4 chữ vàng của doanh nghiệp thế kỷ 21: PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

PHAN NAM 26/10/2020 03:36

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD cho rằng: Bốn chữ vàng cô đọng dành cho doanh nghiệp trong thế kỷ 21 là “phát triển bền vững”. 

- Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã đi tiên phong trong việc góp phần lan toả mạnh mẽ các giá trị phát triển bền vững (PTBV) ra toàn xã hội. Xin ông cho biết những hoạt động trọng tâm của VBCSD trong 10 năm vừa qua?

Thời gian 10 năm để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp PTBV là một hành trình chưa dài, nhưng đã đạt được những kết quả ban đầu. Phía trước vẫn còn rất nhiều việc cần VBCSD-VCCI tiếp tục phấn đấu. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, chúng tôi luôn hướng đến các hoạt động cốt lõi. VBCSD-VCCI chủ động phối hợp với các Bộ, ngành truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác trong các dự án theo định hướng PTBV. Thông qua những hoạt động của mình, VBCSD-VCCI đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp một cách chặt chẽ và hiệu quả. VBCSD giúp đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến Chính phủ, kiến nghị nhiều chính sách phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện PTBV của doanh nghiệp.

VBCSD kêu gọi doanh nghiệp chung tay với Chính phủ để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (V-SDG) một cách hiệu quả hơn. 

Cùng với tuyên truyền là các hoạt động đào tạo, tập huấn và chia sẻ những thông lệ tốt về PTBV giữa các công ty Việt Nam với nhau và công ty Việt Nam với các công ty đa quốc gia. Đồng thời, VBCSD đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PTBV với các đối tác trong khu vực và thế giới như: Hội đồng vì sự phát triển doanh nghiệp của thế giới, Diễn đàn kinh tế thế giới, Liên hợp quốc… để có các chương trình hành động cụ thể về xử lý rác thải nhựa, biến đổi khí hậu…

Cần nói thêm rằng các hoạt động trọng tâm của VBCSD-VCCI luôn bám sát định hướng của Chính phủ được nêu ra trong Kế hoạch hành động quốc gia nói trên, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chỉ thị và Nghị quyết về PTBV, hay Quyết định 1362 về PTBV doanh nghiệp khu vực tư nhân. Đây cũng là những chính sách quan trọng có sự kiến nghị từ phía VBCSD-VCCI lên Chính phủ.

- Những nỗ lực liên tục, bền bỉ và sáng tạo của VBCSD đã tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, thưa ông?

Tác động đầu tiên cần kể đến chính là sự thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về PTBV. Từ rất ít doanh nghiệp hiểu về PTBV, sau 10 năm “làn sóng” PTBV đã lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp. Là những doanh nghiệp lớn, có khả năng “định hình cuộc chơi”, các hội viên VBCSD đã góp phần không nhỏ để nhân rộng làn sóng này đến chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị rộng lớn của mình, từ đó đưa PTBV thành sân chơi chung cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Không chỉ tác động đến nhận thức, VBCSD-VCCI còn hướng cộng đồng doanh nghiệp đến thực thi PTBV toàn diện. Thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn chính là đòn bẩy, giúp tối ưu hóa những nỗ lực của VBCSD.

VBCSD đã cụ thể hóa định hướng này thông qua Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam từ năm 2016 và Sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam từ năm 2018, nhanh chóng đưa kinh tế tuần hoàn đến với doanh nghiệp nước nhà.

- Theo ông, đâu là điểm yếu cốt tử của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên lộ trình hướng tới PTBV?

Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PTBV vẫn chưa đầy đủ. PTBV là một lộ trình, đòi hỏi sự bền bỉ và ý chí quyết tâm vô cùng lớn từ ban lãnh đạo doanh nghiệp cho đến từng thành viên. Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nơi hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì những thách thức nằm ở yếu tố: nguồn lực và hành lang pháp lý.

Từ phía nội bộ doanh nghiệp, thiếu nguồn vốn tài chính, thiếu nguồn lực nhân sự, khả năng bắt kịp và áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo còn rất yếu. Bên cạnh đó, môi trường chính sách của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi và triển khai mô hình kinh doanh mới theo định hướng PTBV.

- Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về PTBV, trong đó giao cho VCCI triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xin ông cho biết chương trình hành động của VBCSD trong thời gian tới?

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết về PTBV, làm tiền đề vững chắc hơn cho hoạt động thúc đẩy PTBV trong thời gian tới của các Bộ, ngành và VCCI.

Về phía VBCSD, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các hội viên và đối tác triển khai mạnh mẽ hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo về PTBV cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc.

VBCSD sẽ tập trung vào các hoạt động đối thoại về PTBV như Diễn đàn Doanh nghiệp PTBV Việt Nam (VCSF); Hội nghị toàn quốc về PTBV, các dự án và sáng kiến thúc đẩy mô hình kinh doanh PTBV, đặc biệt là các sáng kiến trên phương thức hợp tác công- tư, cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang xây dựng Đề án Nhân rộng Bộ chỉ số CSI để trình lên Chính phủ phê duyệt. Chắc chắn sắp tới đây, CSI sẽ được hoàn thiện hơn nữa, với những phiên bản khác nhau phù hợp với các loại hình doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, siêu nhỏ, từ đó giúp doanh nghiệp Việt tiệm cận hơn với Bộ chỉ số và thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông!

PHAN NAM