ASEAN BIS 2020: Tương lai định hướng đầu tư môi trường, xã hội và quản trị
Việc đầu tư vào Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu.
Với chủ đề năm nay: “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm”, Hội nghị sẽ thảo luận về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối trong kích thích tăng trưởng, thương mại và đầu tư và khắc phục những hậu quả của đại dịch covid cũng nhiều thách thức khác đối với khu vực. Hội nghị sẽ bàn về 4 chủ đề gồm: Triển vọng kinh tế ASEAN; Xu hướng đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt (ESG); Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; ASEAN tự cường, tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Trong những năm gần đây các nhà đầu tư đặc biệt tập trung và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do bệnh dịch toàn cầu đe dọa hủy hoại các doanh nghiệp nhỏ, dường như xuất hiện xu hướng mới tập trung vào đầu tư xã hội. Để đạt được những mục tiêu này, các nhà đầu tư cần chính phủ các nước ASEAN cải thiện độ minh bạch và giảm bớt quan liêu trong khi các doanh nghiệp trong khu vực nâng cao tiêu chuẩn đạo đức và quản trị.
Với sự tiến bộ khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính và chuỗi khối sẽ mở ra những cơ hội mới cho các nền kinh tế ASAN thời kỳ hậu dịch bệnh vừa bảo vệ môi trường, tái thiết đời sống cũng như đảm bảo tốt nhất các chuẩn mực về liêm chính và bao trùm.
Chính phủ và doanh nghiệp nên làm gì cùng nhau để thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản trị tốt? Làm thế nào ASEAN có thể tăng cường sự phát triển của Fintech trên tất cả các quốc gia thành viên? Làm thế nào công nghệ có thể hỗ trợ đầu tư xanh hơn?
ASEAN SỐ HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ BAO TRÙM
Thảo luận về tương lai định hướng đầu tư ESG vào ASEAN, ông Christophe Bahuet– Phó Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh, các nước ASEAN đang trên chặng đường phát triển kinh tế bền vững và mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng xu thế chung của ASEAN vẫn là tăng trưởng.
Ông cho biết, các quốc gia ASEAN đang có nhiều cơ hội phát triển từ các đối tác. Bên cạnh đó, các vấn đề phát triển của các nền kinh tế cũng được đặt ra, đồng thời là vai trò tham gia của các Chính phủ, giảm thiểu nhiên liệu hoá thạch, các vấn đề khía cạnh xã hội như độ bình đẳng trong thu nhập, tính minh bạch trong khuôn khổ pháp lý...
“Liên Hợp Quốc và UNDP quan tâm tới vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã có các mục tiêu phát triển đặt ra, chúng tôi cũng đang làm việc với các doanh nghiệp để phát triển mô hình kinh tế xanh... tìm hiểu những gì đang diễn ra chúng tôi mong muốn tận dụng được các cơ hội để ASEAN phát triển xanh và bền vững hơn”, ông Christophe Bahuet cho biết.
Chia sẻ về ASEAN số hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, ông Tan Sri Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Malaysia cho rằng, COVID-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có, một thế giới hoàn toàn mới đã vượt ra mọi vấn đề về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội đến cách thức sống và làm việc đã thay đổi...
Các hoạch định chính sách cũng đã phải thay đổi thích ứng với COVID-19, theo đó, tập trung vào đưa lao động trở lại thị trường, giảm đứt gãy của hoạt động sản xuất kinh doanh. “Và tới đây là khai phá khả năng đưa ra các chính sách phù hợp để có thể đưa nền kinh tế trở nên bền bỉ, các cơ chế phải bền vững và bao trùm, đảm bảo mọi mảng của nền kinh tế đều có được sức chống chịu cao, thậm chí khai phá mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế", Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.
Theo đó, để doanh nghiệp và người dân có cuộc sống thịnh vượng, khai phá được tiềm năng phải nhận thức rằng đảm bảo được những người yếu thế nhất và duy trì tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu ESG – môi trường, xã hội và quản trị là hoàn toàn phù hợp.
“Những triểt lý căn bản của ESG cũng tương đồng với tầm nhìn của ASEAN thời gian tới đây. Chúng tôi mong muốn bao hàm ESG vào mọi hoạt động phát triển mang tính tầm nhìn của chúng tôi. Từ tháng 10/2019, chúng tôi đã thúc đẩy sự kiện tham gia của các bên vào việc đưa các yếu tố ESG vào vun trồng môi trường kinh doanh thuận lợi”, ông Tan Sri Muhyiddin Yassin nói.
