Quản lý hàng giả "trên mây" và vướng mắc "cân bằng" trong quy định công khai
VCCI đề nghị Bộ Công Thương "cân bằng" giữa quyền của người tiêu dùng và khả năng thông tin của người bán hàng.
Góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến như sau:
VCCI đồng tình với mục tiêu của chính sách, do việc áp dụng các biện pháp để quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, từ đó giúp phát triển thương mại điện tử bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp quản lý cần được cân nhắc để tránh tạo những bất lợi không cần thiết cho việc phát triển của thương mại điện tử, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về những thông tin bắt buộc mà người bán phải có khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, quy định này cần cân bằng giữa quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng và khả năng thực hiện của người bán, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử. Dự thảo hiện đang đề xuất hai phương án có quy định này:
Phương án 1 yêu cầu sàn thương mại điện tử phải thu thập những thông tin về người bán (tên, địa chỉ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân; phương thức liên lạc) và công khai lên gian hàng của người bán. Quy định này là chưa phù hợp và làm khó cho các sàn thương mại điện tử do việc công khai những thông tin như vậy (đặc biệt là số điện thoại hoặc địa chỉ) có thể khiến người bán và người mua “lách” các quy định của sàn, tự liên lạc để giao dịch với nhau, dẫn đến gây thiệt hại cho các sàn thương mại điện tử;
Phương án 2 chỉ quy định công khai thông tin với nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Quy định như vậy không hợp lý do các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện áp đặt điều kiện cho chủ thể kinh doanh, mà không phải cho bản thân hàng hóa, dịch vụ đang được trưng bày, giới thiệu; và do đó người tiêu dùng sẽ có thể vẫn thiếu thông tin khi xem xét mua hàng hóa, dịch vụ;
Giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, về bản chất, cũng là việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, các thông tin được công khai trên sàn nên tương đương với các thông tin mà người tiêu dùng có thể tiếp cận được khi mua sắm trực tiếp. Điều 17 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 quy định người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về “mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa; việc bảo hành hàng hóa, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa”.
Đồng thời, Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 và Điều 15.3 Nghị định 127/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định thương nhân có trách nhiệm thể hiện các nội dung này trên một trong các phương tiện: bao bì hàng hóa; nhãn hàng hóa; tài liệu kèm theo hàng hóa, sản phẩm. Như vậy, các thông tin người tiêu dùng có thể tiếp cận được là các thông tin được ghi trên nhãn hàng hóa của sản phẩm, dịch vụ.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng các thông tin bắt buộc người bán phải có là các thông tin được ghi trên nhãn hàng hóa của sản phẩm, dịch vụ (ngoại trừ những thông tin mang tính biến động theo từng sản phẩm, chẳng hạn như thông tin về số khung và số vin của sản phẩm ô tô, xe máy).
Thứ hai, một số quy định về trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử còn chưa hợp lý, có thể gây khó khăn cho các chủ sàn trong việc tuân thủ:
Trách nhiệm báo cáo trong vòng 24h với việc xử lý hàng hóa, dịch vụ vi phạm (Điều 1.9 Đề cương Dự thảo): Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo trong vòng 24h là không khả thi và chưa phù hợp do khối lượng công việc rất lớn. Việc xử lý hàng hoá, dịch vụ vi phạm là công việc thường xuyên của các sàn thương mại điện tử và có lẽ không cần phải báo cáo cơ quan nhà nước một cách thường xuyên, mà chỉ cần lưu trữ hồ sơ để chuẩn bị khi thanh kiểm tra.
Trách nhiệm cung cấp công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước tra cứu, định danh người bán, các giao dịch liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Quy định này là chưa phù hợp do việc thiết kế và vận hành một công cụ riêng chỉ để phục vụ mục đích tra cứu thông tin sẽ gây ra những gánh nặng rất lớn về chi phí và nhân lực cho doanh nghiệp. Thay vào đó, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin cần thiết để phục vụ công tác quản lý của mình.
Thứ ba, các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử sẽ phải thực hiện thủ tục cập nhật lại thông tin đăng ký nếu quy định bổ sung một số thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử có hiệu lực. Theo Báo cáo đánh giá tác động, các doanh nghiệp sẽ phải phát sinh khoản chi phí khoảng 6 tỷ đồng cho thủ tục này. Về bản chất, thủ tục cập nhật lại thông tin đăng ký nhằm đảm bảo các thay đổi này phù hợp với các điều kiện mà pháp luật đặt ra hoặc nhằm đảm bảo cung cấp thông tin cho mục tiêu quản lý nhà nước. Trong khi đó, việc thực hiện cập nhật lại thông tin trong trường hợp này lại xuất phát từ sự thay đổi của chính các quy định pháp luật, nên các thay đổi này đều đáp ứng các yêu cầu trên. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp sàn thương mại điện tử không phải thực hiện thủ tục này nếu chỉ có thay đổi liên quan đến việc đảm bảo tuân thủ các quy định mới của Nghị định. Các thay đổi này có thể được cập nhật cùng với các thay đổi trong lần làm thủ tục cập nhật tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm