Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu mới dừng ở... bảo vệ phần mềm
Luật Công nghệ thông tin có quy định về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng những quy định này mới chỉ hướng đến việc bảo vệ phần mềm, nội dung số với tư cách quyền tác giả và quyền liên quan.
Theo đề nghị của Bộ TT - TT, về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:
Điều 69 của Luật Công nghệ thông tin có quy định về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, quy định này vẫn chung chung và dường như chỉ hướng đến việc bảo vệ phần mềm, nội dung số với tư cách quyền tác giả và quyền liên quan.
Việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đối với các phần mềm, nội dung số là cần thiết. Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam đã có một số tội danh áp dụng cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với phần mềm, hệ thống thông tin và nội dung số. Thêm vào đó, các doanh nghiệp hiện nay có nhiều biện pháp kỹ thuật để bảo vệ phần mềm, hệ thống thông tin và nội dung số tương đối hiệu quả.
Trong nền kinh tế số, ngoài phần mềm thì dữ liệu cũng được coi là tài sản có giá trị cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, pháp luật chưa rõ trong việc xử lý các hành vi xâm phạm đến dữ liệu của doanh nghiệp. Tình trạng dữ liệu của doanh nghiệp bị đánh cắp (do người lao động hoặc đối thủ cạnh tranh) diễn ra tương đối nhiều mà chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu để xử lý. Có trường hợp, cơ quan nhà nước còn không coi dữ liệu là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (dưới dạng bí mật kinh doanh) nên không được áp dụng cơ chế bảo vệ phù hợp.
Do đó, đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu với tư cách bí mật kinh doanh. Đồng thời nghiên cứu bổ sung các cơ chế pháp lý giúp chống các hành vi xâm phạm tính bí mật của dữ liệu, đặc biệt là các hành vi xâm phạm từ phía người lao động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Điều 23.2 của Luật Công nghệ thông tin có quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục thông báo thiết lập trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia. Đề nghị bỏ quy định này vì không cần thiết, thiếu tính khả thi và gây gánh nặng thủ tục hành chính cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm