GS Hoàng Chí Bảo: “Bác Hồ luôn khẳng định giới Công Thương là hạt nhân quan trọng của sự phát triển”
GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến giới Công Thương và coi đây là hạt nhân trung tâm của sự phát triển.
Hôm nay (9/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nhân 2020: “Doanh nhân Việt Nam: Đảng với doanh nhân”.
Tại buổi lễ hôm nay, GS Hoàng Chí Bảo kể lại những câu chuyện giản dị mà sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cao một cách xứng đáng vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ông Bảo kể, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tầng lớp doanh nhân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Theo đó, ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Bác Hồ đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp, động viên họ tham gia tổ chức Công thương cứu quốc đoàn.
“Bức thư chưa đầy 200 chữ, nhưng có thể coi là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân, chứa đựng tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm, lời hiệu triệu thi đua ái quốc của Người dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, ông Bảo nhấn mạnh.
Trong bức thư Bác gọi giới công thương là “các Ngài”. Bác đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: “Cùng các Ngài trong giới công thương”.
Theo ông Bảo, bức thư đã nhấn mạnh về vai trò, nhiệm vụ của giới doanh nhân trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”, “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau".
Trong Tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội là tầng lớp xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong bức thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”, “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Chương trình Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới doanh nhân; Diễn đàn doanh nhân 2020 “Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình” với chủ đề “Đảng với doanh nhân”.
Từ những dẫn chứng trên, ông Bảo nhấn mạnh: Đây chính là điểm đột phá lý luận ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra vận hội tối đa cho doanh nhân, kinh tế tư nhân làm giàu trong khuôn khổ pháp luật.
Vượt lên trên những định kiến giai cấp đương thời, ngay sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, Bác đã xác định: “Cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông, tài chính… Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính, giao thông để tích cực tham gia sản xuất, lưu thông buôn bán”.
Người đã nhiều lần chỉ rõ: Chính phủ không chủ trương xóa bỏ, tước đoạt toàn bộ kinh tế tư nhân mà vẫn sử dụng nó như một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế. Bác không lo sợ dân chúng làm giàu, không sợ sự lớn mạnh, bành trướng của các loại hình kinh tế tư nhân trong điều kiện chính quyền đã thật sự thuộc về tay nhân dân và vì lợi ích của đại đa số người lao động.
Theo ông bảo trong các bài nói, bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn các doanh nhân phải: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ...
Trong tác phẩm Thường thức Chính trị năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những thành phần kinh tế có kinh tế tư bản tư nhân với những vấn đề rất thực tế và cơ bản như “chủ thợ đều có lợi, công tư đều có lợi”. Đây là những nguyên tắc tiến bộ còn nguyên giá trị đối với doanh nhân đến tận ngày hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những tiền đề cơ bản cho chính sách đổi mới của Đại hội VI của Đảng ta.
Người yêu cầu doanh nhân đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp; sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu.
Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước; nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất...
Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất, ngày 31/5/1956, Bác Hồ căn dặn cán bộ ngành Thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho Nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ Nhân dân…”.
Có thể nói, doanh nhân là lực lượng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Cơ cấu xã hội mới ở Việt Nam có thêm đội ngũ hàng triệu doanh nhân với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Họ là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội, trong đó có liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng và nhà nông).
Trung tuần tháng 6 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã gặp mặt đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu. Tại đây, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình và tham gia chống tham nhũng, tiêu cực…
Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần và đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển, trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển đất nước, như Nghị quyết 10 của Trung ương. Hiện kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng, trong đó doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ.
Phải khẳng định rằng, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về doanh nhân đến nay vẫn nguyên giá trị. Đánh giá đúng vai trò, vị trí của tầng lớp doanh nhân sẽ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Ngoài ra, ông Bảo cũng nhấn mạnh những chỉ dẫn cụ thể đó của Bác vẫn đang có ý nghĩa thời sự đối việc cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bác như đang cùng chúng ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, đại hội lần thứ sáu của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi các doanh nghiệp tư nhân là những thực thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt luật doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực từ năm 2000 đã tạo khuôn khổ pháp lí bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Vị trí vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân đã thay đổi. Những kì thị phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp dân doanh cũng được khắc phục. Năm 2004, Đảng và nhà nước quyết định chọn ngày 13/10 làm ngày doanh nhân Việt Nam. Đó là những cột mốc quan trọng trên con đường đổi mới thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân.
Cuối cùng, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: "Cuộc đời của Bác vô cùng gian lao, sóng gió. Người ta gọi Bác là người chiến sĩ vô sản hóa đầu tiên trong lịch sử Đảng ta là như vậy. Từ khi bắt tay nghiên cứu về Bác, nói về Bác tôi đã dặn lòng phải làm sao đạt được hai chuẩn mực. Một là thấu hiểu, hai là thấu cảm. Tức là ngoài hiểu về mặt lý trí, phải hòa vào trong tình yêu, tình thương, nỗi lòng tâm trạng của Bác. Đừng bao giờ nghĩ Bác là thần thánh, bởi Bác vĩ đại, nhưng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, có niềm vui, có nỗi khổ như chúng ta".
Có thể bạn quan tâm
ĐẢNG VỚI DOANH NHÂN
15:00, 09/10/2020
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Doanh nhân 2020: Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình - Đảng với Doanh nhân
14:00, 09/10/2020
ĐIỂM BÁO NGÀY 09/10: Đảng với Doanh nhân
13:45, 09/10/2020