Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: "Thể chế, thể chế và thể chế"
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh chìa khóa để tận dụng thành công hiệu quả cơ hội từ các FTA là cải cách thể chế.
Sáng nay (23/7), Đoàn giám sát của Uỷ Ban thường vụ Quốc hội đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh việc tham gia vào các FTA thế hệ mới là thành công lớn nhất trong quá trình hội nhập, giúp đẩy mạnh quá trình thu hút đầu tư và cải cách thể chế.
Theo đó, kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong số 13 FTA đã ký (12 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký và phê chuẩn, nhưng chưa có hiệu lực) và 3 FTA đang đàm phán (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA), FTA giữa Việt Nam và Israel.
Trong số 13 FTA đã ký, có 2 Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn là CPTPP và EVFTA, 11 FTA khác thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước, Chính phủ. Đối với Hiệp định CPTPP, sau hơn 1 năm đi vào thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 35,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Ngoại trừ Australia giảm và Singapore giữ mức tương đương, trong 6 đối tác đã thực thi CPTPP, năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng mạnh nhất (29,8%), sau đó là Mexico (26,3%). Đây chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới.
Chủ tịch VCCI ví von, với các FTA thế hệ mới thì tác động về cải cách thể chế sẽ lớn hơn rất nhiều so với các tác động về đầu tư và các con số xuất nhập khẩu.
Ông Lộc nhấn mạnh thời điểm tham gia vào các FTA thế hệ mới đều là những thời điểm ít may mắn.
“Chỉ 2 năm sau khi chúng ta tham gia vào ASENAN thì xảy ra khủng hỏag tài chính, chỉ sau 1 năm chúng ta tham gia WTO thì xảy ra khủng hoảng kinh tế, chỉ sau tham gia vào CPTPP ít lâu thì xảy ra thương chiến Mỹ-Trung; còn hiện tại, trước thời điểm EVFTA có hiệu lực thì xảy ra đại dịch COVID làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Nhưng chúng ta vẫn đạt được những kết quả quan trọng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo đó, Chủ tịch VCCI cho biết, sau 10 năm tham gia vào WTO, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 10,3 điểm, tăng 23 bậc, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện dù còn hơi chậm.
Tuy nhiên, bên cạnh những trái ngọt, những niềm vui, quá trình hội nhập vẫn còn những nỗi buồn.
“Việc khai thác lợi ích từ các FTA chưa đạt kỳ vọng. Chúng ta chưa khai thác triệt để những cơ hội mà FTA mạng lại. Nỗ lực cải cách nhanh hơn nhưng chưa có nhiều bứt phá. Chúng ta đã ra mục tiêu vào top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh từ năm 2014 nhưng cho đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được, chúng ta đứng cuối về năng suất lao động…”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lộc cũng nói rằng: “Với hội nhập, chúng ta vẫn tự hào về thành tích xuất nhập khẩu nhưng thống kê của VCCI cho thấy có đến 70% xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển”, ông Lộc nói.
Để tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới mang lại, ông Lộc nhấn mạnh nút thắt lớn nhất cần phải tháo gỡ chính là nút thắt về thể chế. “Thể chế sẽ là yếu tố quan trọng nhất giúp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Lộc cho rằng việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều quan trọng nhất.
“Bản chất chuyển dịch làn sóng đầu tư là chuyển dịch công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy hỗ trợ công nghiệp trong nước, ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ cũng là vấn đề quan trọng cần phải lưu ý. Cùng với đó chúng ta phải có chính sách để phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, ông Lộc nhấn mạnh.
Với các doanh nghiệp, để tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh trước hết doanh nghiệp phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ Hiệp định. Sau đó có thể sẽ phải đầu tư để thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định.
“Doanh nghiệp có thể sẽ phải mất thêm nhiều chi phí tuân thủ, để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về lao động, môi trường. Và tất nhiên, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, để có được những sản phẩm tốt, chất lượng cao, giá cả phải chăng đáp ứng yêu cầu của thị trường”, ông Lộc nói.
Có thể bạn quan tâm
Bốn kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục phát huy lợi ích các FTA
18:20, 22/07/2020
"Cải cách thể chế, ban hành văn bản thực thi các FTA vẫn còn chậm"
17:30, 22/07/2020
Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA, CPTPP
13:31, 15/07/2020
EVFTA và động lực cải cách thể chế
11:30, 10/07/2020