Chính phủ Maylaisia cam kết tạo điều kiện cùng các bên liên quan trong đó có cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt yêu cầu, nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Maylaisia cũng cho rằng, trong đại dịch COVId-19 vẫn có những cơ hội, “trong mưa gió đùng đùng không phải chỉ có màn đêm tối vẫn có những tia chớp sáng chói, do đó, doanh nghiệp không thể cự tuyệt với thay đổi, mà lựa chọn những ưu tiên để nắm bắt cơ hội như về khoa học, ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, logistics, ví điện tử...
ESG của Maylaisia bao gồm chính sách hoá, đồng thời có sự tham gia của các thành phần bao gồm những hoạt động đầu tư có trách nhiệm, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư có trách nhiệm, minh bạch các chỉ số kinh doanh, báo cáo bền vững kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang được thúc đẩy.
Các quốc gia thành viên cũng đang xem xét nguyên tắc về đầu tư bền vững, bao trùm hướng về phía trước, do đó, Thủ tướng Malaysia cho rằng văn hoá kinh doanh trách nhiệm là rất quan trọng.
“COVID-19 với sự đứt gãy đòi hỏi tất cả chúng ta phải sát cánh vì một khu vực ASEAN bền vững bao trùm và có tính bền bỉ cao, thuận lợi và tự do thương mại”, ông Tan Sri Muhyiddin Yassin nhấn mạnh.
TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG KHÁNG CHỊU VƯỢT QUA THÁCH THỨC
Bà Kanni Widnaraja – Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Giám đốc khu vực châu Á, Thái Bình Dương đánh giá cao vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Bà cho biết, chủ đề của ASEAN năm nay là thích ứng, tăng khả năng kháng chịu vượt qua khỏi thách thức chung trong sự chấn động như đại dịch COVID-19 dù là trong khu vực công hay tư nhân. Cần phải tính tới các quyết định của mình cũng như lựa chọn chính sách đầu tư để một quốc gia có thể vượt qua dịch bệnh và phục hồi trong tương lai.
Khi nhiều quốc gia ASEAN đã thành công vượt qua các tác động của dịch bệnh, nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết như sinh kế, việc phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, ô nhiễm không khí, môi trường,…
Hiện nay chúng ta thấy đối với các quốc gia thì các nhà lãnh đạo luôn có thông điệp rất rõ ràng là hãy đầu tư vào 3 trụ cột: môi trường, duy trì sự ổn định xã hội, trách nhiệm quản trị ( ESG) đây chính là cách giúp doanh nghiệp phát triển.
“Tại ASEAN làm được điều này đúng đắn sẽ giúp chúng ta quay lại lộ trình của ESG. Mặc dù không phải tất cả các quốc gia đạt được điều này do cú sốc từ dịch bệnh nhưng tất cả chúng ta sẽ thấy được động lực tăng trưởng đi theo hướng khác” – bà nhấn mạnh.
Thảo luận về vấn đề tăng cường mức độ, tác động hoạt động đầu tư xác định được chúng ta cần phải làm gì và gợi vai trò của ông ở Thái Lan, ông Vichien Phongsathorn - Chủ tịch Tập đoàn Premier Group đánh giá dịch bệnh như “cú” thức tỉnh cho mọi người, dịch bệnh đã “đánh thức” tất cả chúng ta phải phục hồi kinh tế xã hội chuyển dần sang có tính bao trùm.
Để phục hồi được theo ông sẽ không ý nghĩa nếu làm theo cách cũ mà phải học được từ sự thức tỉnh này xem điều gì đang xảy ra với môi trường, xã hội, những điểm yếu trong hệ thống quản trị.
Theo ông, đầu tiên chúng ta phải tìm ra những cơ hội hợp tác, cần nỗ lực sát cánh nhau để tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ sinh thái ESG. Cần đầu tư tổng thể để chúng ta tiến lên phía trước trong bối cảnh hiện nay.
Đối mặt với biến đổi khí hậu, chúng ta thấy thiếu quan tâm về y tế, dinh dưỡng, đói nghèo, bất bình đẳng, đây là điều quan ngại chúng ta thấy ở các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, khoảng trống quản trị đã ảnh hưởng đến cách thức chúng ta quan tâm tới xã hội, đây là yếu tố liên ngành trong ESG, ảnh hưởng đến hợp tác trong tương lai giữa chúng ta.
Đối với doanh nghiệp ông cho rằng họ cần có vai trò nào đó trong ESG, để làm điều này cần có sự tích hợp ESG vào trong cách thức kinh doanh và coi ESG là khía cạnh đi kèm với doanh nghiệp.
