Dự thảo hướng dẫn Luật Chứng khoán mâu thuẫn Luật Doanh nghiệp
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, VCCI khẳng định còn nhiều quy định chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp hoặc cần phải cân nhắc lại.
Ngày 16/7/2020 vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Công văn số 7227/BTC-UBCK của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo, trên cơ sở ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội tại Hội thảo trên, VCCI gửi tới cơ quan soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý như sau:
Về các trường hợp chào mua công khai, theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Dự thảo thì trường hợp không phải chào mua công khai theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Luật Chứng khoán thì cổ đông, nhà đầu tư là đối tượng chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng và người có liên quan của các cổ đông, nhà đầu tư này không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. “Việc chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được thông qua khi có số cổ đông, nhà đầu tư đại diện tối thiểu 65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành còn lại tán thành”.
Việc Dự thảo quy định cứng tỷ lệ biểu quyết thông qua của đại hội đồng cổ đông cho việc chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong trường hợp trên dường như là chưa phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Bởi vì, Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tỷ lệ biểu quyết thông qua tối đa của đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp cụ thể và Điều lệ doanh nghiệp sẽ quy định các tỷ lệ biểu quyết cụ thể. Tỷ lệ biểu quyết và vấn đề biểu quyết quy định tại khoản 3 Điều 77 Dự thảo chưa phù hợp với quy định tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng dẫn chiếu sang quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc do Điều lệ của doanh nghiệp quy định.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 100 Dự thảo thì một trong những điều kiện niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán là “đã giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom tối thiểu 02 năm”. Một số doanh nghiệp cho rằng, điều kiện này cần phải cân nhắc lại để khuyến khích doanh nghiệp đăng ký niêm yết, huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn khi có nhu cầu niêm yết hoặc huy động vốn qua giao dịch chứng khoán, mong muốn niêm yết cổ phiếu ngay trên Sở giao dịch chứng khoán chứ ít khi đăng ký giao dịch trên Upcom, vì thị trường Upcom hiện chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ điều kiện trên quy định tại điểm b khoản 1 Điều 100 Dự thảo.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo hướng dẫn Luật Chứng khoán còn nhiều điểm chưa hợp lý?
04:10, 16/07/2020
[NGÂN HÀNG - CHỨNG KHOÁN TUẦN TỪ 25- 30/11]: Thanh khoản ngân hàng căng hơn, thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi
05:00, 30/11/2019
Thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi): Chỉ thành lập Sở giao dịch chứng khoán duy nhất
16:41, 26/11/2019