ASEAN BIS 2020: Công nghệ và tương lai việc làm tại ASEAN

NHÓM PHÓNG VIÊN 13/11/2020 14:00

Công nghệ đang thay đổi các nền kinh tế Đông Nam Á theo những cách khác nhau. Tương lai việc làm sẽ như thế nào? Làm thế nào các doanh nghiệp ASEAN có thể thích ứng để nâng cao khả năng cạnh tranh?

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) là diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng định ASEAN, nơi hội tụ các lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định, tư vấn chính sách với các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực. Đây là một diễn đàn đặc biệt, nơi các nguyên thủ ASEAN và các nước đối tác cùng thảo luận với cộng đồng khu vực tư nhân về tương lai của khu vực.

Qang cảnh phiên thảo luận về công nghệ và tương lai việc làm tại ASEAN

Quang cảnh phiên thảo luận về công nghệ và tương lai việc làm tại ASEAN

Công nghệ đang thay đổi các nền kinh tế Đông Nam Á theo những cách khác nhau. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay thế công nhân nhưng đồng thời tạo ra nhu cầu sử dụng lao động mới. Trong khi một số công việc sẽ mất đi thì một số công việc khác lại xuất hiện, đòi hỏi những kỹ năng tay nghề mới. Đại dịch cũng buộc các công ty phải xem xét lại các giải pháp công nghệ cho hoạt động của mình và thay đổi văn hóa làm việc tại văn phòng, đối với nhiều trường hợp làm việc tại nhà là một giải pháp hấp dẫn.

Tương lại việc làm sẽ như thế nào? Làm thế nào các doanh ngiệp ASEAN có thể thích ứng để nâng cao khả năng cạnh tranh? Cần thực hiện những gì để có lao động với kỹ năng phù hợp được đào tạo cho các công việc của tương lai?

KINH TẾ SỐ PHẢI MANG TÍNH BAO TRÙM

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận 3 tại tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) tổ chức ngày 13/11, ôngIr. H. Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Indonesia nhấn mạnh, tiềm năng kinh tế số của khu vực ASEAN lên tới 200 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện kinh tế số mới chỉ chiếm 7% trong tổng GDP của ASEAN.

ông Ir. H. Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Indonesia

Ông Ir. H. Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Indonesia

Theo đó, Tổng thống Cộng hòa Indonesia chia sẻ, 56% việc làm của các nước ASEAN đang chịu rủi ro từ tự động hoá. Đồng thời, khoảng cách số giữa các quốc gia ASEAN cũng khá lớn, kinh tế số phân bố không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN. “Hiện chỉ có ba nước tại khu vực ASEAN sở hữu độ phủ internet mức trên 80%. Đây là những thách thức phải được dự liệu trước và có giải pháp đột phá, tăng tốc chuyển đổi số tại ASEAN”, ông Ir. H. Joko Widodo nói. 

Do dó, Tổng thống Cộng hòa Indonesia cho rằng, cần đảm bảo cuộc cách mạng số mang tính chất bao trùm. Phải thúc đẩy quá trình này, phát triển hạ tầng số giữa các khu vực từ đô thị đến làng bản xa xôi, chi phí vừa túi tiền, tăng hiểu biết và kỹ năng về kinh tế số, tái bồi dưỡng kỹ năng.

“Chúng ta phải là 1 người chơi, Chính phủ các nước phải tham gia hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi các DNVVN sẽ là xương sống cho các nước ASEAN, sự tăng tốc chuyển đổi số của các DNNVV sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong các quốc gia ASEAN, biến ASEAN thành khu vực kinh tế thân thiện về kinh tế số”, ông Ir. H. Joko Widodo nhấn mạnh. 

Chia sẻ về câu chuyện của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Indonesia, Tổng thống Cộng hoà Indonesia cho biết quốc gia này đã xây dựng Chiến lược “Indonesia 4.0”.  “Theo đó, chúng tôi khuyến khích tài khoá cho các ngành nghiên cứu và triển khai công nghệ. Đồng thời tăng cường hợp lực, chung tay gỡ bỏ rào cản với công nghệ số, tạo sự chắc chắn về quy trình, quy định cho thương mại số, kinh tế số. Đặc biệt, tăng cường quan hệ đối tác công tư PPP để tăng cường kết nối số. Bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau là mấu chốt để phát triển ASEAN”, Tổng thống Cộng hòa Indonesia nhấn mạnh.

