Nâng chất giáo dục nghề nghiệp như thế nào?
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Gắn kết giữa đào tạo và việc làm, giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp là chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được pháp luật quy định nhằm giảm khoảng cách giữa “thế giới đào tạo” và “thế giới việc làm”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với doanh nghiệp
Gắn kết GDNN với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đào tạo nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào GDNN.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, việc ký kết thành công các chương trình hợp tác với VCCI, các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty lớn (Samsung, Denso, Vingroup, Trung Nguyên, FLC, Vietjet, Sun Group, BIM, BPO Mắt Bão…) làm cơ sở cho hệ thống GDNN thúc đẩy tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, đứng trước những thách thức của đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp ngoài dự đoán, Tổng cục GDNN đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm.
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục GDNN đã có báo cáo về hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp trong năm 2020:
“Dịch Covid-19 đã tác động đặc biệt nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, khiến việc cắt giảm lao động diễn ra rất mạnh đặc biệt trong các ngành hàng không, dịch vụ, du lịch, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động… những tác động này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động gắn kết nhà trường với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho GDNN”.
Cụ thể, Tổng cục GDNN trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 171/QĐ-LĐTBXH ngày 14/02/2020; Phối hợp với VCCI, hướng dẫn, tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Tổ tư vấn chất lượng; Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết doanh nghiệp năm 2020. Hoàn thiện để trình ban hành Dự thảo Thông tư ban hành danh mục ngành, nghề sử dụng lao động qua đào tạo.
Tiếp tục hoàn thiện để trình phê duyệt “Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng tầm kỹ năng người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Ban hành Công văn số 886/TCGDNN-ĐTCQ ngày 24/4/2020 về việc đẩy mạnh gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp; Chỉ đạo và triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Các thành viên Tổ công tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã chủ động thúc đẩy các hoạt động gắn kết giữa GDNN với doanh nghiệp; Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp tiếp tục phát triển và vận hành tốt trong thực tiễn; Hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế;…
Trong đó, một số mô hình gắn kết tiêu biểu như “mô hình đào tạo song hành giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN” và “mô hình doanh nghiệp đào tạo giáo viên hạt nhân cho cơ sở GDNN để cơ sở GDNN đào tạo kỹ thuật viên cho doanh nghiệp” đã thấy được những hiệu quả nhất định.
Doanh nghiệp là "thước đo" nhất hiệu quả của hệ thống GDNN
Để đánh giá chất lượng, hiệu quả GDNN thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp, chính doanh nghiệp là “cán cân” đánh giá chính xác và hiệu quả nhất về chất lượng GDNN. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nghiệp đóng vai trò là “trung tâm của đổi mới sáng tạo”.
Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm và cũng là thách thức đặt ra cho GDNN. Do đó, doanh nghiệp luôn là đối tác quan trọng nhất của các cơ sở GDNN, không chỉ tham gia “sâu” vào quá trình đào tạo, chất lượng đầu vào đầu ra của nguồn nhân lực mà còn tham gia “rộng” trong quá trình đổi mới, nâng cấp hệ thống GDNN.
Tổng cục GDNN đã tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ một số chính sách, phối hợp, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy sự kết nối hệ thống GDNN với các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch gắn kết GDNN với thị trường lao động, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đầu ra, thành lập các hội đồng kỹ năng ngành có sự tham gia của doanh nghiệp, đào tạo cán bộ trong doanh nghiệp, trang bị kỹ năng dạy học cho người làm công tác dạy nghề…
Năm 2020, từ sự khó khăn của doanh nghiệp trong dịch Covid-19, hiệu quả của GDNN ít nhiều bị ảnh hưởng do thời gian thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp bị hạn chế do đình trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… nhất là trong các nghề vận tải, dịch vụ, du lịch và một số lĩnh vực khác.