Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Phòng chống "bệnh... không dự liệu được tình hình"
Đây là một trong những vấn đề nổi bật được VCCI công bố trong Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021.
>>TRỰC TIẾP: Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021
Hôm nay (29/3) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: hai năm qua, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19. Để ngăn chặn sự lây lan, Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp phòng và chống dịch quyết liệt, trong đó có các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại của cá nhân, quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động kinh tế đã dần chuyển dịch theo phương thức khác để thích ứng với thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Những yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đã buộc cơ quan nhà nước phải thực hiện một số hoạt động vượt ra ngoài phạm vi quy định của các luật liên quan.
Sau này, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã cho phép Chính phủ có thể thực hiện những biện pháp vượt quá/chưa có quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Trong bối cảnh đó, ông Tuấn cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý đã đặt ra và cần phải cân nhắc, xem xét.
Theo đó, ông Tuấn nhấn mạnh pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta có quy định về các bệnh truyền nhiễm, công tác phòng, chống dịch khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng trong thực tiễn phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, rất nhiều quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 chưa dự liệu được và rất khó áp dụng. Từ các khái niệm như “vùng có dịch”, “địa đểm xảy ra dịch”, “quy mô dịch” đến thẩm quyền công bố dịch, áp dụng các biện pháp phòng dịch chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tế của dịch COVID-19 đang diễn ra.
“Nói chung, trên thực tiễn phòng chống dịch COVID-19, phần lớn các chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống dịch đều không thấy trích dẫn hoặc căn cứ từ các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm. Điều này cho thấy các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa phù hợp và cần phải sửa đổi”, ông Tuấn nói.
Trên thực tế, nước ta đã trải qua bốn lần bùng phát dịch bệnh, trong mỗi đợt dịch bùng phát, chính quyền địa phương áp dụng biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, trong đó có biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Biện pháp này khiến người dân phải ở trong nhà nhiều hơn, các hoạt động tiêu dùng chuyển dần sang môi trường điện tử. Doanh nghiệp để thích ứng với tình hình cũng đẩy mạnh các hoạt động giao dịch, mua bán, kinh doanh trên môi trường Internet.
"Dịch bệnh khiến các hoạt động kinh tế của nước ta vận hành theo cách thức trước nay chưa có tiền lệ. Dịch bệnh cũng thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch sang các phương thức kinh doanh khác truyền thống. Về cơ bản, hệ thống pháp luật kinh doanh điều chỉnh cho các hoạt động kinh tế ở trạng thái bình thường”, ông Tuấn nói.
Do đó, khi áp dụng cho trường hợp đặc biệt như dịch bệnh sẽ có độ “vênh” nhất định, nhiều trường hợp không có quy định, tạo ra khoảng trống pháp lý, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Đơn cử, ông Tuấn nhấn mạnh đến việc pháp luật chưa có quy định bán thuốc trực tuyến nhưng trong giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu mua thuốc không kê đơn tăng cao. Do yêu cầu hạn chế đi lại, mua bán trực tuyến sẽ là cách thức giao dịch hiệu quả giúp cho người dân mua thuốc mà không phải ra khỏi nhà.
“Tuy nhiên, các quy định hiện tại lại chưa cho phép bán thuốc trên nền tảng trực tuyến. Theo quy định của pháp luật về dược, các hình thức bán lẻ thuốc thực hiện thông qua nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Cơ sở bán lẻ phải đáp ứng một số điều kiện về địa điểm, bảo quản, trang thiết bị, nhân sự. Với các quy định này, người dân phải mua thuốc trực tiếp tại các cơ sở bán thuốc. Điều này chưa phù hợp với tình hình dịch bệnh”, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Tuấn cũng cho biết hiện, pháp luật chưa quy định cho hình thức khám bệnh từ xa. Dịch bệnh cũng khiến nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, có nhiều người không đến bệnh viện để thăm khám dẫn tới tình trạng bệnh nặng, thậm chí tử vong, vì lo sợ lây nhiễm hoặc sợ phiền phức bởi các biện pháp phòng dịch. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhiều người bị nhiễm COVID-19 phải điều trị tại nhà do cơ sở y tế quá tải.
Xuất phát từ thực tế này, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ xa là rất cần thiết và quan trọng. Dịch vụ này sẽ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế và kịp thời chữa trị cho người bệnh.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh không có quy định về hình thức khám bệnh từ xa. Pháp luật về bảo hiểm y tế cũng không có quy định liên quan đến thanh toán chi phí cho hình thức khám bệnh, chữa bệnh này.
Tương tự, ông Tuấn cho biết pháp luật chưa quy định giải quyết cho trường hợp người lao động phải làm việc ở nhà.
“Trong giai đoạn dịch bệnh, theo chỉ thị từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phải giảm số người làm trực tiếp, chuyển sang làm việc trực tuyến, làm việc từ xa. Điều này cũng nảy sinh một số vấn đề liên quan đến chính sách cho người lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động, giờ làm việc, hiệu suất làm việc; những thỏa thuận khác trong thỏa ước lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động… Quy định hiện tại chưa hướng dẫn cho các trường hợp lao động làm việc từ xa. Nếu phát sinh tranh chấp, rất khó có cơ sở pháp lý để giải quyết”, ông Tuấn nói.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm
TRỰC TIẾP: Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021
08:52, 29/03/2022
Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: chất lượng của thông tư và ảnh hướng tới doanh nghiệp
04:30, 29/03/2022