ASEAN SẴN SÀNG CHO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ LẦN THỨ 4

Ông U Thaung Tun, Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ Thương mại quốc tế, Cộng hòa Liên bang Myanmar cho biết, là một thành viên của Asean, Myanmar cam kết đem lại lợi ích kinh tế xã hội.

 Ông U Thaung Tun – Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ Thương mại quốc tế, Cộng hòa Liên bang Myanmar

 Ông U Thaung Tun, Bộ trưởng Đầu tư và Quan hệ Thương mại quốc tế, Cộng hòa Liên bang Myanmar

Trở lại quá khứ, năm 1853, Myanmar bắt đầu mở cửa, học tập quốc tế đưa lý thuyết vào thực tiễn, thành lập các xưởng sản xuất công nghiệp vào giai đoạn cuộc CMCN lần thứ nhất.

Ngày nay, Asean đã trải qua 5 thập kỷ và đạt được những thành công đáng kể điển hình là một cộng đồng hòa bình, giảm nghèo, thu nhập đầu người tăng, trở thành thị trường tiêu dùng quan trọng nhất thế giới với vị thế ngày càng tăng.

Sắp tới, khi Hiệp định RCEP được ký kết sẽ là cột mốc đưa Asean tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu, đổi mới sáng tạo. Với 650 triệu dân, đa số là người trẻ sẽ là một nguồn lực tuyệt vời cho phát triển của khu vực.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần học tập, đổi mới. Thế hệ các doanh nghiệp SMEs cũng cần sẵn sàng cho nền kinh tế số, tri thức với cốt lõi của người lao động là kỹ năng mềm, sáng tạo. Theo đó các quốc gia cần tiếp tục chú trọng đổi mới trong giáo dục, dạy nghề.

Sau cuộc CMCN lần thứ 4 mọi thứ sẽ khác, đổi mới sáng tạo khu vực công, sự gia tăng mạnh mẽ của các thiết bị di động, trong bối cảnh ngày nay, cơ quan công quyền cũng cần gia tăng năng lực, bắt kịp thời đại. Theo đó, khi tốc độ phát triển ngày càng nhanh hơn, đi chậm là thua, chúng ta cần tư duy rộng ra, tạo ra việc làm có chất lượng, các Chính phủ sẽ là bên thúc đẩy, định hướng về kinh tế số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, giảm hàng rào gia nhập thị trường.

Cũng như các quốc gia Asean, Myanmar nỗ lực tạo ra sự phát triển song hành để tạo ra những cơ hội cho kinh tế xã hội phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo an toàn cho người lao động.

Chúng ta cần tận dụng khai phá công nghệ mới, không bỏ đi những giá trị cốt lõi, các nền giáo dục phải dạy tư duy phản biện, các Chính phủ cần dám lắng nghe, chấp nhận sự phê bình để đổi mới, tiến bộ hơn,

Mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng, cuộc CMCN lần thứ tư đang tái định hình cách thức nền kinh tế toàn cầu vận động do đó, tôi xin nhấn mạnh là các Chính phủ cần cởi mở, các nước cần thay đổi để Asean có khả năng ứng phó với thay đổi để cùng nhau thịnh vượng, để tất cả bơi cùng dòng thủy triều mới. 

Phát biểu tại Phiên thảo luận về Công nghệ và tương lai việc làm tại ASEAN, Nghị sĩ Elizabeth Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, Vương quốc Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong một thế giới có nhiều biến đổi. “Công nghệ đang thay đổi tất cả các nền kinh tế khác nhau trong đó các nền kinh tế Đông Nam Á cũng như kinh tế Việt Nam theo những cách khác nhau”, Bộ trưởng Anh nhấn mạnh.

ghị sĩ Elizabeth Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, Vương quốc Anh

Nghị sĩ Elizabeth Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, Vương quốc Anh

Theo quan điểm của Nghị sĩ Elizabeth Truss sự xuất hiện của công nghệ đã góp phần đem lại số công việc khổng lồ tại Asean. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng công nghệ vào trong quá trình vào trong đời sống sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ nhanh chóng phát triển mà còn giúp đảm bảo công việc cho nhân viên.

Cũng tại hội nghị, nữ Bộ trưởng Anh bày tỏ mong muốn hợp tác với các nước Asean trong đó có Việt Nam. “Là quốc gia độc lập chúng tôi mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, trong đó các nước Asean. Chúng tôi tin rằng giao thương, đầu tư và kinh doanh không chỉ đem lại thịnh vượng cho các nước trên thế giới mà còn giúp bảo vệ các nước khỏi các cú sốc trong tương lai”, Nghị sĩ Elizabeth Truss nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Nghị sĩ Elizabeth Truss cho biết, nước Anh đã hỗ trợ 6,3 triệu bảng cho quỹ thịnh vượng của Asean. “Sự thịnh vượng của các quốc gia Asean sẽ giúp các nước có thể chống chọi với các cú sốc trong tương lai, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung”, Nghị sĩ Elizabeth Truss nói.

