ASEAN BIS 2020: Triển vọng kinh tế ASEAN

NHÓM PHÓNG VIÊN 13/11/2020 09:17

Triển vọng các nền kinh tế ASEAN thế nào? Cuộc khủng hoảng có đưa khu vực xích lại gần nhau hơn không? Khu vực công và tư cần làm gì khác nữa để đảm bảo một tương lai tự cường, bền vững và bao trùm?

Toàn cảnh phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN

Toàn cảnh phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN.

Người dân và các nền kinh tế ASEAN đã và đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bới tác động của đại dịch Covid 19. Đại dịch đã phá vỡ nền kinh tế toàn cầu, làm tê liệt sản xuất và đẩy việc kinh doanh đến bờ vực với nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.

Đại dịch đã khiến chúng ta phải dừng lại và suy nghĩ lại về các mô hình kinh doanh, các quan hệ xã hội cũng như xem xét lại định hướng tương lai việc làm. Khu vực kinh doanh với sự năng động, sáng tạo, đổi mới và sự say mê của mình sẽ là động lực chính trong việc xác định các biện pháp và các bước đi để phục hồi kinh tế và đảm bảo khả năng tự cường ở tất cả các nền kinh tế của chúng ta.

ASEAN đã và đang phải đối mặt với những biến động và sự bất ổn kinh tế chưa từng có. COVID -19 đã phá hủy cuộc sống hàng ngày và thách thức thế giowis theo những cách chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên khu vực phải đối mặt với khủng hoảng và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Về lâu dài, tương lại cua ASEAN vẫn tốt đẹp và tăng trưởng sẽ quay trở lại sau khi tình hình ổn định được khôi phục. Tuy nhiên, để ASEAN trở lại đúng hướng chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Triển vọng của các nền kinh tế ASEAN như thế nào? Cuộc khủng hoảng có đưa khu vực xích lại gần nhau hơn không? Điều gì đã thay đổi? Khu vực công và tư cần làm gì khác nữa để đảm bảo một tương lai tự cường, bền vững và bao trùm? 

5 LĨNH VỰC ƯU TIÊN TRONG CHÍNH SÁCH CỦA OECD

Trong phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN, ông Anger Gurria - Tổng Thư ký OECD cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với cuộc suy thoái nặng nề nhất từ sau thế chiến toàn cầu và OECD dự báo GDP toàn cầu có sự sụt giảm 4,5% trong năm 2020. Những áp lực ngày càng tăng với nền kinh tế ASEAN phải gánh chịu, và dự báo sẽ suy giảm 4,23% trong năm 2020.

Ông Anger Gurria - Tổng Thư ký OECD

Ông Anger Gurria - Tổng Thư ký OECD

Ông cho biết OECD đang làm nhiều việc chặt chẽ với ASEAN để giảm thiểu cuộc khủng hoảng này bằng việc có các cuộc hội thảo, các cuộc làm việc trực tuyến về logistics, chuỗi cung ứng… thực hiện các dự án chủ chốt và cơ sở hạ tầng bền vững, đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực để tăng cường hội nhập khu vực Nam Á. OECD đã có 160 công trình tóm tắt chính sách để giúp cho các nhà hoạch định chính sác ASEAN và trên toàn cầu để xử lý những thách thức vừa là phức tạp vừa liên quan đến nhau trong đại dịch này.

Có 5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách của OECD. Đây sẽ là những mấu chốt để chúng ta có thể đạt được tính mạnh mẽ, tính chống chịu bền bỉ và tính xanh và bao trùm.

Trước hết, chúng tôi có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa – đây là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19. OECD giới thiệu  những công cụ tài chính như cho thuê, công cụ chuỗi khối,… đưa ra những khuyến nghị giúp cho doanh nghiệp SME.

Thứ hai, là cải thiện môi trường đầu tư trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, những bản rà soát chính sách đầu tư sẽ giúp được điều chỉnh để thu hút đầu tư. Những vấn đề về thu hút đầu tư nước ngoài, hậu cải cách để thức đẩy sự gia tăng này ở các quốc gia.

Thư ba, những vấn đề hành vi kinh doanh có trách nhiệm, liêm chính trong kinh doanh – những điều OECD giúp cho hj để tạo những chuẩn mục

Thứ tư là giảm thiểu những méo mó của thị trường. OECD đã tạo nên một sân chơi bình đẳng hơn như trong tiếp cận hậu cần logistics.

