Phát triển bền vững để tái tạo tương lai
Để có thể thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt Nam cần... tái tạo tương lai. Đây là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho phát triển bền vững.
Albert Einstein từng nói “Cơ hội lớn luôn nằm đâu đó trong mỗi cuộc khủng hoảng”. Bất kỳ nền kinh tế hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn nhận diện được cơ hội trong thách thức, nhưng để làm được điều đó sẽ cần đến sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quản trị rủi ro bài bản. Đây cũng chính là ý nghĩa của việc phát triển bền vững.
Bệ phóng đặc thù
Chúng ta đang sống trong một thế giới và một xã hội có tốc độ thay đổi vô cùng nhanh. COVID-19 chỉ là điểm khởi đầu của chuỗi những biến đổi mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong thập niên tới đây. Mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu có thể còn gây ra những thiệt hại khủng khiếp hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận lại nội hàm của sự “bền vững”. Đứng trước sự thay đổi thì yếu tố “khả năng chống chịu” trở nên quan trọng hơn bao giờ hết cho những doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.
Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) trong một báo cáo mới đây đã định nghĩa “khả năng chống chịu” của doanh nghiệp là khả năng dự báo, chuẩn bị cho những thay đổi, thích nghi với các hoàn cảnh theo cách mà doanh nghiệp có thể tối đa hóa các cơ hội phát triển trong dài hạn. Như vậy, chống chịu không còn chỉ giới hạn trong phạm vi của sự khắc phục thiệt hại, mà cần được doanh nghiệp nhìn nhận dưới góc nhìn hoàn toàn mới - khả năng trụ vững để vượt lên.
Biến cơ hội thành hiện thực
Để góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển thời gian tới, VCCI kiến nghị một số nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, dựa vào nội lực để phát triển lúc này có thể nói là một lựa chọn tất yếu. Và cách tốt nhất để Việt Nam có thể tự cường là khơi thông những điểm nghẽn để phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng lao động, cải thiện môi trường sống... bằng việc thực thi các chính sách một cách hiệu quả, thực chất, vì người dân, vì doanh nghiệp. Có như thế, Việt Nam mới sớm phát triển trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng!
Thứ hai, Chính phủ ưu tiên tập trung vào các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho áp dụng kinh tế tuần hoàn. Đổi mới sáng tạo ngay từ khâu thiết kế để đảm bảo kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm và có khả năng tái chế. Xây dựng chiến lược quốc gia tạo được mối liên kết, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Thứ tư, về hợp tác công tư: tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho PPP phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý hài hòa lợi ích của Nhà nước và tư nhân, thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân vào các dự án hợp tác công tư tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Các dự án PPP trong thời gian tới cần gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững, PPP vì con người, cộng đồng trong chính sách và thực thi.
Để Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) có thể thực sự đến gần hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cũng sẽ sớm nghiên cứu xây dựng thêm các phiên bản điều chỉnh của Bộ chỉ số CSI dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bên cạnh bộ chỉ số dành cho doanh nghiệp lớn.
Về phía Chính phủ: xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao Năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, tiệm cận với các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) là yếu tố sống còn, tạo nền tảng cho một cộng đồng doanh nghiệp bền vững, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường có thể xảy ra trong tương lai. Nâng cao nhận thức và đào tạo cho doanh nghiệp về lồng ghép các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược sản xuất – kinh doanh, xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững, hướng đến quản trị tích hợp (tích hợp Chiến lược phát triển bền vững vào Chiến lược doanh nghiệp).
Về phía doanh nghiệp: Mỗi doanh nghiệp đều có thể tạo ra những SDG cho riêng mình, theo công thức: S – strategy (chiến lược), D – determination (quyết tâm), G – governance (quản trị) hay S – strength (điểm mạnh), D – difference (khác biệt), G – growth (tăng trưởng)... Xây dựng chiến lược cụ thể, quyết tâm theo đuổi và triển khai, quản trị bài bản chuyên nghiệp – sẽ tạo nên cho doanh nghiệp – những điểm mạnh lợi thế cạnh tranh, để trở nên khác biệt và gặt hái tăng trưởng trong dài hạn.