VCCI góp ý xây dựng Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh
Theo VCCI, đây sẽ là công cụ hữu ích để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, các tỉnh theo sát các yêu cầu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy về tổng thể, bản Dự thảo Bộ chỉ số đã bao quát nhiều nội dung đánh giá về chuyển đổi số đối với các bộ và các tỉnh và có thể giúp nhận diện thực trạng chuyển đổi số tại các bộ và các tỉnh.
Đây sẽ là công cụ hữu ích để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, các tỉnh theo sát các yêu cầu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo và nâng cao tính khả thi sau này khi áp dụng, VCCI có một số góp ý ban đầu như sau:
Thứ nhất, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung và xác định rõ mục tiêu của Bộ chỉ số. Bản dự thảo Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh (kèm theo Quyết định… của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) trong mục giới thiệu chung có nêu Bộ chỉ số “tập trung đánh giá thực chất, khách quan kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm tại các bộ, các tỉnh” và “bộ chỉ số này mang tính phổ quát nhất đánh giá về chính phủ số/chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”. Tuy nhiên, những nội dung nêu trên chưa thể hiện rõ mục tiêu của Bộ chỉ số.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg cũng chỉ nêu: “Nghiên cứu quốc tế, xây dựng và thường xuyên cập nhật, bổ sung bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số bao gồm các chỉ số đánh giá về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương trên cơ sở kế thừa, phát triển từ bộ chỉ số đo lường Chính phủ điện tử”.
Để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai sau này, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một mục riêng về mục tiêu của Bộ chỉ số, bao gồm cả mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Mục tiêu chung của Bộ chỉ số có thể là: “Thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi số tại các bộ, các tỉnh”. Các mục tiêu cụ thể có thể bao gồm: Đánh giá được hiện trạng thực hiện chuyển đổi số hàng năm tại các bộ, các tỉnh; Chỉ rõ các điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục và cung cấp thông tin hỗ trợ cho các bộ, các tỉnh lựa chọn các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ đã đặt ra tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg; Xác định được các thực tiễn tốt trong quá trình chuyển đổi số ở cấp bộ, cấp tỉnh, để từ đó nhân rộng ra trên cả nước; Góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của các bộ, các tỉnh; tăng cường sự công khai minh bạch; giảm bớt thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính…
Thứ hai, ngoài các nội dung đã nêu tại mục 2 Yêu cầu của Bộ chỉ số, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm yêu cầu về tính thực tiễn, khả thi và dễ hành động.
Kinh nghiệm của VCCI trong quá trình 15 năm tiến hành nghiên cứu và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, để tạo được tác động trên thực tế, bộ chỉ số cần được thiết kế sát với thực tiễn tại Việt Nam, liên quan trực tiếp tới thẩm quyền của các cơ quan trong diện được đánh giá và rõ về trách nhiệm của các cơ quan này. Bộ chỉ số cần đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, cả về nguồn lực và thời gian triển khai. Mỗi chỉ tiêu trong Bộ chỉ số cần đảm bảo tính cụ thể và dễ hành động, theo đó các cơ quan liên quan có thể căn cứ vào kết quả đánh giá từ Bộ chỉ số là có thể dễ dàng nhận biết rõ hiện trạng chuyển đổi số của đơn vị mình hiện đang như thế nào, có khoảng trống/điểm yếu gì… để từ đó lựa chọn giải pháp khắc phục phù hợp. Ngoài ra, các chỉ tiêu trong Bộ chỉ số cần đảm bảo yêu cầu về tính sẵn có và đẩy đủ đối với các cơ quan trong diện đánh giá. Nếu không đảm bảo yêu cầu này, Bộ chỉ số sẽ khó khả thi trên thực tế.
Thứ ba, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung mục riêng về kế hoạch triển khai Bộ chỉ số. Dự thảo tài liệu Bộ Chỉ số trong các mục 4, 5 và 6 đã nêu một số hoạt động chuẩn bị triển khai, tập huấn, cung cấp và thu thập thông tin, tiến hành đánh giá và công bố kết quả, song phần lớn liên quan tới các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông. Do Bộ chỉ số này liên quan tới các bộ, các tỉnh và để đảm bảo sự phối hợp triển khai hiệu quả trên thực tế, việc xác định rõ kế hoạch thực hiện theo từng bước với các bên có liên quan là điều rất cần thiết.