Cuối cùng là chuyển đổi số. tiếp cận các công cụ số, giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất nhỏ để có chuỗi cung ứng mang tính bao trùm cao. Tạo nên bộ công cụ số hóa để tạo nên sự kết nối về chính sách

Chúng ta vật lộn với COVID-19 nên khó có thể quên tác động ảnh hưởng của nó là trên phạm vi toàn cầu và OECD sẽ cùng chung tay để tạo nên sự tạo dựng phục hồi tốt đẹp hơn.  

TĂNG CƯỜNG SỰ CẠNH TRANH TRONG ASEAN

Tiến sĩ Aladdin D. Rillo - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN cho biết, sau 9 tháng bùng phát COVID-19, khu vực ASEAN đã và đang phải đối mặt với nhiều điều bất chắc. Mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp kể từ khi bùng phát đại dịch, song chúng ta vẫn cần phải xử lý nhiều vấn đề để có thể vượt qua đại dịch. Rủi ro do COVID-19 mang đến rất cao, chúng ta không biết đến khi nào đại dịch mới chấm dứt hoàn toàn.

Triển vọng trong khu vực ASEAN vẫn còn bất trắc, tác động do dịch bệnh COVID-19 còn dai dẳng. Thực tế đã có nhiều tác động tiêu cực có hại có ASEAN. Trong nửa đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng GDP ở một số nền kinh tế ASEAN đã bị giảm, thậm chí giảm mạnh, tăng trưởng âm. Để khắc phục, chúng ta đã nỗ lực từng ngày và từng bước khôi khục kinh tế, giảm thiểu tác động của COVID-19.

Hôm qua (12/11) tại Hội nghị toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN, các lãnh đạo cấp cao đã nhất trí vượt qua đại dịch COVID-19 bằng một số các biện pháp như: Hoan nghênh việc phát triển và thành lập một quỹ ứng phó COVID-19; Hỗ trợ trong vấn đề thiết bị và y tế; Xây dựng một khung về ứng phó những vấn đề liên quan đến sức khỏe công chúng.

Cũng trong ngày hôm qua (12/11), các vị lãnh đạo đã thông qua khung khổ về hành lang trong khu vực của ASEAN để thúc đẩy, hồi phục và kích thích các hoạt động kinh tế. Trên cơ sở đó, tôi nghĩ ASEAN cần có những ưu tiên quan trọng để vượt qua đại dịch này:

Thứ nhất, phải tập trung vào vấn đề hợp tác trong khu vực. Phải chuyển từ biện pháp ngăn ngừa sang phục hồi và phải có những hành động quyết đoán đối với đại dịch. Bên cạnh đó, phải đảm bảo ưu tiên sao cho nguồn ngân quỹ xử lý đại dịch phải có được đầy đủ.

Thứ hai, phải mở cửa được nền kinh tế để đảm bảo những ngành quan trọng nhất sẽ khôi phục lại được, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế như ngành hàng không...

Thứ ba, phải tiếp tục có những hoạt động mạnh mẽ trong khu vực hơn nữa. Đại dịch COVID-19 đã làm đứt đoạn, giảm đi năng suất và sự phát triển của chúng ta. Do đó, chúng ta phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ về nguồn vốn, con người, đẩy mạnh số hóa... để bù đắp lại những mất mát do COVID-19 đem lại.

Cuối cùng, để đạt được sự chống chịu bền bỉ bền vững thì chúng ta cần phải xử lý vấn đề này một cách lâu dài. Để xử lý vấn đề một ách bền vững, tôi nghĩ cần tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực để có thể tăng trưởng mạnh hơn.

TÌM CƠ HỘI TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19

Tại hội thảo, GS Hidetoshi Nishimura – Chủ tịch, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) khẳng định, ông ấn tượng về khả năng phòng, chống dịch COVID của ASEAN cũng như của Việt Nam. “Khi đại dịch xảy ra, các nước ASEAN đã đưa ra nhiều phân tích về mặt chính sách. Các chính sách này không chỉ để cộng đồng ASEAN có thể phòng, chống và vượt qua đại dịch mà còn thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nước Asean với một cơ chế mới” - GS Nishimura nhấn mạnh.

GS Hidetoshi Nishimura – Chủ tịch, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA)

GS Hidetoshi Nishimura – Chủ tịch, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).

