Mạng xã hội không thể "quản" như sàn giao dịch thương mại điện tử
Đề xuất phương thức quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội tương đương với phương thức quản lý với các sàn thương mại điện tử chưa thực sự hợp lý.
Góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến như sau:
VCCI đồng tình rằng vấn đề hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên mạng xã hội cần phải được quản lý, do đó việc quy định trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, gỡ bỏ thông tin hàng hóa, dịch vụ vi phạm của các mạng xã hội là cần thiết.
Tuy nhiên, Dự thảo đang đề xuất phương thức quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội tương đương với phương thức quản lý với các sàn thương mại điện tử. Chính sách này chưa thực sự hợp lý.
Theo VCCI, mạng xã hội, với khả năng kết nối và chia sẻ thông tin, cho phép người dùng có thể đăng tải, chia sẻ thông tin và tương tác với người dùng khác. Vì vậy, mạng xã hội được một bộ phận người dùng sử dụng cho mục đích giới thiệu, quảng bá hàng hóa, dịch vụ và tương tác với khách hàng.
Mặc dù vậy, khác với các sàn thương mại điện tử, đây là vấn đề tự phát giữa các người dùng trong mạng xã hội. Nhiều mạng xã hội không tham gia vào quá trình giao dịch giữa người bán và người mua, không yêu cầu người bán và người mua phải thực hiện giao dịch trên nền tảng của mình… Nói cách khác, nhiều mạng xã hội chỉ đơn thuần được sử dụng như một kênh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Trong khi đó, Dự thảo quy định mạng xã hội cho phép người dùng được mở gian hàng hoặc đăng tin cung cấp dịch vụ hoặc có chuyên mục mua bán thì được coi là sàn thương mại điện tử và phải thực hiện các nghĩa vụ tương tự sàn thương mại điện tử. Khi đó, gần như mọi mạng xã hội, dù không chủ động tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, cũng sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định.
Chẳng hạn, người dùng lập một tài khoản mạng xã hội (như một người dùng bình thường) sau đó đăng tin cung cấp dịch vụ và sử dụng các chức năng của mạng xã hội để tương tác với người dùng. Khi đó mạng xã hội này sẽ có đặc tính như “website hoặc ứng dụng di động cho phép người tham gia được mở tài khoản để đăng tin cung cấp dịch vụ và tương tác với khách hàng”.
Hay người dùng có thể lập trang (fanpage) để quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi đó, mạng xã hội này có đặc tính giống “website hoặc ứng dụng cho phép người tham gia được mở các gian hàng hoặc lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ”.
Hơn nữa, việc quản lý này cũng không thực sự cần thiết, mà thay vào đó nên sử dụng các biện pháp cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, các sàn thương mại điện tử, với khả năng cung cấp nhiều thông tin cho người mua lựa chọn, cân nhắc; phương thức đặt hàng, thanh toán, giao nhận chuyên nghiệp; cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh chuyên nghiệp sẽ đảm bảo quyền lợi của cả người mua lẫn người bán, trong khi các mạng xã hội không có chức năng này. Từ đó, các sàn thương mại điện tử sẽ thu hút người mua và người bán hơn. Việc quản lý mạng xã hội như sàn thương mại điện tử chỉ thực sự cần thiết khi các mạng xã hội có chức năng mua bán chuyên nghiệp (có chức năng đặt hàng trực tuyến và/hoặc hỗ trợ thanh toán, chuyển phát).
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi quản lý hoạt động mạng xã hội theo hướng chỉ áp dụng với các mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến và/hoặc hỗ trợ thanh toán, chuyển phát. Việc quản lý hoạt động thương mại điện tử với các mạng xã hội khác chỉ tập trung vào trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, gỡ bỏ thông tin hàng hóa/dịch vụ vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Thương mại điện tử - "cuộc cách mạng vĩ đại" trong hoạt động kinh doanh quốc tế
02:29, 30/07/2020
"Gỡ" thủ tục hành chính trong thương mại điện tử
05:53, 30/07/2020
Đằng sau chiến lược miễn phí vận chuyển của các sàn thương mại điện tử?
03:03, 21/07/2020
Quy định về thủ tục hải quan với hàng thương mại điện tử còn quá… chung chung
06:55, 13/07/2020