tại Diễn đàn của chúng ta ngày hôm nay cũng là một minh chứng sống động nhất cho tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Việt Nam đã từng có chung xuất phát điểm, là những nước nghèo, lạc hậu, bị tàn phá sau chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực quyết tâm, Hàn Quốc đã có sự chuyển mình đáng kinh ngạc, tạo Kỳ tích sông Hàn. Chúng tôi hi vọng rằng cũng với những người bạn Hàn Quốc, người Việt Nam cũng sẽ viết nên kỳ tích sông Hồng của mình.
Với mối quan hệ đối tác chiến lược có nền tảng vững chắc, được xây dựng trên lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau, tôi cho rằng, trong thời gian tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn nữa, đặc biệt là việc tận dụng những lợi thế của Cách mạng CN 4.0.
Việt Nam đang có cơ hội lớn với lợi thế so sánh vượt trội trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp-gắn liền với nền ẩm thực; du lịch; và kinh tế sáng tạo gắn với công nghệ thông tin.
Hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 và cải cách thể chế trong nước sẽ là 3 động cơ phát triển chính cho Việt Nam trong giai đoạn mới. Các công ty Hàn Quốc với những thế mạnh về vốn, công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ có thể hợp tác tốt với các doanh nghiệp Việt Nam với lợi thế về lao động tay nghề cao, sáng tạo.
Chúng ta đã có các công ty như công ty Trường Hải làm minh chứng cho sự hợp tác Việt Hàn thành công này. Bên cạnh đó, Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt nam phát triển năng lượng mặt trời, xây dựng công viên công nghệ xanh, viện khoa học công nghệ V-KIST, thực hiện chương trình chia sẻ tri thức (KSP) góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam.
Việt Nam có thể học hỏi được ở Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ phát triển vật liệu. Hai nền kinh tế Việt Nam- Hàn Quốc có những lợi thế bổ sung cho nhau, hai cộng đồng doanh nghiệp có thể cùng nhau lớn mạnh.
Tôi hi vọng Diễn đàn ngày hôm nay sẽ tập trung thảo luận và tìm ra các phương hướng mới để doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa mối quan hệ nhiều mặt, đồng thời cũng tạo cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu hơn nữa về Việt Nam và đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh doanh giữa hai nước.
Diễn đàn của chúng ta ngày hôm nay may mắn được tổ chức ở Quảng Nam, một mảnh đất được mệnh danh là “đất văn hóa”, “đất khoa bảng”, “đất địa linh nhân kiệt”. Tôi hi vọng rằng, với thành công của Diễn đàn hôm nay, Quảng Nam còn được còn bạn Hàn Quốc biết đến là “đất doanh nhân”.
Hi vọng rằng hơn 250 Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ bén duyên ở lại Quảng Nam, để chúng ta có nhiều “Trường Hải” hơn nữa, bởi người dân đất Quảng vốn nổi tiếng bới tính mến khách, khát khao học hỏi, đổi mới đúng như câu ca dao “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thẩm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”.
Thay mặt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tôi khẳng định rằng VCCI luôn sẵn sàng sát cánh với các tổ chức xúc tiến doanh nghiệp của Hàn Quốc, với các doanh nghiệp vì sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tại Hội nghị, Chủ Tịch KOTRA - Ông Kwon Pyung Oh cho biết, kim ngạch song phương giữa hai nước hiện nay đạt 68 tỷ USD. Hiện nay có hơn 8000 doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại Việt nam. Theo ngài Chủ tịch KOTRA việc đạt mục tiêu kim ngạch năm 2020 là 120 tỷ USD có thể thực hiện được nếu như hai nước bắt tay gắn kết với nhau. “Với mục đích xây dựng một quốc gia công nghiệp hiện đại, chúng tôi thấy Việt Nam giống như một con rồng vàng đang vươn lên vậy. Xu thế trung tâm công nghiệp thế giới hiện nay đang chuyển sang ASEAN nên Việt Nam hiện nay đang có một lợi thế rất lớn. Hai đất nước chúng ta sẽ cùng nhau tăng trưởng, hội nhập cạnh tranh cùng với các nước đang phát triển trên thế giới.” Ông Kwon Pyung Oh nhận định Hội nghị cho thấy việc hợp tác giữa 2 quốc gia càng ngày càng quan trọng. Cả hai quốc gia đều hi vọng rằng hội nghị sẽ là cơ hội mở rộng tầm nhìn giữa 2 quốc gia, mang lại những lợi ích cà về chất lẫn về lượng đối với doanh nghiệp trong việc kết nối phát triển kinh tế song phương. |