Lương tối thiểu vùng 2021: Chưa nên bàn đến việc điều chỉnh lúc này
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất chưa bàn đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu 2021, tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 2020 đến hết năm 2021.
Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia lần thứ hai sáng ngày 5/8 về lương tối thiểu vùng 2021, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, qua tình hình thực tế, COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu.
Theo đó, cơn bão COVID-19 khiến giãn cách, đứt đoạn các chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào, các ngành đang bị "ngấm đòn" nặng nề nhất là dệt may, da giày và ngành thâm dụng nhiều lao động.
Cùng với đó, doanh nghiệp còn bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Việc chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay.
"Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, chúng ta đang có những gói hỗ trợ giải cứu doanh nghiệp thoát khỏi giai đoạn bĩ cực này. Cho nên, chúng tôi kiến nghị không điều chỉnh lương tối thiểu trong thời gian tới, đảm bảo được cho doanh nghiệp có cơ hội để hồi phục", ông Hoàng Quang Phòng nêu quan điểm.
Qua đó, đại diện Người sử dụng lao động mong muốn người lao động cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp để cùng vượt khó trong thời gian tới.
"Hi vọng trong thời gian tới tình hình khả dĩ hơn, chúng ta tính đến chuyện điều chỉnh cho phù hợp. Vì thực tế bàn việc điều chỉnh không khả thi như lý do tôi vừa phân tích", ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Phó Chủ tịch VCCI cũng đặc biệt nhắc đến các tập đoàn lớn trên thế giới và doanh nghiệp lớn cũng đang khó khăn. Những "anh tài" trong nền kinh tế đang khó khăn và phải tính đến chuyện cho nhân viên nghỉ luân phiên và chi trả mức lương tối thiểu trong thời gian vừa qua.
"Tôi hi vọng Hội đồng Tiền lương Quốc gia cùng nhau đồng thuận, cùng nhau vượt qua đại dịch, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững việc làm hiện tại cho người lao động vô cùng khó khăn", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần được xem xét trong bối cảnh lương tối thiểu vùng 2020 mức 5,5% vừa qua đã đáp ứng được yêu cầu “lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu” như đúng tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách tiền lương.
Thậm chí, theo phân tích của bộ phận kỹ thuật, mức lương tối thiểu vùng 2020 được tính toán theo mức CPI dự kiến là 4%. Tuy nhiên, thực tế khi đánh giá lại CPI 2019 chỉ 2,79%. Như vậy, lương tối thiểu vùng 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51% và vượt quá năng lực chi trả của một số doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay.
Một căn cứ khác để xem xét việc điều chỉnh, Chính phủ mới đây cũng đã yêu cầu dừng tăng lương cơ sở. Do đó, nếu lương tối thiểu vùng tiếp tục được điều chỉnh tăng sẽ là bất hợp lý với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch. Tinh thần trong chỉ đạo đổi mới về chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ cũng luôn nhấn mạnh yếu tố năng lực chi trả của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Lương tối thiểu vùng 2021: Doanh nghiệp chưa kịp phục hồi lại gặp “bão” lần 2
10:26, 05/08/2020
Chưa có phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021
17:00, 23/06/2020
Lương tối thiểu vùng đã cao hơn năng lực chi trả của doanh nghiệp
16:46, 23/06/2020
Lương tối thiểu vùng 2021 sẽ khó tăng
11:04, 23/06/2020
Chưa thể điều chỉnh lương tối thiểu 2021
11:00, 03/06/2020