Thứ tư, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung phương thức và nội dung công khai kết quả đánh giá. Dự thảo tài liệu Bộ Chỉ số tại mục 5.2 đã mới nêu “Thời gian công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh là Quý I hàng năm”, mà chưa nêu rõ phương thức và nội dung công khai. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm về việc công khai kết quả đánh giá trên website của Bộ Thông tin truyền thông, cùng dữ liệu đánh giá của tất cả các bộ, và địa phương trong diện đánh giá. Việc công khai đầy đủ như vậy có thể đảm bảo việc “đánh giá thực chất, khách quan” đã nêu ở phần Giới thiệu Bộ chỉ số, đồng thời có thể giúp tăng cường tác động của Bộ chỉ số sau khi công bố. Các bộ, ngành và địa phương có thể chủ động tiếp cận dữ liệu đánh giá, để tự tiến hành các phân tích, đánh giá và lựa chọn giải pháp cải thiện của mình.
Thứ 5, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát và lựa chọn các chỉ tiêu xây dựng Bộ chỉ số hướng tới kết quả và tác động thay vì tập trung vào “đầu ra” của việc thực hiện chuyển đổi số của các Bộ, các tỉnh. Rà soát sơ bộ cho thấy, phần lớn các chỉ tiêu được sử dụng trong Bộ chỉ số mới tập trung vào các chỉ tiêu “đầu ra”: ví dụ như các chỉ tiêu về số cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền, tập huấn, số tài liệu hướng dẫn, chức vụ của Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số, có kế hoạch/chương trình/đề án hay không; hoặc tỷ lệ có mạng LAN, mạng WAN.
Rà soát sơ bộ cho thấy, có khoảng trên 150 chỉ tiêu dạng này trong trong số hơn 200 chỉ tiêu của Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ. Trong số hơn 360 chỉ tiêu của Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, có đến khoảng 300 chỉ tiêu thiên về đầu ra tương tự. Trong khi đó, số lượng các chỉ tiêu liên quan tới tác động của việc thực hiện chuyển đổi số, như hướng tới doanh nghiệp hoặc người dân, dường như rất khiêm tốn trong Bộ chỉ số này, cả ở cấp bộ và cấp tỉnh.
Thứ sáu, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc rà soát lại các chỉ tiêu thu thập từ doanh nghiệp, người dân nhằm đảm bảo tính khả thi của Bộ chỉ số.
Khá nhiều chỉ tiêu tương đối khó để thu thập thông tin qua khảo sát bởi cần tiến hành điều tra hàng trăm nghìn doanh nghiệp, người dân mới có thể thu thập được thông tin chi tiết cho từng bộ, địa phương. Ví dụ như tỷ lệ doanh nghiệp trong từng ngành cập nhật thông tin lên website, tỷ lệ website của doanh nghiệp trong từng ngành có phiên bản di động, tỷ lệ doanh nghiệp trong từng ngành có website hỗ trợ kinh doanh trên nền tảng di động, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành cho phép thanh toán bằng thẻ, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành cho phép thanh toán qua ví điện tử, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng, dịch vụ ERP phục vụ quản trị, điều hành doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành sử dụng các phần mềm nền tảng để quản lý dữ liệu nội bộ, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành có sử dụng nền tảng dữ liệu lớn, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành có sử dụng trí tuệ nhân tạo AI…; tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội, tỷ lệ người sử dụng internet để giao dịch ngân hàng, tỷ lệ người sử dụng internet để mua sắm trực tuyến, tỷ lệ người dân cài đặt các ứng dụng y tế, kiểm soát bệnh tật…
Thứ bảy, đề nghị Cơ quan soạn thảo thống nhất tần suất cập nhật số liệu trong Bộ chỉ số. Bộ chỉ số, như đã nêu trong phần giới thiệu, sẽ được sử dụng để “đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm tại các bộ, các tỉnh”. Mặc dù có khoảng 74% chỉ tiêu có tần suất cập nhật hàng năm với cả Bộ chỉ số cấp bộ và cấp tỉnh, thì vẫn còn 26% còn lại được yêu cầu cập nhật hàng tháng, quý hoặc 6 tháng. Ngoại trừ những chỉ tiêu thống kê bắt buộc của ngành, thì tần suất cập nhật thông tin của những chỉ tiêu còn lại có thể làm gia tăng gánh nặng báo cáo của các cơ quan trong diện được đánh giá.
Thứ tám, về việc xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số PCI do VCCI tiến hành nghiên cứu, công bố dựa trên điều tra doanh nghiệp thường niên tại toàn bộ 63, tỉnh thành phố với trên 10.000 doanh nghiệp phản hồi mỗi năm. VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai hoạt động này. Đề nghị Quý Bộ sớm tiến hành hoạt động chuẩn bị và bố trí nguồn lực triển khai kịp thời.
Có thể bạn quan tâm