Cũng trong bài phát biểu của mình Elizabeth Truss đã nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa, hợp tác về công nghệ giữa các nước trong Asean. “Chúng ta có nhiều tiềm năng để hợp tác cùng nhau. Sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp các nước cùng nhau phát triển”, Nghị sĩ Elizabeth Truss nói.

CON NGƯỜI LÀ TRỌNG TÂM TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

Ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) nhấn mạnh tới hai nguyên tắc khi phát triển kinh tế số, trong đó nhấn mạnh con người là quan trọng, là trọng tâm trong phát triển kinh tế số.

Ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO)

Ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO)

Ông Sasaki Nobuhiko cho biết, với Nhật bản, ASEAN là địa điểm đầu tư lớn ở châu Á, thậm chí vượt Trung Quốc. Trong đó trọng tâm là các lĩnh vực như xe hơi, điện tử. Các công ty Nhật cũng cam kết lan tỏa công nghệ, kinh nghiệm cho người lao động. Trong quá trình này các công ty Nhật sẽ đề cao việc chuyển giao đào tạo giúp lao động tại các quốc gia ASEAN thích nghi với thay đổi công nghệ.

“Việc phát triển công nghệ, phát triển kinh tế số coi con người là trọng tâm đã được Nhật Bản xác định phát triển từ lâu, trước khi có đại dịch COVID-19”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JETRO nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, có đến 70-80% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ đảm bảo việc làm cho người lao động trong đại dịch COVID-19.

Quan điểm thứ hai được nói tới là liên kết phát triển. Lấy ví dụ về một doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật Bản đã sáng tạo ra ứng dụng học trực tuyến cấp tiểu học ở Philippines và Indonesia, ông Sasaki Nobuhiko cho biết điều này đã giúp giải quyết các vấn đề xã hội khi việc học trực tuyến để giãn cách xã hội ở hai quốc gia này.

“Kinh tế số mới chỉ được áp dụng tỷ trọng nhỏ ở y tế, giáo dục... Do đó, JETRO đã tạo cơ hội hợp tác với các tổ chức, công ty. Các công ty Nhật Bản cũng chuyển giao kỹ năng và cung cấp nhân lực”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JETRO nhấn mạnh đồng thời cho biết tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN.

Ông Ted Osius, Phó Chủ tịch,  Ban Quan hệ Chính phủ và Chính sách Công, Google Châu Á Thái Bình Dương cho biết, chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng sâu rộng chưa từng có ở các quốc gia, quá trình chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ, năm nay, nền kinh tế số sẽ tăng 100 triệu USD năm 2020.

Theo đó, ông Ted Osius cho biết, người sử dụng internet đang mang lại cơ hội hồi phục cho các nước ASEAN các công ty công nghệ như chúng tôi đang có cơ hội sống sót, đồng thời hỗ trợ các quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng tĩnh, thông minh, mang lại cơ hội. Và cơ sở hạ tầng về chính sách mang lại điều kiện.

“Các nguồn lực tài năng số giúp chúng ta xây dựng hệ sinh thái số. Các công nghệ không thể không có ích khi chúng ta không biết dùng nó. Phát triển kỹ năng là yêu cầu then chốt trong phục hồi kinh tế, các quốc gia xây dựng được năng lực này sẽ phát triển và tăng trưởng nhanh chóng”, ông Ted Osius nói.

Các doanh nghiệp nhỏ là xương sống của các nền kinh tế ASEAN, chúng tôi đang tiến hành đào tạo trực tuyến cho nhân lực của các doanh nghiệp này. "Tại Việt Nam chúng tôi cũng sát cánh cùng Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp này, thậm chí là khu vực vùng sâu vùng xa để tiếp cận và áp dụng kinh tế số. Khi dịch bệnh qua đi, phải đảm bảo chính phủ và các nước ASEAN", ông Ted Osius nói.

Ông Kevin Aluwi, CEO, GoJek cho biết doanh nghiệp ông hiện đang hoạt động ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Kevin Aluwi, CEO, GoJek

Ông Kevin Aluwi, CEO, GoJek

CEO của Gojek cho biết số hóa trong một tổ chức cung cấp một lợi thế để thực hiện mọi thứ nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn. Số hóa có thể gặt hái lợi ích hiệu quả khi dữ liệu số hóa được sử dụng để tự động hóa các quy trình và cho phép khả năng truy cập tốt hơn - nhưng số hóa không tìm cách tối ưu hóa các quy trình hoặc dữ liệu. “Số hóa sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đây là vấn đề mà doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm”, ông Kevin nhấn mạnh. 

