PCI 2021: Đắk Nông tăng 8 bậc, đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư
Việc xác định đúng điểm nghẽn để khơi thông là “chìa khóa” trên lộ trình cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Đắk Nông.
Mới đây, kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 cho thấy Đắk Nông đứng vị trí thứ 52/63, tăng 8 bậc so với năm 2020. Đây là thứ hạng cao nhất trong 8 năm gần đây của tỉnh trong bảng xếp hạng PCI.
>>> Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Thấu hiểu, đồng hành cùng doanh nghiệp
Lần đầu tiên trên sân khấu lớn Lễ công bố chỉ số PCI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI đã bày tỏ ấn tượng với Đắk Nông - một tỉnh có sự tiến bộ đáng ngưỡng mộ trong chỉ số PCI 2021. Đặc biệt, ông Tuấn còn nhấn mạnh chia sẻ của ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch tỉnh Đắk Nông: “Chỉ số PCI chính là tình cảm của doanh nghiệp với chính quyền". Theo ông Tuấn, câu nói này phần nào đó phản ánh đúng vì trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, doanh nghiệp có thể cảm nhận được những điều chính quyền các cấp dành cho mình.
LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ SỨC
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Dự án PCI thừa nhận, năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong bối cảnh khó khăn nhưng chất lượng điều hành của các chính quyền địa phương vẫn được cải thiện mạnh mẽ. Một số địa phương có những chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế, tăng cường chất lượng điều hành cũng như quản trị tốt dịch bệnh theo đánh giá của doanh nghiệp.
>>> Chủ tịch Hồ Văn Mười: Quyết tâm đưa “nhà đầu tư đến và ở lại Đắk Nông”
Nằm trong nhóm địa phương tăng trưởng ấn tượng, ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông không giấu nổi xúc động và tự hào khi biết chỉ số PCI Đắk Nông tăng 8 bậc. Theo ông Mười, Đắk Nông vẫn là một tỉnh nghèo, điều kiện cơ sở hạ tầng rất khó khăn, chính điều đó giúp tỉnh phải quyết tâm nỗ lực và đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để quyết tâm thực hiện.
“Kết quả này thể hiện sự quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đăk Nông, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Kết quả này thực sự xứng đáng và Đắk Nông tự hào về điều này” – ông Mười chia sẻ.
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế, cán bộ và nhân dân tỉnh Đắk Nông “vừa đi vừa chạy, đôi lúc phải nhảy, có vấp ngã cũng phải đứng lên đi và chạy tiếp” - ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025, với 3 khâu đột phá về: Cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư; Cải cách thể chế - chính sách; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương bám sát, chủ động thực hiện có hiệu quả cao nhất theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, gắn với nhiệm vụ công tác năm của từng đơn vị.
KHƠI THÔNG "ĐIỂM NGHẼN"
Thực tế tại Đắk Nông, để cải thiện chỉ số PCI, các thủ tục hành chính được công khai trên hệ thống thông tin Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Để tiết kiệm Chi phí thời gian và Chi phi phí không chính thức cho doanh nghiệp, người dân, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân sử dịch vụ; đến nay, tỉnh đã cung cấp 620 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ hỗ trợ công tác đầu tư các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (Quyết định 558/QĐ-UBND ngày 23/4/2021); ban hành quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Quyết định 2120/QĐ-UBND ngày 01/12/2021). Tỉnh cũng yêu cầu rà soát bộ thủ tục hành chính, đề xuất cắt giảm thủ tục giấy phép con.
Về công tác xúc tiến đầu tư: Tỉnh kịp thời nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc thông qua nhiều hình thức như: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp; Xúc tiến đầu tư; Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp… Các hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đáng kể chỉ số Tính năng động của chính quyền.
Thường trực tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh cũng trực tiếp chủ trì tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; kêu gọi nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Đắk Nông. Chủ động thông tin đến nhà đầu tư về các chính sách thu hút đầu tư, thủ tục hành chính và tiếp nhận khó khăn, vướng mắc thông qua việc sử dụng các ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook.
Tỉnh đã triển khai các bước lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo kế hoạch. Tỉnh đã mời một đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm và năng lực lập quy hoạch. Việc mời đơn vị tư vấn quốc tế chính là sự khẳng định tầm quan trọng cũng như quyết tâm của lãnh đạo tỉnh để xây dựng và phát triển Đắk Nông một cách bài bản và bền vững.
Tăng trưởng GRDP năm 2021 của Đắk Nông ước đạt 8,63%, đứng thứ 7/63 của cả nước, vượt xa tốc độ tăng trưởng của năm 2020 (4,63%) và kế hoạch năm 2021 (7,18%). Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Đắk Nông cũng đạt kết quả ấn tượng, tỷ lệ lây lan thấp. Tính đến 30/3/2022 tỉnh đã hoàn thành mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, thuế, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng; hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng; gia hạn nộp thuế cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Tỉnh cũng đã tích cực triển khai thực hiện “luồng xanh” vận tải; thành lập Tổ công tác hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản, hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Thực hiện nghiêm việc đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với viên chức tiếp nhận hồ sơ, qua đó có sự phân loại, đánh giá phù hợp, kiên quyết thay thế những cán bộ năng lực yếu, không có đạo đức công vụ.
TỪNG BƯỚC PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG
Để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI, ông Hồ Văn Mười cho biết, tỉnh Đắk Nông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng về đất đai, quy hoạch; tập trung nguồn vốn đầu tư công để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính cạnh tranh của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư.
Đắk Nông quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế các chính sách không còn phù hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch.
“Đặc biệt, tỉnh nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; luôn đề cao tính tiên phong, sáng tạo trong điều hành, lãnh đạo; sẵn sàng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm hội đầu tư” – ông Mười khẳng định.
Đại diện nhóm nghiên cứu Dự án PCI, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá, Đắk Nông luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tiếp tục đạt và vượt so với các năm; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch các chính sách, thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng bày tỏ tin tưởng Đắk Nông sẽ đạt được những bước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên điều tra thường niên hơn 8.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước; trên 2.000 doanh nghiệp mới thành lập; gần 1.200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo kết quả phân tích 10 chỉ số thành phần PCI năm 2021, Đắk Nông có tới 7 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Tiếp cận đất đai (năm 2020: 6,77; năm 2021: 6,97); Chi phí thời gian (năm 2020: 7,23; năm 2021: 7,57); Chi phí không chính thức (năm 2020: 6,54; năm 2021: 6,90); Tính năng động của chính quyền (năm 2020: 5,56; năm 2021: 6,79); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (năm 2020: 5,91; năm 2021: 6,19); Đào tạo lao động (năm 2020: 5,53; năm 2021: 5,66); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (năm 2020: 6,27; năm 2021: 7,68). Có thể bạn quan tâm |