Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp

GIA NGUYỄN 20/04/2021 11:20

Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam, VCCI cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều thách thức, trở ngại với doanh nghiệp.

Sáng 20/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”. Báo cáo này do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform).

Hội thảo công bố Báo cáo

Hội thảo công bố Báo cáo "Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp" diễn ra sáng 20/4 tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ảnh: Gia Nguyễn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 05 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Đây chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform cho biết, chương trình cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian qua được ghi nhận bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Theo Viện trưởng CIEM, hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, bà Minh cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

Theo báo cáo "Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp" cho thấy, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn một số trở ngại nhất định đối với hoạt động của doanh nghiệp - Ảnh: Gia Nguyễn

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn một số trở ngại nhất định đối với hoạt động của doanh nghiệp - Ảnh: Gia Nguyễn

Thế nhưng, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.

Ông Andrew Barnes - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam nhận định, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc góp ý cho các cơ quan chức năng về cải thiện chính sách nhằm giảm bớt các quy định không cần thiết, hỗ trợ môi trường kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

“Việt Nam và Australia đều đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 và hiện đang tìm cách giải quyết những thách thức phía trước khi khu vực tái thiết và phục hồi”, ông Andrew Barnes khẳng định.

Theo ông Andrew Barnes: "Bất chấp những thách thức của dịch bệnh trong năm 2020, hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân Việt Nam trong 5 năm qua rất ấn tượng: các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp tục là nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và việc làm; đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào nền kinh tế lớn hơn nhiều so với ở các quốc gia đang phát triển khác.

Thành công của khu vực tư nhân Việt Nam một phần là nhờ truyền thống kinh doanh sâu sắc của chúng ta. Chúng ta chỉ cần đi bộ xuống đường ở bất kỳ thành phố, thị trấn nào của Việt Nam là có thể chứng kiến tinh thần kinh doanh của người dân địa phương".

Có thể bạn quan tâm

  • PCI: Dư địa cải cách vẫn còn lớn

    PCI: Dư địa cải cách vẫn còn lớn

    02:00, 18/04/2021

  • PCI 2020: Đồng Tháp xây dựng môi trường đầu tư

    PCI 2020: Đồng Tháp xây dựng môi trường đầu tư "thông thoáng", thuận lợi cho doanh nghiệp

    12:00, 17/04/2021

  • PCI 2020: Vì sao điểm tính minh bạch của Bắc Ninh giảm mạnh?

    PCI 2020: Vì sao điểm tính minh bạch của Bắc Ninh giảm mạnh?

    22:08, 16/04/2021

  • Vì sao PCI của Kiên Giang, Bạc Liêu bị xếp “hạng bét”

    Vì sao PCI của Kiên Giang, Bạc Liêu bị xếp “hạng bét”

    13:30, 16/04/2021

  • Phú Yên quyết tâm cải thiện chỉ số PCI

    Phú Yên quyết tâm cải thiện chỉ số PCI

    12:32, 16/04/2021

GIA NGUYỄN