CẦN ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC CHUYỂN GIA TRI THỨC

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết, trong hành trình 18 năm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm ra những cá nhân phù hợp cho Navigos, chúng tôi chưa bao giờ thấy sự thay đổi mau lẹ về kỹ năng cũng như các hạng mục công việc mới như hiện nay.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search.

Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng phó với mọi biến đổi. Tuy nhiên, đại dịch được coi như một cú hích thúc đẩy chúng ta phải bước nhanh hơn, thay đổi sớm hơn. Trong bối cảnh đó, Navigos đã nỗ lực tìm ra các ứng viên từ các kênh khác nhau trên thị trường, tuyển chọn nhân lực hiệu quả hơn và năng suất cao hơn.

Có thể thấy, các doanh nghiệp đã và đang phải vật lộn để ứng phó tốt hơn với tình hình dịch bệnh và tiếp theo trong tương lai, cần hành động thiết thực để giúp các doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Chúng ta cùng chung lý tưởng muốn Asean trở thành nơi thu hút nhân tài, cần có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các thành phần kinh tế tư nhân, các nhà giáo dục và cần cùng nhau trang bị cho những người trẻ tuổi nổi bật lên trong thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Tham gia thảo luận về đào tạo nhân lực những kỹ năng trọng yếu sau hệ thống giáo dục chính thống, ông Ted Osius, Phó Chủ tịch, Ban Quan hệ Chính phủ và Chính sách Công, Google Châu Á Thái Bình Dương cho rằng giáo viên phải ngừng giảng dạy như cách đây 200 năm, phải đào tạo cho nhân lực cách làm việc nhóm, tư duy sáng tạo.

Đồng quan điểm, ông Kevin Aluwi, CEO, GoJek cho biết, doanh nghiệp rất quan trọng vấn đề đào tạo nhân lực, bởi nó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai, theo đó, GoJek liên kết với các định chế tài chính để đảm bảo tương lai. Một trong những lãnh đạo của GoJek đã trở thành Bộ trưởng giáo dục Indonesia.

“Cần áp dụng các hình thức chuyển giao tri thức. Có những người từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, châu Âu làm tại các công ty công nghệ, GoJek cũng có các chương trình đào tạo cho nhân lực kỹ năng công nghệ mới. Hệ thống giáo dục chính thức cũng có tác dụng trong giai đoạn đầu của công việc, nhưng Chính phủ cũng cần đưa các chuyên gia sâu, các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo”, ông Kevin Aluwi chia sẻ.

Ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) nhấn mạnh trong một thế giới có nhiều biến đổi thì các yếu tố như công nghệ số sẽ là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp cũng như các quốc gia phát triển.

“Nhưng, muốn thế hệ đi sau, muốn các sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường được cải thiện thì việc thay đổi phương pháp giáo dục là điều quan trọng cần phải làm. Đây không chỉ là vấn đề đơn thuần là giúp sinh viên có được kiến thức mà còn giúp sinh viên nhận thức vấn đề xã hội”, ông Sasaki Nobuhiko nhấn mạnh.

Trong khi đó, cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành, Navigos Search nhấn mạnh: Hiện nay, nhiều sinh viên mới ra trường đang rất thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng. “Đây thật sự là gánh nặng với doanh nghiệp bởi doanh nghiệp lại mất thêm chi phí để đào tạo nhân lực”, bà Mai nói.

Để khắc phục tình trạng này, bà Mai cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào giáo dục. “Các công ty tư nhân cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào giáo dục thì mới có thể tìm ra được những nhân lực phù hợp với mình. Từ quan sát của tôi, tôi thấy rất nhiều trường học của Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kết nối giữa nhà trường với giáo dục, khơi dậy tài năng trẻ, giúp sinh viên có những kỹ năng cần thiết để đáp ứng được với nhu cầu của doanh nghiệp. Nói đến đào tạo, sự ủng hộ của khu vực tư nhân sẽ giúp hệ thống giáo dục hiệu quả hơn”, bà Mai nói.

Cũng theo quan điểm của bà Mai thì trong một thế giới có nhiều thay đổi thì người lao động cũng cần quan tâm hơn đến các kỹ năng cần thiết để có thể thích nghi.

