NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài VII): Ngành lúa gạo bị kìm hãm bởi chuỗi cung ứng lỏng lẻo
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2009 - 2019 gia tăng gần 5%, trong khi đó giá trị xuất khẩu (GTXK) gia tăng đến 24%.
Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sự cải thiện quan trọng về chất lượng gạo xuất khẩu. Trong dài hạn, cùng với sự biến đổi về cơ cấu nhân khẩu học và mức sống toàn cầu, định hướng hạn chế số lượng và tăng cường chất lượng lúa gạo xuất khẩu sẽ ngày càng trở thành chiến lược quan trọng để phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Cụm ngành lúa gạo ở ĐBSCL có lợi thế cạnh tranh nhờ điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng và nguồn nước thích hợp; lực lượng lao động sản xuất giàu kinh nghiệm; hệ thống phân phối vật tư nông nghiệp dày đặc và rộng khắp. Đặc biệt gần đây, ĐBSCL đã lai tạo nhiều dòng lúa thơm có thương hiệu, phẩm chất cao, được thế giới công nhận.
Cơ hội phát triển sản phẩm lúa gạo lớn mạnh còn đến từ xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Thêm vào đó, năng lực cạnh tranh của cụm ngành cũng luôn được bồi đắp bởi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như từ những chương trình/ dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài.
Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh vừa nêu, cụm ngành lúa gạo cũng phải đối mặt với những bất lợi như: ảnh hưởng biến đổi khí hậu; suy kiệt nguồn nước tưới; khan hiếm lao động ở vùng nông thôn; cơ giới hóa trong ngành chưa đồng đều giữa các tỉnh trong vùng và chưa đồng bộ giữa các khâu trong chuỗi cung ứng; chất lượng gạo không đồng nhất; hạ tầng giao thông của vùng chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ; đối thủ cạnh tranh gay gắt về xuất khẩu gạo trên thế giới; khả năng tự túc lương thực của một số quốc gia nhập khẩu gạo lớn ngày càng gia tăng, trong khi chiến lược phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo của vùng vẫn chưa có lời giải.
Cuối cùng, năng lực cạnh tranh của cụm ngành đang bị kìm hãm bởi năng lực liên kết của các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng. Cũng chính từ sự thiếu năng lực liên kết này đã dẫn đến tình trạng nông dân phải mua vật tư nông nghiệp qua các đại lý và chịu mức tín dụng cao, dẫn đến làm tăng chi phí trung gian, và do vậy làm giảm giá trị gia tăng thuần (lợi nhuận) của toàn chuỗi giá trị lúa gạo.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài VI): “Chảy máu chất xám”
04:09, 16/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài V): Chính sách tài khóa và tín dụng – Tăng nhưng chưa tương xứng
05:30, 15/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài IV): Các lợi thế chưa khai phá
05:30, 14/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài III): Cơ sở hạ tầng - nút thắt quan trọng
14:00, 13/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài II): Công nghiệp vẫn là "vùng trũng"
05:00, 11/02/2021
NHẬN DIỆN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Bài I): Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế 2009 - 2019
05:30, 10/02/2021