NHÌN NHẬN ĐÚNG VAI TRÒ CỦA ESG
Bà Shuyin Tang - Đại diện quỹ đầu tư Patamar Capital cho biết, Quỹ đầu tư Patamar đóng góp cho việc phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải là những mục tiêu bên lề. Vừa qua, Patamar đã cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn, thông qua các chương trình xúc tiến kết nối với các định chế tài chính và các đối tác.
“Trong tương lai, hi vọng các nhà đầu tư sẽ có quan điểm toàn diện hơn về ESG. Những yếu tố rủi ro yêu cầu các nhà quản lý quỹ phải xác định được những yếu tố quan trọng tác động đến rủi ro. Sau nhiều thập niên làm việc chúng tôi đã có được điều này”, bà Shuyin Tang nói.
Tham gia vào phiên thảo luận, ông Hugh Young – Giám đốc điều hành, Aberdeen Standard cho biết, ESG có vai trò quan trọng ngay từ giai đoạn đầu của đầu tư. Bởi đầu tư vào dự án đảm bảo được vấn đề môi trường, quản trị và xã hội là đúng đắn.
“Ở giai đoạn đầu chúng tôi đầu tư vào ASEAN người ta không nói nhiều đến ESG mà chỉ nói đến đạo đức trong kinh doanh. Chúng tôi cũng đã có nhiều hoạt động đầu tư theo tiêu chuẩn này suốt 20-30 năm qua. ESG rõ ràng là chủ trương đúng đắn, theo quan điểm của châu Âu chính là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn đầu tư, thể chế châu Âu mà đi đầu là Đức đã thúc đẩy đầu tư vào ESG từ rất lâu”, ông Hugh Young nói.
Đồng thời thẳng thắn rằng, ESG vẫn còn chậm ở ASEAN, vẫn còn khoảng cách lớn nhưng đang có tốc độ nhanh.
Ông Vichien Phongsathorn – Chủ tịch, Tập đoàn Premier Group cho biết, công nghệ số là rất quan trọng trong tương lai để tạo ra được cách thức chúng ta tiến về phía trước; trong đó vai trò của một số doanh nghiệp SMEs chỉ chuyên về công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng là rất quan trọng.
Những đổi mới sáng tạo có sự tham gia của nhiều bên chính là những điều chúng ta có thể nhìn thấy. Đơn cử như chúng ta có thể thấy trong chống dịch COVID việc truy vết người bệnh hoàn toàn dựa vào người bệnh và đang cho thấy sự hiệu quả
Về giáo dục, công nghệ giúp đi tắt đón đầu, vượt qua rào cản, lấp khoảng trống mất cân bằng, sử dụng nguồn lực tốt hơn.
Theo ông, những điểm cần cải thiện trong quản trị có thể thấy như Big Data, có được thêm thông tin để tiếp cận, có định hướng, hành động cụ thể, những sáng kiến chúng ta đang có hiện nay như chương trình phòng chống tham nhũng cũng hướng vào dữ liệu mua sắm công vào phòng chống tham nhũng. Theo đó đưa vào những thông tin từ phía nhà cung cấp để các bên tiếp cận các dự án mua sắm, giúp quá trình giám sát đảm bảo minh bạch, ngăn chặn hành vi tham nhũng có thể xảy ra.
CẦN CHÍNH SÁCH TỐT ĐỂ THÚC ĐẨY KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN
Bà Shinta Widjaja Kamdani, Giám đốc Sintesa Group nhấn mạnh vẫn còn nhiều thách thức để các nước có thể vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, thách thức đầu tiên chính là huy động nguồn lực của tư nhân.
“Trong bối cảnh hiện nay ở nhiều quốc gia vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, thiếu hụt về vốn và đầu tư chuyên sâu thì việc huy động vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng là điều vô cùng khó khăn”, bà Shinta Widjaja Kamdani nhấn mạnh.
Cũng theo bà, tại một số nước vấn đề thể chế và tổ chức còn khoảng trống trong việc đánh giá xem thế nào để có thể xác định được đâu là dự án đáng được đầu tư. Và cuối cùng là những khó khăn của khu vực tư nhân.
“Đại dịch đã tác động mạnh đến khu vực kinh tế tư nhân nên đối với khu vực này phải có những chính sách tốt để có thể củng cố lại”, bà Shinta Widjaja Kamdani nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Hugh Young, Giám đốc Điều hành Aberdeen Standard Investments Châu Á nhấn mạnh một trong những thách thức của đất nước ông ở thời điểm hiện tại là vấn đề tham nhũng.