Ông cũng cho biết, bên cạnh những thách thức, đại dịch COVID cũng mang lại cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN những cơ hội nhất định. Theo đó, cơ hội đầu tiên đó chính là cơ hội để các nước bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số. Thứ hai, theo giáo sư Nishimura chính là cơ hội để có thể dịch vụ hóa các hoạt động cơ sở hạ tầng. Thứ ba, là cơ hội để tiếp tục chú trọng hơn nữa về quyền con người, hướng về con người nhiều hơn.

“Đại dịch là cơ hội để chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe của con người bằng cách chú trọng nhiều hơn tới sức khỏe người dân, chú trọng nhiều hơn tới hệ thống y tế, giáo dục”, giáo sư Nishimuara nhấn mạnh.

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG KHU VỰC ASEAN

Ông Robert E Moritz, Chủ tịch Pricewaterhouse Cooper International Limited cho biết, ASEAN là khu vực năng động với tốc độ tăng trưởng 5% trong nhiều năm qua, đây là con số đáng ngạc nhiên so với các khu vực khác trên thế giới. Các nhà kinh tế học, các nhà lãnh đạo toàn cầu đều ngạc nhiên về điều này.

Đặc biệt, các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) đã khống chế dịch bệnh vô cùng hiệu quả. 

Ông Robert E Moritz, Chủ tịch Pricewaterhouse Cooper International Limited

Ông Robert E Moritz, Chủ tịch Pricewaterhouse Cooper International Limited. 

Như chúng ta đã biết, nền kinh tế của ASEAN đã dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để vượt qua dịch bệnh sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết để vừa khống chế dịch bệnh và vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.

Về việc khống chế dịch bệnh tại Châu Á, các thành viên khối ASEAN đã thu được kết quả tỷ lệ tử vong, lây nhiễm rất thấp so với thế giới, các nước trong khu vực ASEAN đang có cơ hội vượt qua dịch bệnh, đây là cơ hội các nước giành được cả mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Việt Nam đã thực hiện cách làm rất quyết đoán, từ sớm, cách làm nhất quán, rõ ràng trong phòng chống dịch bệnh.

ASEAN cần tập trung 3 điều:

Thứ nhất, thương mại và đầu tư: Mặc dù có sự sụt giảm về nền kinh tế các nước Asean vẫn mang lại triển vọng đầu tư sáng lạng, khi chúng ta có thu nhập trung bình tăng, tỷ lệ tốt nghiệp ĐH tăng, kim ngạch thương mại với Trung Quốc đạt 150 tỷ USD. IMF tiếp tục đưa ra các dự báo tăng trưởng rất mạnh mẽ so với các khu vực khác và nước khác trên thế giới.

Thứ hai, cơ hội có được có được quốc gia khác bên ngoài khu vực giúp đa dạng hóa chuỗi giá trị cho ASEAN.

Thứ ba, sự dịch chuyển thương mại của ASEAN, cân đối rủi ro, cán cân thương mại, cán cân tiền tệ có thể đạt được mức độ cạnh tranh.

Chúng ta không chỉ đẩy nhanh vào việc chuyển đổi số trong khu vực để đảm bảo phát triển bền vững cũng như mục tiêu tăng trưởng thiên niên kỷ. Đây là quá trình tăng trưởng nhanh.

Chúng ta có thể đạt được 400 triệu người sử dụng internet trong khu vực, và đây là cơ hội mang lại việc làm, đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, nhà cung cấp, nhà đầu tư, doanh nghiệp, liên chính phủ chính phủ.

Công nghệ có vai trò tiên phong không chỉ trong khu vực ASEAN trong quá trình tăng trưởng mà sẽ còn mang lại sự tăng trưởng bền vững.

Hiện chúng ta cần có một cơ sở hạ tầng đúng, có sự kết nối, cung cấp công cụ, kỹ năng, tiếp cận dữ liệu, để đổi mới sáng tạo, mở rộng những hoạt động sáng tạo của họ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thích ứng được với những kỹ năng này để có thể sử dụng khắp nơi trong khu vực. Kỹ năng không chỉ dừng lại ở công nghệ mà còn là kỹ năng cần có thích ứng, dẫn dắt trong thế giới số. Củng cố kỹ năng và học kỹ năng mới mà thị trường cần có là sự học hỏi liên tục không ngừng nghỉ.

