Đại hội Đại biểu Đảng bộ VCCI lần thứ VIII: “Đoàn kết, dũng cảm, đổi mới và sáng tạo”
Trải qua 57 năm phát triển chưa bao giờ VCCI có được vị thế như ngày nay: năng động trong thúc đẩy cải cách, xông xáo trong hội nhập, tiên phong trong liên kết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
VCCI đã phát huy tốt vai trò là động lực thúc đẩy cải cách thể chế và trung tâm liên kết phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Trên phạm vi quốc tế, VCCI được đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất ở các nước đang phát triển. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo VCCI đã được bầu chọn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trên phạm vi toàn cầu tham gia vào Ban lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới.
Sứ mệnh tiên phong
Thứ nhất, VCCI đã tiên phong trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò chủ thể của doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
VCCI đã biên soạn và tái bản nhiều lần bộ sách "Bác Hồ với doanh nghiệp doanh nhân” và công bố nhiều bài viết, bài nói của lãnh đạo VCCI về Chính sách Tân kinh tế của Lênin và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam và về vai trò của doanh nghiệp doanh nhân.
Với truyền thống “đoàn kết, dũng cảm, đổi mới và sáng tạo” từ nhiều năm qua, Ban Thường trực, Đảng bộ VCCI nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ tới.
Thứ hai, VCCI là động lực trong việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế ở nước ta, thông qua các hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, tham gia xây dựng các nghị quyết quan trọng của Đảng, các dự án luật của Quốc hội, các đề án chính sách của Chính phủ và các kế hoạch thúc đẩy thực thi ở các địa phương mà PCI là một hành trình quan trọng.
Về công tác xây dựng pháp luật, VCCI cũng là nơi khởi nguồn của nhiều đề xuất cải cách hành chính quan trọng của Chính phủ. Đối với cả ba đợt sóng cải cách hành chính trong nhiệm kỳ này đều ghi nhận sáng kiến và vai trò động lực của VCCI, như việc xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con vào năm 2016, cắt giảm và đơn giản hóa trên 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018 và đợt tổng rà soát các chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật năm 2020.
Thứ ba, chủ động tham vấn và góp phần vào những công cuộc hội nhập đỉnh cao của đất nước. VCCI đã luôn cổ vũ và thúc đẩy cho quá trình hội nhập. Trong nhiệm kỳ này, trong tất cả các cuộc hội nhập đỉnh cao của đất nước như CPTPP, EVFTA, APEC, ASEAN... đều có dấu ấn quan trọng của VCCI.
Bốn là, đi đầu trong việc định hình, định hướng cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. VCCI là cơ quan tham mưu kiến nghị với Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu và Chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, là cơ quan đã thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên ở Việt Nam, văn phòng giới sử dụng lao động đầu tiên, chương trình khởi nghiệp quốc gia đầu tiên, văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững đầu tiên… Điều này cho thấy, VCCI gắn với hai chữ “tiên phong" .
Động lực cải cách từ đổi mới, sáng tạo
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ VCCI, bên cạnh công tác xây dựng Đảng, việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, tăng cường sự liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển sẽ luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.
Cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế đang ở trong một giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua, trước tác động của đại dịch COVID-19 và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Cải cách thể chế cũng bước vào một giai đoạn gian nan hơn khi những công việc tương đối dễ dàng thì chúng ta đã thực hiện, bây giờ là lúc muốn tạo sự đột phá, phải đụng đến những vấn đề cốt lõi khó khăn hơn và cần quyết tâm chính trị cao hơn. Động lực cải cách cũng cần phải đến nhiều hơn từ những nỗ lực đổi mới, sáng tạo để Việt Nam không chỉ vượt lên chính mình mà còn phải bắt kịp các xu thế toàn cầu.
Sự nghiệp phát triển doanh nghiệp đang bước vào một giai đoạn mà ở đó chúng ta không chỉ quan tâm đến số lượng mà phải chú trọng nhiều hơn đến chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Công cuộc thu hút FDI và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ phải hướng tới những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn mà còn phải đề cao trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường... không thể chỉ dừng lại ở các công đoạn “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” kiểu lắp ráp, gia công, ăn vào tài nguyên, xâm hại đến môi trường.
Trong nhiệm kỳ tới chúng ta cần phải đạt được mục tiêu kép: không chỉ có được 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025, mà còn phải nâng cấp được 5,2 triệu hộ kinh doanh mà thực chất là các doanh nghiệp siêu nhỏ - các doanh nghiệp gia đình - nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào ta -nơi sản sinh hơn 30% GDP của nền kinh tế. Đó là mục tiêu hướng tới của VCCI trên con đường đồng hành cùng doanh nghiệp và cũng là nội dung chủ yếu trong đề tài nghiên cứu khoa học chính trị cấp nhà nước mà VCCI đề xuất với Hội đồng Lý luận Trung ương. Những chủ trương và mục tiêu như vậy VCCI đề nghị xác định rõ trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.