“Rào cản lớn của chúng tôi ở thời điểm hiện tại chính là việc chống tham nhũng. Đây chính là vấn đề mà chúng tôi cần phải quan tâm nếu muốn thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới”, ông Hugh Young nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hugh Young cũng đưa ra lưu ý về việc sử dụng nguồn lực. “Việc sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả sẽ đóng góp không nhỏ vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững” – ông nói.
Bà Shinta Widjaja Kamdani cho biết, COVID-19 đã thúc đẩy cơ hội đầu tư mới, nhưng phải hướng tới công nghệ xanh. Hiện, Indonesia đang phát triển dự án biến thuỷ triều thành năng lượng 550 triệu USD có thể mang lại điện năng cho 2500 hộ gia đình.
“Trước đây chúng tôi dựa vào điện hoá thạch, đến năm 2025 chúng tôi đặt mục tiêu có 23% đạt mục tiêu năng lượng tái tạo. Với bối cảnh hiện nay chúng tôi cũng đang phải trợ giá cho năng lượng hoá thạch, do đó, Chính phủ đang thúc đẩy hơn nữa năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững”, bà Shinta Widjaja Kamdani chia sẻ.
Ông Hugh Young cho rằng, có nhiều lĩnh vực được quan tâm khi mà các khía cạnh của tăng trưởng đã thay đổi. Ông cho biết khi ông đến châu Á những năm 80 họ chú trọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng, đến nay thì đã chú trọng tới chất lượng tăng trưởng, đưa con người tiếp cận với môi trường không khí trong sạch...
“Đây là điều thú vị mặc dù không lôi cuốn theo quan điểm thời sự như những tấm pin năng lượng mặt trời mới đang thay đổi tăng trưởng bền vững. Nó không nhanh nhưng lâu dài và giúp chúng ta chống chịu những áp lực tăng trưởng ngày hôm nay”, ông Hugh Young nói.
Trong khi đó, ông Vichien Phongsathorn cho rằng, giới trẻ không thể đứng quan sát, mà phải tham gia vào quá trình này: “Chúng ta cần trao thêm quyền cho các bạn trẻ để họ tham gia vào quá trình phát triển bền vững”.
Bày tỏ vui mừng khi giới trẻ Indonesia tham gia vào khởi nghiệp có tác động tới xã hội, bà Shinta Kamdani cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp khởi sự với lộ trình bền vững, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Cho các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng mà còn chia sẻ cho họ đầu tư ESG. Tôi nghĩ cần mang lại cơ hội cho họ, Chính phủ cần phải để tâm nhiều hơn”.
Chia sẻ về những công cụ ESG sẽ được đưa ra như thế nào cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đang phát triển, bà Shuyin Tang cho biết, điều cần tập trung là mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi tập trung vào nhiều mặt trận khác nhau theo các chỉ số hiệu quả chính. Ví dụ như mặt trận đầu ra kỳ vọng là gì? Không chỉ tạo tác động xã hội mà phải duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Các dự án rõ ràng cũng phải phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, bà Shuyin Tang chia sẻ.
Nói về điều mong muốn được thấy ở tương lai năm 2050, bà Shinta Kamdani khẳng định, “giáo dục là cách chúng ta biến chuyển nhanh nhất, cần bổ sung những đánh giá về biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục tương lai. Để chúng ta có chuẩn bị cho các kịch bản sắp tới. Hi vọng các quốc gia đã chuẩn bị cho điều này, hướng tới con người, tính đa dạng và bền vững thay vì chỉ tập trung vào cạnh tranh. Đồng thời, thế hệ tương lai cũng phải hướng vào hợp tác thịnh vượng lâu dài. Hy vọng năm 2050 khi nhìn lại giáo dục chuyển đổi đúng nền tảng”.
Trong khi đó, ông Vichien Phongsathorn hi vọng, thế hệ tương lai có được tương lai bền vững hơn, xã hội bền vững rõ hơn hiện nay, không có gánh nặng thiên tai như chúng ta đang hứng chịu tại thời điểm này. Đồng thời, chúng ta sẽ có những công dân trách nhiệm, thực hiện ESG sâu rộng, có những mục tiêu xa hơn, sinh kế tốt hơn và các xu hướng bùng nổ hơn thời điểm hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Định vị chỗ đứng cho ASEAN
11:00, 13/11/2020
ASEAN-BIS 2020: Triển vọng kinh tế ASEAN
09:17, 13/11/2020
ASEAN BIS 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng
09:15, 13/11/2020
ASEAN-BIS 2020: Hướng đến phát triển nhanh, bền vững và bao trùm
09:10, 13/11/2020
[TRỰC TIẾP] ASEAN-BIS 2020: “ASEAN số: bền vững và bao trùm”
08:41, 13/11/2020