Chính phủ, doanh nghiệp, lãnh đạo cộng đồng cần ngồi lại với nhau, cấp bách đưa ra điều kiện đúng đắn cho doanh nghiệp phát triển mang lại lợi ích cho người dân, để ASEAN đạt được vị trí mong muốn trong thời gian tới.

ĐƯA SÁNG KIẾN “ONE ASEAN” PHÁT TRIỂN

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, thành viên ASEAN BAC Việt Nam chia sẻ, trong tác động của COVID-19 với tầm nhìn ASEAN cần có các chính sách phát triển chung, bền vững, đoàn kết, tiến tới tầm nhìn ASEAN trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.  

b

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, thành viên ASEAN BAC Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nga chia sẻ những đề xuất để các quốc gia ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đưa sáng kiến “one ASEAN” phát triển, bà Nga khẳng định rất cần sự quan tâm, kết nối từ các nước đối tác. 

“Để đón sự dịch chuyển của các nhà máy lớn sang các nước ASEAN cần thiếp lập gói ưu đãi liên khối cho các nhà đầu tư”, bà Nga đề xuất. Đồng thời mong muốn không có sự cạnh tranh trong khối ASEAN. Điều này sẽ làm cho khối ASEAN thống nhất, gia tăng tính cạnh tranh với các khối khác. Cộng với thế mạnh từ các nhà đầu tư và ưu đãi liên khối ASEAN sẽ thu hút các nhà đầu tư. 

Cùng với đó, Chủ tịch BRG đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng, linh hoạt cho toàn khối ASEAN. Điều này cần các doanh nghiệp trong khối liên kết chặt chẽ, chính công dân trong khu vực vừa là lao động vừa là khách hàng. 

“Các doanh nghiệp quốc gia ASEAN cần hỗ trợ nhau nhiều hơn cùng phát triển, dựa vào từng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, nhanh chóng phát triển, ví dụ doanh nghiệp logistics sẽ liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất”, bà Nga chia sẻ. 

Từ câu chuyện của BRG, bà Nga cho biết, doanh nghiệp cần nhìn nhận trong nguy có cơ, trong khó khăn có nhiều cơ hội mà doanh nghiệp pải từ mình vươn lên.

Theo đó, COVID-19 cũng là khủng hoảng nhưng cũng mang cơ hội cho doanh nghiệp vững bước phát triển. “Do đó, doanh nghiệp phải luôn nắm bắt cơ hội. Chúng tôi cũng nhìn lại bộ máy của mình để tinh gọn, hiệu quả nhất”, bà Nga chia sẻ. 

KỊCH BẢN PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA CÁC NƯỚC ASEAN

Bà Lin Xueling – Giám đốc sản xuất Channel NewsAsia đặt câu hỏi dịch bệnh đã có tác động nhiều tới các nền kinh tế ASEAN và mỗi nước có sự phục hồi kinh tế khác nhau. Vậy, kịch bản phát triển kinh tế của các nước ASEAN sẽ ra sao? Sẽ phục hồi cùng nhau theo hình chữ V hay sẽ là sự phục hồi trong sự đa dạng của các nước?

Trao đổi về nội dung này, TS. Aladdin D. Rillo cho biết các nước chịu tác động khác nhau và nên khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ khác nhau. Các chính sách của ASEAN đưa ra là làm thế nào để các nước trong khu vực được ngồi lại với nhau để tạo ra nền tảng hợp tác và xác định đâu là nền tảng hợp tác quan trọng  nhất cần phải tập trung vào như an ninh và con người.

Dịch bệnh khiến các thành viên cần sự kết nối với nhau, hài hòa, áp dụng kỹ thuật số vào ASEAN. Ông cho rằng vấn đề phát triển bền vững, cần nền tảng chung, đi cùng một hướng, sự hợp tác là rất quan trọng, hướng về một mục tiêu chung.

Trả lời câu hỏi, bên cạnh những cơ hội, đại dịch đặt các nước ASEAN cũng như Việt Nam giáo sư Nishimura đã nhấn mạnh tới hai thách thức cơ bản: Thứ nhất là thách thức trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên ít nhiều các doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi. Hơn nữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão nên doanh nghiệp nhỏ và vừa đôi khi không kịp bắt nhịp với những cơ hội đó”, giáo sư Nishimura nhấn mạnh.

