NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài VI): “Chảy máu chất xám”
Nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL không những hạn chế cả về số lượng và chất lượng, mà còn được đánh giá là đang bị “chảy máu chất xám”.
Nhân lực là nguồn lực quan trọng mang tính quyết định cao đối với năng lực cạnh tranh. Thể lực, trí lực và nhân cách là ba yếu tố chính cấu thành chất lượng đội ngũ lao động tại mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, văn hóa xã hội, giáo dục và y tế là các tác nhân đầu vào có ảnh hưởng đến đặc điểm nguồn nhân lực của một khu vực như ĐBSCL.
Về văn hóa, ĐBSCL là vùng đất đa văn hóa, là nơi hội tụ và quần cư của nhiều cộng đồng cư dân, cả bản địa cả nhập cư đến “khẩn hoang lập ấp”. Về phương diện kinh tế, điều này một mặt tạo ra nguồn tài nguyên vô cùng phong phú cho hoạt động du lịch, song đồng thời hạn chế khả năng hợp tác giữa các cộng đồng khác nhau. Bên cạnh đó, đặc trưng “dân làng đi trước, nhà nước đến sau”, cùng với các hoạt động tôn giáo và lễ hội diễn ra rải rác trong năm khiến cho tác phong lao động của người dân thiếu tính kỷ luật và chuyên nghiệp.
Như vậy, các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú do lịch sử và tôn giáo để lại đã từng là niềm tự hào của người dân vùng ĐBSCL lại đang phần nào cản trở quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế của Vùng. Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi do tự nhiên ưu đãi khiến cho nguồn nhân lực không đủ động cơ để tự thay đổi, phát triển bản thân thích ứng với yêu cầu và bối cảnh mới.
Về giáo dục phổ thông, ĐBSCL từ lâu đã luôn được xem là “vùng trũng” về giáo dục đào tạo của cả nước với tỷ lệ bỏ học cao, cơ sở hạ tầng hạn chế, tỷ lệ chi ngân sách địa phương cho giáo dục thấp hơn mức bình quân cả nước. Đáng lưu ý là mặc dù tỷ lệ đi học ở cấp tiểu học của ĐBSCL cao nhất so với cả nước, nhưng tỷ lệ này bắt đầu tuột dốc mạnh từ cấp THCS và tiếp tục ở cấp PTTH khiến cho ĐBSCL có tỷ lệ đi học phổ thông thấp nhất nước.
Trong nội bộ vùng ĐBSCL, những địa phương có lợi thế về phát triển kinh tế và có khả năng tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp sẽ có tỷ lệ đi học cao hơn. Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ đi học (và giảm bớt tỷ lệ bỏ học), nếu chỉ tăng chi hỗ trợ hay tuyên truyền vận động thôi là không đủ, mà quan trọng hơn là phải phát triển kinh tế, tạo thêm cơ hội sinh kế và việc làm cho người lao động.
Về giáo dục đại học, mặc dù ở ĐBSCL đã có nhiều trường đại học lớn ở các địa phương, đặc biệt các trường đại học ở Cần Thơ có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, song một lần nữa do thiếu cơ hội việc làm tốt nên một tỷ lệ lớn nguồn nhân lực chất lượng cao có khuynh hướng di cư về miền Đông Nam Bộ.
Về đào tạo nghề, hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề nhìn chung không gắn kết với khu vực doanh nghiệp, đồng thời lạc hậu so với thực tiễn sản xuất – kinh doanh nên không giúp cung ứng nguồn lao động kỹ thuật lành nghề hay góp phần tích cực cho sự phát triển các ngành kinh tế đặc thù ở địa phương. Kết quả là ĐBSCL có tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo thấp nhất nước (13,3%), thậm chí thấp hơn cả Tây Nguyên và Trung du - miền núi phía Bắc.
Về y tế, hầu hết các tỉnh trong khu vực ĐBSCL có số lượng giường bệnh và bác sĩ trên 10.000 dân rất thấp so với cả nước, một số tỉnh thậm chí chỉ bằng phân nửa số bình quân cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL có thuận lợi lớn khi có Cần Thơ và gần Thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn có hệ thống y tế phát triển nhất nước.
Với đặc điểm này, nếu thực hiện được việc kết nối hệ thống y tế giữa các địa phương với Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh thì trước mắt các tỉnh ít phát triển chỉ cần đóng vai trò khám sàng lọc, xử lý bệnh cơ bản và phân luồng bệnh nhân tốt. Hoạt động khám chữa bệnh ở mức độ cao hơn có thể được thực hiện ở những thành phố có thế mạnh về hạ tầng y tế.
Tóm tắt lại, cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL đang khá hạn chế, không những thế lại đang bị chảy máu chất xám. Để khắc phục tình trạng này, cần cải thiện các tác nhân đầu vào trong đó quan trọng nhất là cần thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, đồng thời phát triển kinh tế để tạo thêm cơ hội việc làm, từ đó khuyến khích người dân theo đuổi việc học tập, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên nghiệp phát triển. Ở một mức độ táo bạo hơn, tận dụng đặc điểm văn hóa cởi mở, dễ tiếp nhận cái mới và ít rào cản xã hội, ĐBSCL nên tìm cách xây dựng hệ sinh thái sáng tạo để hấp dẫn nhân tài lựa chọn đây là nơi khởi nghiệp và phát triển.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài V): Chính sách tài khóa và tín dụng – Tăng nhưng chưa tương xứng
05:30, 15/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài IV): Các lợi thế chưa khai phá
05:30, 14/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài III): Cơ sở hạ tầng - nút thắt quan trọng
14:00, 13/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài II): Công nghiệp vẫn là "vùng trũng"
05:00, 11/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài I): Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế 2009 - 2019
05:30, 10/02/2021