Phát huy vai trò của năng lượng tái tạo trong tương lai

DIỄM NGỌC 24/03/2022 13:37

Việt Nam tăng cường ứng dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời tạo ra ngành công nghiệp sạch, hướng tới trung tính carbon và mục tiêu đã cam kết tại hội nghị COP26.

>>Còn nhiều dư địa tăng trưởng giữa doanh nghiệp Việt Nam và Pháp ngữ

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam – Pháp ngữ, Chuyên đề Hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng bền vững tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận về vấn đề này.

Chuyên đề Hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng bền vững tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ (ảnh: Diễm Ngọc)

Chuyên đề Hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng bền vững tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ (ảnh: Diễm Ngọc)

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia của Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ (ONUDI) cho biết, về năng lượng bền vững nói chung, trong đó có những bài học về năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên chính của ONUDI. Doanh nghiệp cũng là một trong những đối tượng thụ hưởng bên cạnh các tổ chức của Chính phủ.

“Chúng tôi hoạt động rộng khắp trên toàn thế giới, nhưng chỉ tóm lại ở trong bốn lĩnh vực chính, gồm các hoạt động liên quan đến phát triển năng lượng bền vững đó là:

Thứ nhất, hỗ trợ hoạt động sản xuất để tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo một cách bền vững với giá cả phải chăng. Có rất nhiều hoạt động trực tiếp liên quan đến chuyển hóa nguồn năng lượng tái tạo trong công nghiệp, như các dự án mà chúng tôi hỗ trợ cho chuỗi giá trị sản xuất nồi hơi tại Việt Nam, để sử dụng thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, cùng rất nhiều hoạt động khác như chế biến nông sản, cũng ứng dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm chi phí sản xuất,...

Thứ hai, thúc đẩy áp dụng công nghệ tiên tiến trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng như xi măng, hóa chất, thép,... Những đổi mới về công nghệ này sẽ góp phần tạo nên ngành công nghiệp sạch, hướng tới trung tính carbon và mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại hội nghị COP26. Ngoài ra, chúng tôi cũng hoạt động rất tích cực đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, thông qua hàng loạt các hỗ trợ về phát triển chính sách, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và thực hiện các hoạt động trình diễn thực tế để minh họa cho hiệu quả của các hoạt động này và nhân rộng.

Thứ ba, là thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên để giúp tiết kiệm các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào từ nước, hóa chất, năng lượng. Đây là những giải pháp rất tổng thể, góp phần không chỉ giải quyết các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu mà thực tế là đã giúp các doanh nghiệp giảm được các chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tạo ra thu nhập, việc làm mới, cũng như thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội và môi trường”, bà Thảo chia sẻ.

>>Việt Nam tăng cường quan hệ đối ngoại trong khối Pháp ngữ

Tại phiên thảo luận, ông AKA Narcisse, Tổng thư ký Toà công lý và Trọng tài chung (CCJA) của Tổ chức hài hoà hoá pháp luật kinh doanh châu Phi (OHADA) chia sẻ, OHADA là tổ chức hài hòa hóa luật kinh doanh ở châu Phi và muốn xây dựng luật thống nhất cho 17 quốc gia thành viên của OHADA nằm trong 54 quốc gia thành viên của cộng đồng Pháp ngữ. Có thể thấy rằng, OHADA là một tổ chức rất quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ và các đối tác kinh doanh, để làm sao có được hệ thống pháp luật hài hòa, thống nhất. Khi một doanh nghiệp muốn đến một nước khác để đầu tư, thì họ thấy luật của quốc gia nơi mình đến thống nhất với luật của mình, như luật kinh doanh chung, luật doanh nghiệp, luật trọng tài, luật hòa giải và rất nhiều Đạo luật khác.

“Đó là những công cụ thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh, OHADA đảm bảo cho các nhà đầu tư sự an toàn pháp lý, khả năng lường trước được các rủi ro về pháp lý và trên cơ sở đó, chúng tôi muốn xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất trong 17 quốc gia, nhằm đảm bảo hiệu quả nhưng với điều kiện các nhà đầu tư cần phải có sự hỗ trợ của các luật sư trong hoạt động đầu tư kinh doanh của mình”, AKA Narcisse cho biết.

Về phía Việt Nam, liên quan đến hoạt động đầu tư dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Đặng Huy Cường, thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, EVN có một số các dự án về thủy điện, hợp tác với nhà đầu tư Pháp ngữ, chủ yếu là ở các thể chế tài chính của nước Pháp, cụ thể như EVN hợp tác với cơ quan phát triển AFD, để có những khoản vay đầu tư trong nhà máy thủy điện của tập đoàn.

“Trong quá khứ, chúng tôi có nhà máy Hội Quảng với khoản vay 100 triệu USD năm 2010 và hiện tại đã ký vay 70 triệu Euro năm 2021 để mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình và sắp tới, cũng sẽ mở rộng vay với AFD khoản vay 80 triệu USD để đầu tư lưới điện Việt Nam.

Việc thu hút đầu tư trong các lĩnh vực này chủ yếu là đối với hoạt động hợp tác với các thể chế tài chính và chủ yếu là nước Pháp, còn trong cộng đồng Pháp ngữ thì cũng chưa có nhiều”, ông Cường cho biết.

Cũng theo đại diện EVN, trong chiến lược của tập đoàn cũng sẽ tập trung chủ yếu vào kêu gọi hợp tác đầu tư với các đối tác trên thế giới và chủ yếu hợp tác nghiên cứu đầu tư trong các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong giai đoạn sắp tới, sẽ kêu gọi trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng của các nhà máy sử dụng khí. Đây là một lĩnh vực mà Việt Nam đang dự kiến phát triển mạnh trong giai đoạn tới để giảm phát thải CO2.

“Chúng tôi cũng xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác nước ngoài, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp nhiên liệu dài hạn, còn trong các lĩnh vực về tự động hóa, hiện đại hóa trong sản xuất truyền tải phân phối điện vào lưới điện thông minh và cũng có những hỗ trợ với các đối tác nước ngoài.

Đến nay, lĩnh vực hợp tác của tập đoàn rất nhiều, rất đa dạng. Chúng tôi mong muốn các nước trong cộng đồng Pháp ngữ sẽ cùng nhau tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển và có thêm một mong muốn nữa đó là, trong thời gian tới, sau khi Luật điện lực sửa đổi được ban hành năm 2022, thì việc đầu tư vào lưới điện truyền tải cũng sẽ mở rộng cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước”, đại diện EVN bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn nhiều dư địa tăng trưởng giữa doanh nghiệp Việt Nam và Pháp ngữ

    10:41, 24/03/2022

  • Việt Nam tăng cường quan hệ đối ngoại trong khối Pháp ngữ

    09:32, 24/03/2022

  • Cơ hội kết nối từ Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ

    05:30, 23/03/2022

  • Thúc đẩy hợp tác giữa Trường Đại học Quản trị Normandie và Viện Quốc tế Pháp ngữ

    20:01, 14/03/2022

  • Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế khối Pháp ngữ sắp thăm Việt Nam

    09:50, 03/08/2021

DIỄM NGỌC