Thách thức thứ hai, theo ông giáo sư Nishimura chính là các yếu tố liên quan đến yếu tố con người, bởi trong đại dịch thì sẽ có rất nhiều người dân cần được chăm sóc.

“Số người nhiễm COVID không ngừng tăng cao sẽ đẩy gánh nặng nên hệ thống y tế, khiến hệ thông y tế trở nên quá tải”, giáo sư Nishimura nói.

Trả lời câu hỏi của bà Lin Xueling – Giám đốc sản xuất Channel NewsAsia về dòng chảy FDI có tiềm năng lớn ở khu vực ASEAN nhưng có ý kiến cho rằng đang có sự mất cân bằng ở một số khu vực của các quốc gia. Làm thế nào để dòng chảy FDI này có thể mang tính bao trùm ở các quốc gia, và các khu vực trong cùng một quốc gia?

Ông Robert E Moritz, Chủ tịch Pricewaterhouse Cooper International Limited cho rằng, thách thức mà thế giới đang gặp phải là mất đối xứng, thiếu cơ hội mang tính bao trùm, ngăn cách giàu nghèo. Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư mang lại tốt đẹp cho người dân và cho họ thấy sự thay đổi - thứ mà dòng dòng chảy FDI mang lại ở nhiều khu vực khác nhau từ đô thị đến nông thôn.

Theo ông, chúng ta cần xem lại các thước đo khác ví dụ như xem xét lại kỹ năng của người dân, để có quá trình đào tạo phù hợp. Có cung sẽ có cầu, nguồn cung là việc làm, là cơ hội kinh doanh từ FDI không nhỏ đặc biệt là làm sao để kỹ năng người lao động phù hợp quá trình đổi mới sáng tạo, từ đó tạo cho cả quốc gia có được sự phát triển lâu dài, bền vững.

Trả lời câu hỏi ở phiên thảo luận về “phép thần kỳ”của Việt Nam trong quá trình vừa chống dịch COVID và vừa phục hồi kinh tế trong thời gian vừa qua và đâu là những điều mà các nước ASEAN có thể học hỏi được ở Việt Nam; bà Nguyễn Thị Nga cho biết, Việt Nam chưa phải nước phát triển ở nhiều lĩnh vực nhưng trong năm nay chúng tôi đã có được những thành tựu về y tế đó là chống dịch COVID tạm thời được xem là thành công. Bà Nga cho rằng, chính sự kỷ cương và tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, chính quyền trong sự nhất quán các chính sách từ Chính phủ đã làm nên điều “thần kỳ” đó. 

“Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách quyết liệt để bảo vệ người dân và người dân rất tuân thủ. Điều này đã làm lên thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19”, bà Nga chia sẻ. "Về kinh tế, mục tiêu của chúng tôi là mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế chứ không thể dừng lại". - Bà Nga nói thêm.

“Các doanh nghiệp của chúng tôi nhận ra rằng phải thích ứng với mọi hoàn cảnh. Tất cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam cùng đồng lòng chống dịch và vẫn phát triển kinh tế, chúng tôi đã đạt tăng trưởng dương, có thể nói chúng tôi đã có thành công kép. Chúng ta chỉ có ý chí quyết tâm vượt qua, tuân thủ và đoàn kết thì mọi việc sẽ thành công”, bà Nga nhấn mạnh.

Khẳng định dịch bệnh là áp lực cho chúng ta thay đổi, ông Aladdin D.Rilo cho biết, có nhiều điều thay đổi khiến chúng ta tỉnh thức, làm khác đi, nghĩ khác đi, tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn cho khu vực. 

Cho ý kiến về tín hiệu tích cực cho ASEAN trong thời gian tới, ông Hidetoshi Nishimura cho rằng đã có những giải pháp mang tính nền tảng dựa trên khoa học. Nhưng sự phát triển này cần hướng đến con người. “Chúng ta cần có sức mạnh khoa học, đây chính là tương lai sáng lạng để chúng ta vượt qua đại dịch này”.

Trong khi đó, chia sẻ với giới trẻ về tia sáng tương lai, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng cần có ý chí mạnh hơn và áp dụng nhiều khoa học, kỹ thuật số để vượt qua giai đoạn tới.

TRUNG QUỐC - ĐỐI TÁC QUAN TRỌNG CỦA ASEAN

Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BIS 2020 Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Trung Quốc là đối tác quan trọng của Asean từ năm 2009, năm nay sẽ là năm đánh dấu cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa ASEAN vàTrung Quốc.

