"Gần 70% doanh nghiệp biết về CPTPP"

ĐỖ HUYỀN 07/04/2021 13:27

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Đánh giá hai năm thực hiện Hiệp định CPTPP tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay (7/4) tại Hà Nội.

Phát biểu tạị Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định đặc biệt, có thời gian đàm phán lâu nhất và cũng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng nhất. “Tiền thân của CPTPP là Hiệp định TPP, đã có những lúc chúng ta tưởng rằng CPTPP không thể ký kết nhưng cuối cùng nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ mà hiệp định đặc biệt này đã được hồi sinh”, Chủ tịch VCCI nói

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Cũng theo Chủ tịch VCCI, CPTPP là hiệp định thương mại có mức độ tự do hoá cao nhất, có nhiều cam kết mở cửa nhất, phức tạp nhất nhưng cũng thách thức nhất với Việt Nam. “Các cam kết của CPTPP khó tới nỗi, dù đã có hiệu lực trong 2 năm nhưng đến nay có những đối tác vẫn chưa phê chuẩn hiệp định. Chúng ta là nước tiên phong đầu tiên tiên phong trong việc phê chuẩn thực hiện Hiệp định này. Điều này thể hiện quyết tâm hội nhập của Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, CPTPP là chính là một trong những hiệp định thể hiện sự hội nhập đỉnh cao nhưng đi liền với hội nhập đỉnh cao thì cũng có những thách thức đỉnh cao. “Do đó, thời điểm này là thời điểm thích hợp để nhìn lại quá trình 2 năm thực thi hiệp định này. Đây cũng là cơ hội để chúng ta chia sẻ những thông tin đáng mừng nhưng cũng kèm theo đó là những tín hiệu quan ngại từ qúa trình thực hiện Hiệp định”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, CPTPP là “Hiệp định nổi tiếng”. Theo đó, về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, có đến 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định.

Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu. Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

có đến 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này

Có đến 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này

Về các tác động cụ thể của CPTPP, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ Hiệp định này.  Với 3/4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

Thực tế này không gây ngạc nhiên (khi CPTPP không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ví dụ khối này chỉ chiếm chưa đầy 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019) nhưng lại là gợi ý quan trọng cho thấy cần thiết phải quảng bá về các cơ hội mới từ CPTPP, những lợi ích cụ thể có thể có, để các doanh nghiệp biết và nghĩ tới việc tận dụng, đặc biệt là với các thị trường mới, chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp trong CPTPP.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, hơn phân nửa thời gian có hiệu lực của CPTPP, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn theo cách chưa từng có bởi đại dịch COVID-19. Dự báo doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản sống chung với COVID-19 theo cách thức đặc biệt - kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới”.

Trước tương lai này, mặc dù đã phải chịu nhiều thiệt hại trong thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp tỏ thái độ khá bình tĩnh, với 60,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Thậm chí 13,3% doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh rất tốt trong đại dịch, và vì vậy thậm chí có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có khoảng 17,2% doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, và gần 1% tính tới việc ngừng kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho một tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, 3/4 các doanh nghiệp cho biết họ đã/đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các Hiệp định này.

“Điều này cho thấy những hứng khởi của doanh nghiệp đối với quá trình hội nhập. Những ví dụ cụ thể như vậy cho thấy qua một số ví dụ cụ thể như vậy cho thấy 2 năm sau thực hiện khác với dự đoán trước đó”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • “Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada là một trong những mẫu hình thành công nhất mà CPTPP mang lại”

    16:36, 23/03/2021

  • CPTPP có trở thành “chiến trường” mới cho Mỹ - Trung?

    05:05, 21/02/2021

  • Vương quốc Anh thúc đẩy gia nhập CPTPP

    05:15, 01/02/2021

  • THẾ GIỚI BIẾN ĐỔI VÀ CON ĐƯỜNG CỦA VIỆT NAM (SỐ 5): Khởi động EVFTA, CPTPP bất chấp khó khăn từ dịch bệnh

    14:02, 18/10/2020

ĐỖ HUYỀN