QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Áp dụng Luật cần thống nhất giữa các địa phương
Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An, đại diện Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam, việc thực thi Luật tại các địa phương còn mang tính cảm tính, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu ý kiến tại Buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ giới doanh nhân, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An, đại diện Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam với 10.000 hội viên phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia tích cực vào công tác chống dịch như chuỗi các hoạt động ATM…
Để hỗ trợ cho sự hồi phục của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, bà Phạm Thị Bích Huệ, đại diện Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam đề xuất, thứ nhất, về Luật BHXH sửa đổi, lĩnh vực bảo hiểm gồm bảo hiểm tài sản doanh nghiệp và bảo hiểm con người. Bà Huệ cho biết, doanh nghiệp hiểu rằng bảo hiểm là “cái phao” cho doanh nghiệp khi có tình huống khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp “níu” vào để phục hồi sản xuất.
“Tuy nhiên trong thực tế còn nhiều bất cập khi vận dụng. Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp đôi khi vừa áp dụng Luật, đôi khi vừa áp dụng Lệ từ các thông lệ quốc tế, dẫn tới không rõ ràng trong các quy định về luật tài sản. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi áp dụng và tiếp cận chính sách bảo hiểm”, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An nhấn mạnh.
Thứ hai, về bảo hiểm con người, trong đó có BHXH, doanh nghiệp đề xuất Quốc hội xem xét giảm các khoản thu, phí liên quan chính sách BHXH.
“Hiện, ngoài quy định 2% quỹ công đoàn, doanh nghiệp đang phải đóng 32% trên thu nhập của người lao động cho BHXH. Đây là gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động”, bà Phạm Thị Bích Huệ nhấn mạnh.
Thứ ba, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị về Luật Đầu tư. Mặc dù đổi mới sáng tạo đang được chú trọng, nhưng Luật Đầu tư vẫn chưa đo lường được lĩnh vực này.
“Cụ thể, mặc dù quy định về đấu thầu trong Luật Đầu tư là hình thức minh bạch, nhưng yêu cầu về kinh nghiệm để áp dụng chung cho doanh nghiệp xây dựng và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là chưa phù hợp, là rào cản cho các doanh nghiệp trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp”, đại diện Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam nhấn mạnh.
Thứ tư, về Luật Đất đai, theo kinh nghiệm của doanh nghiệp khi đầu tư về địa phương doanh nghiệp được lựa chọn đóng tiền thuê đất với nhà nước. Nhưng về địa phương có tính cảm tính, có địa phương yêu cầu đóng 1 lần 50 năm, có địa phương yêu cầu đóng hàng năm. Việc này tạo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, Luật có sự hiểu áp dụng quy định khác nhau giữa các địa phương khiến doanh nghiệp gặp trở ngại.
Hoan nghênh sự ra đời của Viện Nghiên cứu Luật pháp sẽ mang luật gần hơn với đời sống sản xuất kinh doanh, bà Huệ cho biết thực tế việc áp dụng các văn bản Luật vào thực tiễn sản xuất còn nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau giữa các địa phương.
Lấy ví dụ đơn cử, bà Huệ cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có kho bãi. Với một số địa phương, việc hiểu và áp dụng quy định kho bãi là bất động sản do đó, cho phép mật độ xây dựng là 50%. Trong khi đó, một số địa phương hiểu kho bãi ở đây là khu công nghiệp, áp dụng mật độ xây dựng 60%. Vì vậy, đề nghị Viện và các cơ quan liên quan nghiên cứu sâu hơn vấn đề thực tiễn áp dụng của các Luật, để áp dụng đồng loạt tại các địa phương”.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Nhiều đạo Luật quan trọng sẽ được rà soát, sửa đổi trong năm 2022
17:22, 07/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Đưa Luật Đất đai vào vào Chương trình xây dựng luật năm 2022
16:50, 07/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Cần có giải pháp đặc biệt và đột phá trong tình hình mới
16:29, 07/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Xây dựng pháp luật minh bạch, thực chất
16:20, 07/10/2021