Quốc hội luôn vì người dân và doanh nghiệp
“Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Đảng, Nhà nước đã và đang có cách làm đặc biệt và quyết sách đặc biệt để kịp thời hỗ trợ những doanh nghiệp đang gặp khó khăn”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong thông báo kết luận số 205-TB-TTKQH, về cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Lực lượng xung kích
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Với vai trò là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, trong 58 năm qua, VCCI đã luôn nỗ lực cố gắng vì sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
VCCI và nhiều hiệp hội doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, ngày 9/12/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần kiên cường của các doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến tâm huyết, thiết thực, công tâm, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 2 khai mạc vào ngày 20/10/2021, Quốc hội sẽ xem xét một số dự án luật quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân, xem xét quyết định các nhiệm vụ kinh tế-xã hội trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt kinh tế-xã hội, đặc biệt là việc làm, sinh kế của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Kỳ họp cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật, xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội còn xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025; xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025... Những nội dung của Kỳ họp cơ bản sẽ tập trung vào những giải pháp phục hồi nền kinh tế để Việt Nam sớm trở lại đà phát triển trước đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ
Giai đoạn hiện nay rất khó khăn, nhưng đó chỉ là những khó khăn trước mắt, tạm thời và cũng là lúc quan trọng để thử thách bản lĩnh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào các quyết sách, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tin tưởng nền tảng vĩ mô của nước ta là ổn định, vững chắc, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường của dân tộc ta để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã khẳng định quan điểm thích ứng an toàn, nới lỏng dần các hoạt động để trở lại trạng thái bình thường mới trên cơ sở điều kiện tiên quyết là bao phủ được vaccine.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI và cộng đồng doanh nghiệp tích cực “hiến kế” về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế để đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV và Diễn đàn kinh tế-xã hội thường niên vào đầu năm 2022 để bàn về thích ứng với đại dịch và phục hồi kinh tế-xã hội.
Theo đó, đề nghị VCCI tập trung nghiên cứu về các vấn đề, như xu hướng kinh doanh thời hậu COVID-19, tận dụng cơ hội từ đại dịch, cách thức để vượt qua những rủi ro pháp lý hậu đại dịch, những ngành, lĩnh vực có thể bứt phá được sau đại dịch, giải pháp để tăng cường khả năng huy động vốn vào các loại thị trường và cải thiện năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng năng lực thị trường vốn và thị trường khoa học công nghệ...
Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị thông qua Đề án và ban hành kết luận về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về hoàn thiện thể chế đều đã được xác định trong danh mục trên và có lộ trình thực hiện kèm theo. Quốc hội luôn muốn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị cụ thể, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, giải pháp hiệu quả tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế đầu tư, kinh doanh và trong công tác thực thi pháp luật, để từ đó Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành những chính sách phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI tổng hợp đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chưa có điều kiện trình bày ý kiến tại cuộc làm việc, gửi đến các cơ quan của Quốc hội để bổ sung vào báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Có thể bạn quan tâm
Chủ nhiệm Ủy ban xã hội: Doanh nghiệp tiếp cận các chính sách tín dụng khó khăn
11:38, 20/10/2021
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ: Cử tri đặc biệt quan tâm đến phục hồi kinh tế!
11:27, 20/10/2021
Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội: Mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, duy trì kinh tế
11:07, 20/10/2021
Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
10:58, 20/10/2021
Chủ tịch Quốc hội: Ý chí kiên cường phát huy cao độ trong bối cảnh COVID-19!
10:45, 20/10/2021
Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5%
10:44, 20/10/2021