“Chúng ta hy vọng Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực – RCEP sẽ sớm được ký kết. Khi được ký kết, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa mong muốn tạo ra một khu vực tự do hóa thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Sau phát biểu đề dẫn của Chủ tịch VCCI, Thủ tướng Quốc vụ việc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường khẳng định: ASEAN là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc và mối quan hệ này đang ngày càng được kết nối bền chặt.

Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Cường nhấn mạnh thời điểm hiện tại là thời điểm đặc biệt, khi đại dịch Covid còn đang tàn phá trên thế giới. Đại dịch đã đẩy kinh tế thế giới bước vào thời suy thoái nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

“Tôi tin rằng trong nghịch cảnh sẽ vẫn còn những ánh sáng le lói, trong cái rủi có cái may bởi trong 3 quý đầu của năm nay, chúng tôi đã có rất nhiều những nỗ lực khi thương mại hai chiều tăng 5%. Đầu tư của Trung Quốc vào các nước trong khu vực ASEAN cũng ngày càng tăng. ASEAN là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc và mối quan hệ này đang ngày càng được kết nối bền chặt”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng nhấn mạnh thêm rằng Covid đã giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc làm nền kinh tế của nước này chỉ trong quý I làm giảm 6,8% GDP. “Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã tiếp cận với nền kinh tế bằng cách cố gắng vừa chống dịch và vừa cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế với những biện pháp mang tính chất giải quyết nhanh. Với những nỗ lực như vậy thì nền kinh tế đã có phục hồi và tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường đại dịch Covid đã làm rung chuyển ngành bán lẻ và tác động mạnh tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ gia đình.

Để hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID, ông Cường cho biết, Trung Quốc đã phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt, ban hành nhiều chính sách hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp gia đình với mục tiêu là ổn định công ăn việc làm.

Về khả năng tăng trưởng, ông Cường nhấn mạnh, Trung Quốc có thể tăng trưởng dương vào năm nay. Để làm được điều này, theo ông Cường, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định.

Chúng tôi cũng suy nghĩ về thách thức cũng như khó khăn đang phải đối mặt. Chúng tôi không chỉ đối mặt với đại dịch COVID-19 mà còn phải đối mặt với cả chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Trong thời khắc vậy chúng tôi thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN”, ông Cường nhấn mạnh.

Năm nay là năm kỷ niệm 70 năm chúng ta chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Trong 70 năm qua Châu Á có nhiều bước tiến nhảy vọt, chúng ta đang rũ bỏ nghèo đói và bắt tay vào chặng đường phía trước. Đây là tiền đề quan trọng trong việc tiếp tục duy trì sự ổn định trong khu vực bởi khi và chỉ khi sự ổn định trong khu vực được duy trì thì sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực mới được tiếp tục”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng cho biết, đất nước ông sẽ tiếp tục cổ vũ cho việc thúc đẩy tự do thương mại toàn câu và hợp tác khu vực mậu dịch tự do.

“Chúng tôi hi vọng sẽ được sớm chứng kiến lễ ký kết Hiệp định RCEP, đây là tín hiệu tốt cho chúng ta trong hội nhập và toàn cầu hóa. Chúng tôi sẽ cố gắng truyền năng lượng đầy đủ cho các nước trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng và toàn cầu hóa để qua đó giúp hỗ trợ vào quá trình phục hồi chung toàn cầu, động viên doanh nghiệp lớn hợp tác cùng nhau, quan trong là giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thịnh vượng”, ông Cường nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Cường nhấn mạnh, năm tới là năm kỷ niệm 30 năm mối quan hệ hợp tác giữa Trung QuốC và các nước ASEAN.

“Tôi tin rằng khi ở tuổi 30, chúng ta sẽ có được sự hợp tác bền chặt hơn nữa. Chúng tôi hi vọng mối quan hệ giữa chúng ta sẽ là mối quan hệ gắn kết mà không gì có thể phá vỡ nổi. Hướng về phía trước, tôi tin rằng Trung Quốc và ASEAN có tiến bộ mới trong hợp tác kinh doanh, đầu tư và đóng góp vào sự ổn định của hòa bình thế giới”, ông Cường nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] ASEAN-BIS 2020: “ASEAN số: bền vững và bao trùm”

    08:41, 13/11/2020

NHÓM PHÓNG VIÊN