Hướng tới thập kỷ tốt đẹp hơn
Phát triển bền vững (PTBV) là xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới, cũng là đường lối, quan điểm chỉ đạo và mục tiêu chiến lược quan trọng mà Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: VCCI sẽ nỗ lực cùng cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu đạt được mục tiêu: “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
- Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi các mục tiêu PTBV của Việt Nam trong những năm gần đây?
Có thể khẳng định, kể từ khi Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Liên Hợp Quốc được thông qua, tiến trình đạt tới sự phát triển thịnh vượng và hài hòa dưới cả 3 góc độ kinh tế- xã hội- môi trường tại mỗi quốc gia giờ đây đã có đích đến cụ thể và thống nhất. Xét trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV (SDG) liên tục tăng trong giai đoạn 2016 - 2021, giúp vị thế của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu cũng được cải thiện không ngừng với chuỗi tăng về thứ hạng, từ vị trí 88/149 quốc gia năm 2016 lên vị trí 51/165 quốc gia năm 2021.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trong số 17 mục tiêu PTBV, Việt Nam chỉ được đánh giá ở mức “hoàn thành” đối với 2/17 mục tiêu là Chất lượng giáo dục và Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm. Một số mục tiêu Việt Nam khó có thể đạt được trong năm 2030. Đó là mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người Việt Nam; và đặc biệt là phát triển đô thị, nông thôn bền vững. Mặc dù quãng đường phía trước để thực hiện mục tiêu PTBV còn nhiều chông gai, nhưng việc Việt Nam đã dần vươn lên những vị trí cao hơn bảng xếp hạng đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các mục tiêu PTBV đã được cam kết.
- Nỗ lực thúc đẩy và thực thi PTBV đã tác động ra sao đến cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, thưa ông?
Trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm.
Đại dịch COVID-19 theo một cách nào đó, là “cú hích” quan trọng để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, từ đó có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều nguồn lực hơn cho việc thiết lập khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động kinh doanh liên tục. Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, từ đó phục hồi và PTBV hơn. Đến khi dịch được khống chế, kinh tế phục hồi, trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã tạo dựng từ nguồn nhân lực và niềm tin của người lao động với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nền tảng vững vàng để sớm khôi phục và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
- Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu PTBV thời gian tới?
Thách thức lớn nhất hiện nay đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu PTBV là nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) còn thấp, làm cho những thói quen cũ trong sản xuất và quản lý chậm thay đổi. Nhận thức về PTBV của không ít cơ quan, doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa quan tâm đúng mức đến sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam chủ yếu vẫn là nguồn lực công, trong khi ngân sách còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Việc huy động nguồn lực tư nhân, các nguồn lực trong xã hội lại hạn chế.
- Xin ông cho biết các chương trình hành động của VCCI đồng hành với cộng đồng doanh thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ?
VCCI và Hội đồng doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) những năm qua và thời gian tới luôn phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện PTBV.
Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như các bộ, ngành, địa phương thực hiện các sáng kiến như: Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách về PTBV; thực hiện chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững dựa trên bộ chỉ số CSI; triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn...
VCCI và VBCSD cũng sẽ kiến nghị, tư vấn cho Chính phủ trong thực hiện các giải pháp giải quyết các thách thức trong các mô hình đối tác công tư (PPP) nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam.
VCCI và VBCSD tích cực khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, song với lợi thế về tiềm năng năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. |