ông Ted Osius, Phó Chủ tịch, Ban Quan hệ Chính phủ và Chính sách Công, Google Châu Á Thái Bình Dương

Ông Ted Osius, Phó Chủ tịch, Ban Quan hệ Chính phủ và Chính sách Công, Google Châu Á Thái Bình Dương

Trong khi đó, ông Ted Osius, Phó Chủ tịch, Ban Quan hệ Chính phủ và Chính sách Công, Google Châu Á Thái Bình Dương cho biết ở Việt Nam, chúng tôi đang hợp tác cho chương trình phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. “Đây là vấn đề mà chúng tôi đã có kế hoạch từ lâu. Việc đào tạo nguồn lân lực chất lượng cao cũng là tiền đề quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế trong tương lai”, ông Ted Osius nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành, Navigos Search cho biết, trong thời điểm Việt Nam bị phong toả, chúng ta nói nhiều đến công nghệ, sự thật là công nghệ giúp công việc hiệu quả hơn. Khi nói tới đội ngũ người lao động, tôi nhận thấy thế hệ trẻ thích ứng rất nhanh với các biến đổi và ứng dụng công nghệ nhưng lại gặp vấn đề về tâm lý.

Có thể họ cần gặp nhau nhiều hơn, giao lưu, khi sự giãn cách diễn ra khiến mọi thứ trở nên bức bối, chính vì vậy chúng tôi phải tạo ra nhiều đường hotline để những người trẻ tuổi có điều kiện tăng tương tác và tìm ra điểm cân bằng trong cuộc sống hằng ngày.

Đại bộ phận, nhân viên của chúng ta hiện nay là thế hệ Z, vì vậy cần tính xem trong tương lai, công nghệ phải phát triển và thay đổi như thế nào để hỗ trợ tối đa con người, cảm nhận, thấu hiểu được con người, để những đóng góp của họ vẫn đảm bảo hiệu quả cao.

Ngoài ra, vai trò của báo chí và Chính phủ rất quan trọng, báo chí là cánh tay nối dài của doanh nghiệp, đưa ra thông điệp cho thị trường, cho giới trẻ và những kỹ năng cần có trong tương lai. Những kỹ năng đó ko tồn tại ở trường đại học nhưng lại có ở khối dạy nghề và cao đẳng.

Phụ huynh ở Châu Á thường thích con đi học đại học, là thạc sỹ, tiến sỹ, tuy nhiên cần để phụ huynh thấu hiểu rằng, giúp giới trẻ tìm được họ cần gì trong tương lai mới là điều quan trọng.

Về Chính phủ, cần đóng vai trò của nhà điều phối, thu thập thông tin, giúp hệ thống giáo dục, trường học hiểu họ cần thay đổi thế nào, chuẩn bị giáo án giáo trình tương thích ra sao phù hợp với sinh viên và với các bối cảnh mới.

Ông Sasaki Nobuhiko - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho rằng, chìa khoá cạnh tranh của ASEN là đưa ra tiêu chuẩn đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ nhân lực. Ngoài ra, ông Sasaki Nobuhiko nhận định, kinh nghiệm này của Nhật Bản là chưa đủ, trong tương lai khi chúng ta gặp phải các yêu cầu mới, sức mạnh nhất của ASEAN là nhân lực đa dạng qua đó nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của ASEAN, sự đa dạng sắc tộc cũng là nền móng cho sáng tạo, phát triển.

Trả lời câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của khu vực công, phía cung cấp dịch vụ giáo dục, ông Ted Osius cho biết vấn đề phát triển được nhân tài và kỹ năng là yếu tố nền tảng để tận dụng được công nghệ, phát triển bền vững ASEAN. Các chính phủ cũng muốn xây dựng nền tảng, đảm bảo mọi người tiếp cận được.  

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] ASEAN BIS 2020: “ASEAN số: Bền vững và bao trùm” (P 2)

    14:03, 13/11/2020

  • ASEAN BIS 2020: Tương lai định hướng đầu tư môi trường, xã hội và quản trị

    10:15, 13/11/2020

  • ASEAN BIS 2020: Triển vọng kinh tế ASEAN

    09:17, 13/11/2020

  • ASEAN BIS 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng

    09:15, 13/11/2020

  • ASEAN BIS 2020: Hướng đến phát triển nhanh, bền vững và bao trùm

    09:10, 13/11/2020

  • [TRỰC TIẾP] ASEAN BIS 2020: “ASEAN số: Bền vững và bao trùm” (P 1)

    08:41, 13/11/2020

NHÓM PHÓNG VIÊN