59 NĂM THÀNH LẬP VCCI: Thiết lập nền tảng phát triển

PHAN NAM thực hiện 27/04/2022 13:30

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng: Văn hoá kinh doanh chính là nền tảng phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, nền kinh tế.

>>VCCI: 59 năm hành trình vì doanh nghiệp

- Một trong 3 đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021- 2026 là tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Theo ông đâu là giải pháp để thúc đẩy tiến trình này?

Văn hóa kinh doanh được hiểu là hệ thống giá trị, các chuẩn mực và triết lý kinh doanh; là văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiêp, đạo đức kinh doanh và ứng xử kinh doanh.

Văn hoá kinh doanh có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, lớn hơn là nền kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam trước hết cần nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam, bao gồm các giá trị văn hoá tinh hoa của dân tộc, kết hợp hài hoà các giá trị của văn hoá kinh doanh của thế giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế. VCCI cũng cần nhanh chóng xây dựng Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam”, gắn việc xây dựng văn hoá kinh doanh với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các cuộc vận động, diễn đàn thường niên, Ngày văn hoá kinh doanh Việt Nam, qua đó bình chọn, công nhận, vinh danh, các doanh nghiệp đạt chuẩn.

Về phía doanh nghiệp, các hội viên VCCI cần tự nguyện, tiên phong xây dựng văn hoá kinh doanh tại chính doanh nghiệp mình. Đưa các tiêu chí văn hoá kinh doanh vào quá trình đánh giá hoạt động doanh nghiệp. Đặc biệt, coi văn hoá kinh doanh là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

- Bên cạnh nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò giám sát, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước như thế nào, thưa ông?

Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia. Một quốc gia có nhiều thương hiệu uy tín thì uy tín quốc gia đó cũng được nâng tầm.

p/Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Để văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh của mỗi doanh nghiệp và của cả xã hội cần xây dựng và phát triển đồng bộ thể chế, thiết chế trên cơ sở hài hoà lợi ích của mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân và cao hơn cả là lợi ích quốc gia.

Chính vì vậy, cùng với tiến trình xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo cơ sở pháp lý và cơ sở xã hội cho việc hình thành, phát triển các giá trị văn hoá kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát đồng hành, sớm phát hiện, cảnh báo, khuyến nghị những biểu hiện sai lệch về văn hoá, đạo đức kinh doanh để có những điều chỉnh kịp thời.

Với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, các cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế kiểm soát có hiệu quả quyền lực, kiên quyết chống sự suy thoái về đạo đức lối sống trong hệ thống chính trị, nâng cao đạo đức công vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua đó, tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích sự hình thành, phát triển và khẳng định các giá trị văn hoá kinh doanh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát việc thực hiện và phê phán các biểu hiện tiêu cực trong văn hoá kinh doanh.

>>VCCI-HCM với ba đột phá

>>VCCI: “Ngọn lửa” nhiệt huyết

>>Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ

- Theo ông, văn hóa kinh doanh Việt Nam có vai trò như thế nào đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Nếu văn hoá là nền tảng tinh thần đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội thì văn hoá kinh doanh chính là nền tảng phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, nền kinh tế.

Các giá trị văn hoá kinh doanh được dùng để đánh giá các hành vi, được chia sẻ và phổ biến rộng rãi giữa các thế hệ thành viên trong doanh nghiệp như một chuẩn mực để nhận thức, tư duy và cảm nhận trong mối quan hệ với các vấn đề mà họ phải đối mặt. Nó có tác động đến định hướng chiến lược của doanh nghiệp, đến hoạt động quản lý, các quyết sách trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về thiên tai, dịch bệnh, xung đột thương mại giữa một số quốc gia thì nền tảng văn hoá kinh doanh trở thành sức mạnh giúp doanh nghiệp chống chọi với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài.

Cải tiến và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm là rất cần thiết và tất yếu, song việc tạo dựng văn hoá kinh doanh mới chính là con đường ngắn, hiệu quả phù hợp với xu thế và phát triển chung. Điều này không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với các doanh nghiệp quy mô lớn mà còn thiết yếu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào có nền tảng văn hoá doanh nghiệp ứng xử văn hoá, văn minh với cộng động, với người tiêu dùng sẽ được tin tưởng. Cho nên, xây dựng văn hoá doanh nghiệp vừa là nhiệm vụ trọng tâm vừa là đột phá chiến lược của các doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • PCI 2021: Một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà

    10:19, 27/04/2022

  • VCCI: 59 năm hành trình vì doanh nghiệp

    09:30, 27/04/2022

  • PCI 2021: Quảng Ninh vững vàng ngôi đầu

    09:17, 27/04/2022

  • TRỰC TIẾP: Công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Việt Nam 2021

    08:46, 27/04/2022

  • PCI 2021: Nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh

    08:38, 27/04/2022

  • Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ

    05:23, 27/04/2022

  • VCCI-HCM với ba đột phá

    05:18, 27/04/2022

  • VCCI: “Ngọn lửa” nhiệt huyết

    05:15, 27/04/2022

  • Thời điểm nào nên điều chỉnh lương tối thiểu?

    02:05, 25/04/2022

PHAN NAM thực hiện